Sự sửa đổi cần thiết
Doanh nghiệp nhà nước là chủ thể quan trọng trong Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định về Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Sau gần 4 năm triển khai, Nghị định số 10 đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, liên quan đến việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, cụ thể:
-Việc thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập còn kéo dài do trình tự, thủ tục phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
-Quy định về việc thành lập mới công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của Công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa có sự thống nhất giữa Nghị định số 10 và Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
-Việc đầu tư bổ sung vốn của công ty mẹ 100% vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào công ty con, công ty liên kết trong trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật còn phức tạp. Thủ tướng Chính phủ sẽ phải xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn của công ty mẹ vào công ty con, công ty liên kết. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn, doanh nghiệp mới thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, xây dựng để được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Do đó, việc rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế nói trên. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo một nghị định mới nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Trong đó, đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Những điểm mới của Dự thảo
Thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:
Theo quy định tại khoản 11 Điều 11 và khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tràn lan, không hiệu quả, không kiểm soát, đồng thời thực hiện mục tiêu nâng cao cơ chế kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 11 Điều 11 và khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng: giao cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm cả doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Trường hợp chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định theo thẩm quyền.
Thành lập mới công ty con là công ty TNHH MTV của Công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty mẹ quyết định việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tại Đề án cơ cấu lại công ty mẹ. Trường hợp chưa được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp thì phải trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Đề án.
- Tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Hội đồng thành viên công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập theo quy định của Luật số 69/2019/QH13: “Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập mới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp. Quyết định thành lập công ty con 100% vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương”.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP.