Sức ép tỷ giá có thể kéo dài đến hết quý 3/2024
Trong ngày 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tăng lãi suất OMO thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 4,50% cho kỳ hạn 7 ngày. Trước đó vào ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng lãi suất OMO từ 4,0% lên 4,25%. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã phải có 2 sự điều chỉnh lãi suất với mức tăng tổng cộng 50 điểm cơ bản.
Trước đó, nhiều tổ chức tài chính đã nhận định áp lực tỷ giá USD/VND đang còn tiếp diễn. Theo dữ liệu của Bộ phận Nghiên cứu - Chứng khoán Phú Hưng (PSH Research), Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỷ USD kể từ cuối tháng 4 đến thời điểm hiện tại, tương ứng khoản 3% dự trữ ngoại hối quốc gia. Mặc dù, đã thực hiện cùng lúc can thiệp tỷ giá lẫn tăng lãi suất, nhưng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, trên thực tế, tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực từ nhu cầu ngoại tệ gia tăng, chủ yếu đến từ các vấn đề chính như sau: tăng nhập khẩu; kết chuyển lợi nhuận về nước; trả nợ vay của các doanh nghiệp; và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao kỷ lục trong khoảng thời gian dài hạn.
Thứ nhất, về vấn đề nhập khẩu, nhập khẩu tăng trong khi sụt giảm nhẹ trong giá trị xuất khẩu dẫn đến cán cân thương mại ghi nhận mức thâm hụt hơn 2,6 tỷ USD trong 15 ngày đầu tiên của tháng 5/2024. Đáng chú ý là nhập siêu đến từ cả khu vực trong nước lẫn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Các chuyên gia đánh giá yếu tố này không phải là điều đáng báo động, mà Việt Nam đang bước vào "mùa" cao điểm nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh của năm. Tuy nhiên, điều này cũng đã ít nhiều gia tăng thêm áp lực đến tỷ giá trong bối cảnh nhạy cảm hiện tại.
Thứ hai, về vấn đề kết chuyển lợi nhuận về nước, Quý 2 và Quý 3 hàng năm là giai đoạn đỉnh điểm trong việc các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chuyển các khoản lợi nhuận về nước sở tại. Nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp FDI tại một số ngân hàng cũng đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Trên thị trường, một số thông tin e ngại rằng các doanh nghiệp FDI sẽ “rút chân” khỏi Việt Nam, đặc biệt là sau khi một số kênh truyền thông nước ngoài đề cập đến việc cơ quan chức năng Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp tự nguyên tiết giảm mức sử dụng điện.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bác bỏ thông tin sai lệch này.
Đồng thời, các chuyên gia khẳng định e ngại trên là không thuyết phục khi ngày càng nhiều cái tên lớn công bố lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt các chuỗi cung ứng của họ, như Apple, Samsung,...
Số liệu thực tế cũng cho thấy sản lượng điện trong các tháng cao điểm không hề giảm mà cũng tăng vọt, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất tiêu dùng. Một số tổ chức tài chính cũng nhấn mạnh, hiện tượng gián đoạn cung ứng điện như trước đây đã không xảy ra khi EVN đã gia tăng tích trữ nước tại các hồ thủy điện.
Vì vậy, các chuyên gia và tổ chức tài chính cho rằng, nhu cầu ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp FDI phần nhiều vẫn là trong giai đoạn cao điểm kết chuyển lợi nhuận và “mùa” nhập khẩu để đẩy mạnh sản xuất trong quý 3 - quý cao điểm của xuất khẩu đồ điện tử.
Thứ ba, về vấn đề trả nợ vay nước ngoài, PHS Research hiện cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn vì các khoản vay nước ngoài ngắn hạn phần nhiều sẽ đến hạn trong Quý 2 & Quý 3.
Cuối cùng, về triển vọng hạ lãi suất của Fed, sau khi liên tiếp các số liệu lạm phát tại Mỹ chưa giảm nhiệt như kỳ vọng. Hiện một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới đưa ra nhận định sơ bộ, cho rằng xác suất khá cao Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay, hoặc chỉ giảm lãi suất 01 lần, thay vì khoảng 03 lần như kỳ vọng của thị trường hồi đầu năm nay.
Đáng chú ý, Fed đang có động thái giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối (QT). Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, loạt quan chức cấp cao của Fed vừa phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu như lạm phát có dấu hiệu kéo dài dai dẳng.
Điều này hàm ý rằng chênh lệch giữa lãi suất hai đồng tiền USD và VND sẽ tiếp tục âm trong suốt giai đoạn còn lại của năm nay. Qua đó kích thích các hoạt động giao dịch đầu cơ carry trade - nhà đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất. Chênh lệch lãi suất lớn khiến việc mua và nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn.
Đây sẽ là những nhân tố chính tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND trong quý 2 - quý 3 tới đây. Tỷ giá sẽ vẫn là một bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn.
Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành?
Thực tế rằng VND vẫn đang khá mạnh nếu như so sánh với sự mất giá của các đồng tiền khác trong khu vực Không chỉ riêng Việt Nam, trước đó một số Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để can thiệp ổn định tỷ giá, một số đã phải đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất.
Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã phải thực hiện tăng lãi suất trong năm nay trước sự mất giá của đồng nội tệ.
Theo PHS Research, với các áp lực như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất OMO thêm 25 - 50 điểm cơ bản, điều này sẽ đẩy các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng theo giao dịch trên ngưỡng 5,0%.
Bản thân nhà điều hành đang nỗ lực can thiệp để ổn định tỷ giá với các công cụ khác như bơm - hút ròng thanh khoản, đấu giá vàng miếng và đặc biệt bán ngoại tệ - tăng cung giao ngay ra thị trường.
Trong khi đó, Bộ phận Nghiên cứu - Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, không ngoài trừ việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO là bước đi thăm dò nhằm chuẩn bị cho việc nâng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ và có thể can thiệp trực tiếp đến các công cụ lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn.