PV: Xin ông cho biết, Quỹ Bình ổn xăng dầu được trích lập hằng ngày qua mỗi lít xăng dầu bán ra của Pertrolimex được vận hành như thế nào?
Ông Trần Văn Thịnh: Việc thành lập Quỹ Bình ổn xăng dầu có thể hiểu đơn giản là khi giá xăng dầu thấp, người tiêu dùng vẫn phải trả thêm một khoản tiền để hình thành quỹ. Trong trường hợp giá tăng cao, quỹ sẽ được chi ra để giữ giá ổn định, bù đắp cho việc giá dầu thế giới tăng, tức là người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ quỹ và Nhà nước cũng giữ bình ổn giá mặt hàng chiến lược này. Cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) hiện nay được thực hiện theo Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 của Bộ Tài chính và các văn bản thông báo mức chi sử dụng quỹ. Nguyên tắc chung của Thông tư là: Trích lập và chi sử dụng Quỹ phải do Nhà nước chỉ đạo thống nhất, chứ không phải các doanh nghiệp tự quyền trích và tự quyền sử dụng. Điều này có nghĩa là Quỹ BOG được lập và được để tại doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải chấp hành các quy định của Bộ Tài chính về mức trích, thời gian trích; mức sử dụng, thời gian sử dụng. Quỹ BOG được trích lập và quản lý tại một tài khoản riêng và chỉ sử dụng cho mục đích bình ổn giá, không được sử dụng vào mục đích nào khác. Việc kiểm tra, giám sát Quỹ này được tuân theo một quy trình nhất định như: định kỳ từng doanh nghiệp phải báo cáo tình hình trích lập, sử dụng và số dư của Quỹ, hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Tài chính. Đồng thời, vào cuối năm, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính sẽ trực tiếp kiểm tra, đối chiếu cụ thể đối với doanh nghiệp về tình hình trích lập, sử dụng Quỹ qua tài khoản Quỹ BOG của doanh nghiệp.
Petrolimex thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG tính cho mỗi lít bán ra theo quy định của Liên bộ (Tài chính, Công Thương) và lượng xăng dầu thực tế Petrolimex xuất bán cho tiêu dùng nội địa. Thực tế Quỹ BOG được thay đổi hằng ngày qua mỗi lít xăng dầu bán ra của Petrolimex; số tiền trích lập hàng ngày phụ thuộc vào sản lượng xuất bán nhiều hay ít; không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết thúc từng quý, căn cứ số liệu báo cáo, lượng xăng dầu xuất bán nội địa của 42 Công ty xăng dầu thành viên, căn cứ mức trích lập, chi sử dụng quỹ từng thời kỳ do Bộ Tài chính quy định, Petrolimex xác định số tiền phải trích lập, số tiền được phép chi sử dụng Quỹ BOG (nếu có) để hạch toán và lập báo cáo gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 6 Thông tư 234/2009/BTC-TT của Bộ Tài chính.
PV: Ông có ý kiến gì về việc Kiểm toán Nhà nước và một số đề xuất chuyển Quỹ BOG về Kho bạc Nhà nước, thay vì để tại doanh nghiệp như hiện nay, nhằm tạo tính minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ?
Ông Trần Văn Thịnh: Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định: Quỹ BOG được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá.
Như vậy, Quỹ BOG đang được để tại doanh nghiệp. Mức trích lập trên mỗi lít xăng dầu bán ra để đưa vào quỹ bao nhiêu? mức chi sử dụng trên mỗi lít xăng dầu bán ra bao nhiêu? doanh nghiệp đều phải thực hiện theo thông báo của Liên bộ; việc xác định tổng số tiền phải trích lập và được phép chi sử dụng cũng rất đơn giản như đã nói ở trên.
Với quy định như trên, để tạo tính minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ, vấn đề không phải để quỹ ở đâu (Kho bạc Nhà nước hay tiếp tục để ở doanh nghiệp) mà là công tác thông tin như thế nào để người tiêu dùng hiểu và cùng chia sẻ. Petrolimex cho rằng, về lâu dài, Quỹ vẫn cần được để tại doanh nghiệp để tạo tính chủ động, tránh cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính… đây là chủ trương phù hợp với xu thế chung nên tiếp tục thực hiện.
