Đó là nhận định của ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) trong Hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” khi bàn về phản ứng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với các chính sách mới liên quan đến Luật Đầu tư sửa đổi.
Hội thảo "Tác động của Luật Đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài"Hội thảo diễn ra ngày 20/11/2014 tại Hà Nội, nhằm làm rõ hơn những thay đổi căn bản trong Luật Đầu tư mới, những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ưu đãi về thuế, sự thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư.
Để chứng minh cho nhận định, ông Quang đưa ra dẫn chứng, về thu hút đầu tư, cho đến nay Việt Nam đã thu hút tổng số trên 244 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã được giải ngân ở Việt Nam là 122,25 tỷ USD. Trong tổng số 244,16 tỷ USD này thì riêng phần vốn tăng thêm của các nhà đầu tư đã được cấp phép ở Việt Nam đạt con số rất cao khoảng 87,49 tỷ USD. Ông Quang cho rằng, đây là chỉ số đánh giá niềm tin của cộng đồng các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nó cho thấy nhu cầu lớn trong việc tiếp tục đầu tư mở rộng các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy có thể nói rằng, trong những năm qua đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã trở thành động lực, một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trung bình đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và có xu hướng tăng qua các năm.
Đầu tư nước ngoài trong tỷ trọng GDP chiếm khoảng 18-19%. Về xuất khẩu, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 60% của cả nước. Trong 10 tháng đầu của năm 2014, Việt Nam đã thu hút được 13,7 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 10,2 tỷ USD. Các chỉ số liên quan đến sản xuất kinh doanh của khu vực FDI, đặc biệt liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu tăng trưởng rất ổn định. Riêng xuất khẩu tăng khoảng 13,6%, chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhập khẩu tăng 10,7%, chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. “Rõ ràng, với tốc độ tăng trưởng về xuất nhập khẩu như vậy, đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp quan trong thành tích của chúng ta về xuất siêu trong những năm gần đây. Chuyển động đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2014 là minh chứng rõ cho thấy phản ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng các nhà đầu tư đến nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh” - ông Quang khẳng định.
Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, ông Quang cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần thu hút có chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, trong các lĩnh vực: CNTT, phục vụ nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao…; thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs, đồng thời chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với doanh nghiệp trong nước; quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế từng vùng, từng ngành và quy hoạch chung.Ông Quang cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp dường như đánh giá rất cao 4 nội dung sửa đổi lần này: Thứ nhất là cải cách thủ tục đầu tư; thứ hai, minh bạch hóa chính sách; thứ ba, chính sách liên quan đến đầu tư, mua lại, sáp nhập, hợp tác công tư…; thứ tư là nội dung liên quan đến minh bạch hóa các lĩnh vực công, cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là một quá trình đã và đang tiếp diễn. Hy vọng Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua sẽ tạo đột phá cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài” ông Quang nhấn mạnh.