Hội thảo nhằm truyền tải tới đại biểu và công chúng các thông tin cập nhật về hiện trạng, định hướng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số tỉnh Nam Trung bộ và Miền nam với mong muốn thông tin từ Hội thảo sẽ đóng góp phần cho sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong khu vực nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Việt Nam là khu vực có bức xạ mặt trời hàng năm tương đối lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn về số giờ nắng (số liệu bình quân trong 20 năm) nước ta có thể chia làm 3 vùng.Vùng 1 bao gồm các tỉnh vùng Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) với số giờ nắng tương đối cao (từ 1897 giờ/năm đến 2102 giờ/năm). Vùng 2 bao gồm các tỉnh còn lại của miền Bắc và một số tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình với số giờ nắng thấp (trung bình năm từ 1400 giờ/năm đến 1700 giờ/năm). Vùng 3 bao gồm các tỉnh từ Huế trở vào với số giờ nắng cao nhất trong cả nước (từ 1900 giờ/năm đến 2700 giờ/năm).
Vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ được đánh giá có tiềm năng rất tốt với tổng số giờ nắng khoảng từ 2000 giờ/năm đến 2500 giờ/năm và cường độ bức xạ mặt trời dao động trong khoảng từ 4,9 kWh/m2/ngày đến 5,7 kWh/m2/ngày. Với tiềm năng như vậy, Việt Nam có thể khai thác cho sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời ước tính khoảng 13.000 MW (theo đánh giá của GreenID). Cùng với năng lượng mặt trời, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW.
Thực tế cho thấy, các dự án năng lượng tái tạo đang tập trung chủ yếu ở khu vực duyên hải từ Bình Định kéo dài đến Vũng Tàu, đến các tỉnh miền Tây và qua Tây Ninh và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Do có điều kiện khí hậu lý tưởng nhất cho các dự án năng lượng mặt trời và điện gió cũng như các chính sách khuyến khích từ Nhà nước và chính quyền địa phương nên khu vực này đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Nhà nước rất quan tâm và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như giảm thuế nhập khẩu các thiết bị năng lượng tái tạo như hầm ủ biogas, tua bin gió, xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khảo sát phát triển năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước được phép đầu tư về vốn, công nghệ để xây dựng dự án năng lượng sạch tại Việt Nam đi kèm với việc được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng đầu tư của Nhà nước... Phát triển nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất và đời sống chính đã đang và sẽ là hướng đi tất yếu.
Nhận thức được tầm quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, tận dụng được nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu định hướng cho phát triển năng lượng tái tạo: “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030”.
Các dự án phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo được nâng lên từ tỷ lệ không đáng kể trong giai đoạn trước đây, đến cuối năm 2017, đã đưa vào vận hành phát điện 245 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 2.380 MW; 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 190 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 6,47 % tổng công suất toàn hệ thống.
Về điện mặt trời, đến tháng 6 năm 2018 có khoảng 100 dự án được bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 5.500 MWpít. Đây là tín hiệu hết sức tích cực cho thấy sự phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Hội thảo cũng nghe đại diện các tỉnh, thành phố phát biểu về hiện trạng, định hướng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số đại phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước... Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương, qua đó kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.