PV: Thời gian qua, dư luận cho rằng, doanh nghiệp khi bán bất kỳ một lít (kg) xăng dầu nào cũng đều phải trích lập Quỹ, việc hạch toán Quỹ BOG không phụ thuộc vào đơn vị kinh doanh đó lỗ hay lãi. Vậy, cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Thịnh: Đã là quỹ thì không nên âm. Sở dĩ thời gian qua có thời điểm xảy ra tình trạng bị âm Quỹ BOG có hai nguyên nhân chính là do chúng ta đã chi một khoản tiền cho mục tiêu bình ổn giá lớn hơn cả số tiền đã có trong Quỹ, kể cả số quỹ hình thành trong tương lai và một nguyên nhân nữa là do quy định mức trích Quỹ BOG là cố định, kể cả trong tình huống doanh nghiệp phát sinh lỗ và mức lỗ tính cho mỗi lít xăng dầu bán ra lớn hơn mức trích cố định.
Cả hai tình huống trên, thực chất doanh nghiệp đã phải ứng ra một khoản tiền nhất định để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá hoặc phải hạch toán trích lập Quỹ BOG kể cả khi lỗ. Cũng như các thương nhân đầu mối nhập khẩu khác, nhiều thời điểm, Quỹ BOG tại Petrolimex cũng bị phát sinh âm.
Quỹ BOG đã vận hành được gần 3 năm, chúng ta cần tiến hành tổng kết, để có những điều chỉnh cho phù hợp, để Quỹ BOG thực sự trở thành một trong những công cụ góp phần đắc lực vào việc bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có biến động mạnh.
PV: Được biết, Petrolimex không chỉ kinh doanh một mặt hàng xăng dầu, nên lợi nhuận còn có được từ nhiều nguồn thu khác. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp lỗ (trong kinh doanh xăng dầu) thì có Nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp sức, doanh nghiệp chẳng “thiệt” gì, vì vậy, việc trích lập Quỹ nên lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp thay vì lấy từ tiền của người dân?
Ông Trần Văn Thịnh: Nếu nói như vậy thì không chuẩn xác, bởi vì trong điều kiện kinh doanh bình thường, thị trường diễn biến bình thường thì doanh nghiệp kinh doanh được quyền chủ động “lời ăn, lỗ chịu”, không có cơ chế hỗ trợ (bù lỗ hoặc hỗ trợ về thuế) của Nhà nước. Chỉ khi thị trường có biến động bất thường, giá cơ sở tăng cao, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp không được điều chỉnh tăng giá mà phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá thì mới có chính sách hỗ trợ bằng việc linh hoạt chính sách thuế (chứ không phải bù lỗ), cho sử dụng Quỹ BOG; thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp không được tính lãi kinh doanh như một số thời kỳ…
Cơ chế hỗ trợ để bình ổn giá thị trường như vậy suy cho cùng là hỗ trợ người tiêu dùng. Trong thời điểm phải bình ổn giá, Nhà nước giảm thuế tức là người tiêu dùng không phải nộp thuế qua giá xăng dầu và giá cũng được giữ ổn định không tăng; Nhà nước cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG để doanh nghiệp không tăng giá; cũng chính là “gián tiếp trả lại” phần đóng góp của người tiêu dùng lập Quỹ BOG qua giá xăng dầu.
PV: Quan điểm của ông về ý kiến, những doanh nghiệp đầu mối lớn, có lượng xăng dầu lớn, Quỹ BOG cũng lớn, đây là khoản tiền không nhỏ được lấy từ đóng góp của người dân, do đó khoản kinh phí này cần được tính lãi?
Ông Trần Văn Thịnh: Việc có tính lãi hay không, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn vào bản chất của Quỹ. Quỹ được quy định là để tại doanh nghiệp tại một tài khoản riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá; có nghĩa là doanh nghiệp không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, đây là điều cấm doanh nghiệp vi phạm. Tiền đó không phải doanh nghiệp vay mà là “giữ hộ Nhà nước” để sử dụng khi có quyết định bình ổn giá của Nhà nước. Trong trường hợp đặt ra phải tính lãi, ai sẽ là người trả lãi với bản chất Quỹ như đã nêu ở trên? Giả sử có cơ chế cho doanh nghiệp vay Quỹ đó, có tính lãi thì Quỹ có thể tăng thêm, nhưng nguồn lãi ấy (nếu coi là chi phí doanh nghiệp bỏ ra) lại phải hạch toán vào chi phí kinh doanh xăng dầu sẽ làm tăng giá vốn của doanh nghiệp; mặt khác khi Nhà nước cần bình ổn giá tức thời thì lấy đâu ra nguồn lực… khi nguồn lực đó đang trên đường lưu thông. Chính vì vậy việc này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho hiệu quả?
TCCT
Thời gian qua, việc sử dụng quỹ bình ổn giá để can thiệp thị trường mỗi khi có biến động về giá, đặc biệt trong bối cảnh của lạm phát tăng cao là một cách làm đúng và mang lại lợi ích cho người tiêu d