Hướng tới sản phẩm sạch và chiếm lĩnh thị trường
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm ngành nông, thủy sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2017; thủy sản đạt đạt gần 4 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2017.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Đà, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đây cũng là vấn đề khó quản lý nhất vì đòi hỏi sự kiểm soát của cả chuỗi cung ứng.
Do đó, muốn phát triển và xây dựng được thương hiệu, uy tín cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, trước tiên phải đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần có giải pháp cho toàn bộ chuỗi theo các nguyên tắc tiêu chuẩn hóa việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cụ thể, minh bạch hóa thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc và hệ thống hóa khâu tổ chức sản xuất.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thì chia sẻ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bất kể đó là doanh nghiệp nhỏ hay lớn nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Các chuyên gia kinh tế tham gia tọa đàm trong diễn đàn Diễn đàn Xúc tiến thương mại ngành thực phẩmTheo phân tích của Tiến sĩ Đào Hà Trung, vấn đề mà người tiêu dùng hiện nay quan tâm chính là thông tin, sự an toàn của thực phẩm. Điều kiện tiên quyết để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp ngành thực phẩm là niềm tin của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, truy xuất nguồn gốc chính là giải pháp hiệu quả cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhỏ, startup (khởi nghiệp) cũng nên mạnh dạn đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu, vì việc sử dụng công nghệ cao hiện nay không khó và cũng không quá đắt nhưng những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sẽ nhận được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Ông Stephen Liang, Đại diện Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thể phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đầu tiên đó là nguồn nguyên liệu dồi dào từ hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhiều nông sản có chất lượng, giá trị cao.
Cũng theo ông Stephen Liang, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nói riêng.
Intracom đầu tư vào ngành thực phẩm
Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, xem ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Từ quyết định này đã mở ra nhiều hướng đi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng & Giao thông (Intracom).
Với thắc mắc của phóng viên về doanh nghiệp chuyên đầu tư về xây dựng và hạ tầng giao thông, tại sao lại muốn chuyển sang làm nông nghiêp. Ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Intracom chia sẻ: “Việt Nam có lợi thế trên 80% người dân làm nông nghiệp, nên mình phải xuất phát từ gốc nông nghiệp mà phát triển. Intracom có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực đầu tư, vì vậy chúng tôi muốn không chỉ có Intracom đầu tư mà hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ chế biến sau thu hoạch, để làm sao mình phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sau thu hoạch của Việt Nam lên”.
Nói về kế hoạch phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Việt cho hay, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách tổng thể và sẽ làm việc với từng địa phương cũng như các hiệp hội, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ... để chọn những công nghệ chế biến sau thu hoạch tốt nhất để áp dụng vào những vùng có thế mạnh về nông nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long và Phía Bắc. Nhằm tạo ra những sản phẩm sạch và chất lượng. Ngoài thị trường trong nước, tôi muốn xuất khẩu các sản phẩm đi châu Âu và các thị trường khó tính trên thế giới.
Đánh giá về tiềm năng phát triển về ngành thực phẩm, ông Việt cho biết thêm, chúng tôi đánh giá ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm của Việt Nam hiện nay rất là tiềm năng. Tôi nhận thấy rằng cần có sự nhìn nhận, bởi vì hiện nay chúng ta chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng, doanh nghiệp đầu tư hoạch định chính sách cũng như công nghệ mới, rút kinh nghiệm từ những nước có nền công nghiệp thực phẩm phát triển để rút ngắn khoảng cách chế biến và tránh lãng phí những cái không cần thiết.
Chúng ta hãy làm thực phẩm sạch, thực phẩm sạch để đưa ra thị trường, bởi như vậy chúng ta mới khẳng định được thương hiệu, cũng như ngành nông nghiệp, chế biến công nghiệp thực phẩm của Việt Nam. Việc phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm cần những doanh nghiệp đứng đầu nhưng cũng cần những doanh nghiệp nhỏ để phối hợp cùng nhau xây dựng nền nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tiệm cận được với thế giới.
Ngoài Intracom thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp cũng đang quan tâm đến ngành thực phẩm của Việt Nam, nhiều người đã xây dựng thành công thương hiệu của mình. Chị Tyna là một ví dụ điển hình, cô gái Việt bỏ Paris hoa lệ về Tây Nguyên khởi nghiệp, chị đã tạo nên thương hiệu Biophap, hiện nay đã trở thành 1 trong những doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ hàng đầu Việt Nam được nhiều chứng nhận hữu cơ quốc tế như AB (châu Âu), JAS (Nhật Bản), USDA (Hoa Kỳ) và Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life).