Sự thật không sẵn có với người làm báo

Sự thật là điều cao quý nhất và nó phải luôn luôn được đặt trong tâm hồn và trí tuệ của người cầm bút. Đôi khi, có những sự thật chưa nên nói ra chứ dứt khoát, người làm báo không được cố tình nói sai

1.  20 năm trước, đến một đơn vị bộ đội với tư cách phóng viên quân sự, tôi gặp một chiến sĩ mới trong hoàn cảnh trớ trêu: anh ta phải cặm cụi đóng gạch trong khi cả đơn vị đang chơi thể thao sau giờ huấn luyện.

- Làm sao nên cơ sự này?- Tôi hỏi.

- Em bị cán bộ đại đội phạt vì tội… phát ngôn bừa bãi!

- Tại sao em lại làm điều đó?

- Nhìn thấy những con dòi trong đĩa cá kho, em sợ quá, kêu toáng lên. Những người cùng mâm đều biết và đều bỏ bữa. Chuyện đến tai cán bộ. Các anh ấy cho họp đại đội để... tìm hiểu tình hình!

- Rồi sao nữa?

- Em nói những điều nhìn thấy nhưng cán bộ không tin!

- Những người ăn cùng mâm với em không nói gì sao?

- Cách hỏi han của cán bộ làm cho họ sợ, có nói thành không. Cuối cùng, chỉ mình em bị phạt! - Người chiến sĩ nghẹn lời, đưa tay dụi mắt. Hình như anh ta khóc...
Tối hôm đó, tôi mang chuyện này ra hỏi đại đội trưởng. Anh lẳng lặng đưa cho tôi biên bản cuộc họp đại đội. Tôi có linh cảm là người chiến sĩ này bị oan nhưng tôi không có "cơ sở pháp lí" để bào chữa cho anh ta.
Chiều tối hôm sau, đang lững thững đi qua nhà ăn của đại đội, tôi nghe tiếng kêu thất thanh:

- Eo ôi! Có dòi trong đĩa thức ăn thật đây này!

- Tôi nhảy bổ lại mâm cơm và quả thật, trong bụng một con cá biển phơi khô, to gần bằng cái quạt nan, dòi bọ đang lúc nhúc chui ra.
Thì ra, cái nồi quân dụng cao tới hơn nửa mét, bị thất lạc nắp đậy từ hôm đơn vị đi dã ngoại nên khi kho cá,  phía dưới nồi đã sôi lục bục nhưng ở phía trên, sức nóng không đủ làm cho cá chín. Đến giờ ăn cơm chiều, giữa cảnh tranh tối tranh sáng, anh nuôi lấy xúc đại cá kho ra đĩa…

***

2. Năm 2005, nhiều tờ báo loan tin ông Uông, quê ở Cẩm Giàng (Hải Dương) tự gây tai nạn, vào viện cắt chân để đòi hãng bảo hiểm Prudential bồi thường hơn 700 triệu đồng. Có ai tự đập gẫy chân, vào viện "cưa cắt" tới bốn lần để lấy tiền khi con trai mình là một người giàu có, hiếu đễ với cha mẹ và mua được cả ô tô riêng không? Mang trong mình những thắc mắc đó, tôi tìm về nhà ông Uông.
Từ ngoài ngõ, tôi đã nghe tiếng ông tuyệt vọng quát tháo bà vợ già: “Cứ để cho tôi chết! Nhục thế này, không sống nổi!”

Tất cả hồ sơ, giấy tờ có mực đen, dấu đỏ của luật sư, của bản án, của một số tờ báo in ảnh ông Uông đứng trước Toà án như một tội đồ cụt chân giữa rừng máy ảnh - những “cơ sở pháp lí” của vụ việc này - đều khẳng định ông Uông sai nhưng tôi không cảm nhận như thế. Tôi điều tra "từ dưới lên trên" và bắt đầu từ các thầy cô giáo - đồng nghiệp của ông Uông.

- Thời bao cấp nghèo đói là vậy, ông Uông vừa làm giáo viên, vừa làm thủ quỹ mà không tơ hào đồng xu cắc bạc nào của anh em. Vậy thì đến bây giờ, con ông ấy là một đại gia ở Hà Nội, có ô tô riêng, có khách sạn riêng, bỏ tiền xây nhà cho bố, lẽ nào ông ấy lại đổ đốn ra như thế?

- Lời tâm sự của các thầy cô giáo ở Trường tiểu học nơi ông Uông đã từng công tác củng cố thêm niềm tin nội tâm của tôi. Tôi mượn xe ô tô, đưa ông Uông vào bệnh viện ở Hà Nội để thử máu tìm giun chỉ - căn bệnh mà người ta nghi ông mắc từ thuở thiếu thời, phải cắt chân và nhân dịp này ông đã tự thương, bỏ chân để đòi bồi thường - với lời "đe doạ": nếu cha con ông giả dối, mua chuộc bác sĩ, kết quả xét nghiệm không đúng với thực tế thì tôi sẽ là người tố cáo ông. Ông Uông viết giấy cam kết "sẽ tuyệt đối trung thực", đưa cho tôi và vào bệnh viện, ngủ lại để lấy máu trong đêm - một quy trình bắt buộc đối với người muốn tìm giun chỉ.
Lấy được phiếu xét nghiệm với lời kết luận "bệnh nhân không có giun chỉ", tôi lao vào viết bài điều tra, khẳng định ông Uông không gian dối và toà án đã phán xét sai, luật sư nhận đơn đặt hàng của hãng Prudential đã kết luận không đúng và kiến nghị xét xử lại bằng một phiên toà minh bạch.

Bài viết được trao cho Ban biên tập báo Thanh Tra nhưng rất tiếc nó đã bị “ngâm” hơn 2 tháng vì anh Nguyễn Bình mới về đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập, lạ nước lạ cái, phải thận trọng  nhiều bề. Khi không thể chờ đợi hơn được nữa, tôi rút bản thảo, chỉnh sửa lại đôi chút cho khớp với sự thay đổi của tình hình vụ án rồi đưa sang báo Bạn Đường. Tổng biên tập Phạm Mạnh cho  in ngay tắp lự...
Kết cục, Toà án Tối cao đã độc lập xét xử lại, ông Uông thắng kiện, được bồi thường gần 750 triệu đồng.

***

Tôi không có công cán gì trong vụ “cá kho”, hay việc ông Uông thắng kiện, nhưng tôi vẫn có một niềm vui nho nhỏ, đó là mang lại cho những con người “thấp cổ bé họng” một tia hi vọng về lẽ phải và công lí khi họ ở trong cơn tuyệt vọng, đúng như một nhà văn đã viết: nỗi đau về thể xác thì con người tự mang lấy được nhưng nỗi đau về tinh thần, rất cần sự sẻ chia vì nó rất nặng, bản thân  người ta không thể mang lấy một mình

 

 

 

  • Tags: