Theo quy tắc, chuẩn mực quốc tế
2020, khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục chứng kiến những biến động và biến số khó lường, bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Phản ứng và quan hệ như thế nào là lựa chọn rất khó khăn trong tận dụng thời cơ và vị thế.
Cùng với đó, xuất hiện một xu hướng mới trong thương mại toàn cầu là phản đối các thỏa thuận thương mại đa phương, chống lại toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch gia tăng.
Những vấn đề trên đặt ASEAN vào tình huống phức tạp, do thương mại nội khối chỉ chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nên bất kỳ xung đột nào từ nào bên ngoài, dù an ninh, kinh tế, hay chính trị cũng sẽ tác động đến tình trạng ngoại thương của ASEAN.
Buôn bán nội khối sẽ còn khó khăn do sự chênh lệch phát triển. GDP bình quân đầu người của Singapore gần 60 nghìn đô la, cao gấp 42 lần Campuchia và 45 lần Myanmar.
Một thống kê khác của Ngân hàng thế giới cho thấy, 98% những người từ 18 tuổi trở lên ở Singapore và 85% ở Malaysia có tài khoản ở ngân hàng, trong khi Campuchia và Myanmar lần lượt là 22% và 26%.
Những năm trước, diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới tạo ra thách thức không nhỏ đối với ASEAN, nhưng đó chỉ là tiếng vang dội vào vách đá.
Từ giữa 2018 trở đi, xung đột thương mại, xung đột địa-chính trị cộng hưởng với những mâu thuẫn “sống còn” giữa hệ thống thương mại đa biên tự do với chủ nghĩa quốc gia dân tộc đã lên tới đỉnh điểm.
Trong bối cảnh đó, ASEAN, với tư cách là một khối, cần phải lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc bảo toàn một hệ thống thương mại đa phương tự do, được dẫn dắt bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, mà trọng trách chi phối chủ yếu nằm ở nước đóng vai trò Chủ tịch khối.
Ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Nhưng từ cuối 2018, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao làm Chủ tịch đã được thành lập. Đến trước khi nhậm chức, Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, các kế hoạch hành động tổng thể cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhận được sự hưởng ứng cao của các nước thành viên ASEAN, và kỳ vọng vào những sáng kiến của nước Chủ tịch nhằm hiện thực hóa chủ đề, đưa ASEAN bước vào một chu kỳ vận động mới.
Trong chu kỳ vận động này, ASEAN phải chủ động thích ứng với 2 biến động chính. Thứ nhất, đến từ bên ngoài, là những xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, nhất là từ những khu vực, những nước có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khối.
Do đó, trong năm Chủ tịch, Việt Nam phải chủ trì, phối hợp với các nước xây dựng cho được một hệ thống các nguyên tắc chỉ dẫn cho những phản ứng chung của toàn khối.
Đây cũng là lý do thúc đẩy Việt Nam đưa ra 5 ưu tiên, thì ưu tiên hàng đầu là “Đoàn kết và thống nhất” nhằm nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thứ hai, trước sự rạn nứt của hệ thống thương mại tự do; sự không chắc chắn về tương lai của hệ thống thương mại đa phương, Việt Nam phải cùng các nước trong khối xây dựng hình ảnh một ASEAN như một đối tác đáng tin cậy trong dòng chảy hội nhập quốc tế.
Cho đến nay, các nước trong ASEAN và đối tác của ASEAN đều bày tỏ tin tưởng vào viễn cảnh hiện thực hóa Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” trong vai trò dẫn dắt của nước Chủ tịch với những lý do sau.
Trước hết, mặc dù mới tham gia năm 1995, trong lịch sử 53 năm ASEAN, nhưng Việt Nam là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực khi có 17 FTA đang đàm phán và đã ký kết, trong đó có 12 FTA đang thực thi với 60 nền kinh tế, chiếm 75% tổng kim ngạch thương mại thế giới; là 1 trong 3 nước ASEAN ký kết FTA thế hệ mới CPTPP; 1 trong 2 nước ASEAN ký kết FTA với EU.
Bên cạnh đó, thành tựu hội nhập của Việt Nam hết sức ấn tượng, liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.
Quan trọng hơn, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về chiến lược “Không để ai bỏ lại phía sau” khi tỉ lệ đói nghèo chỉ còn 1,5%, được bà Caitlin Wiesen, Đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá “thành công ở tầm thế giới”, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, coi là “thành tựu đáng kinh ngạc”.
Thành công của Việt Nam tạo ra sự tin tưởng trong khối thúc đẩy cam kết hội nhập mạnh mẽ hơn mà không mâu thuẫn với các ưu tiên trong nước.
Với thành tích, dấu ấn quan trọng, Việt Nam thuận lợi hơn trong thúc đẩy các sáng kiến trong Năm chủ tịch, tập trung vào 3 mảng chính: Tăng cường sức mạnh nội khối ASEAN thông qua liên kết trong khu vực; ASEAN với vai trò trung tâm của mình, kết nối với các nước, các nền kinh tế khác trên thế giới; Những ưu tiên để Việt Nam tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Mới đây, tờ Bangkok Post của Thái Lan nhận định rằng, Việt Nam đang đóng vai trò là cường quốc tầm trung ở châu Á, với việc lần thứ hai được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Và việc hai nước Việt Nam, Nhật Bản tham dự hội thảo trong nhiều chủ đề trong quan hệ song phương nhân ngày ASEAN - Nhật Bản cho thấy Nhật Bản đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam trong ASEAN.
Đây cũng là quan điểm của nhiều nước trong khối. ASEAN kỳ vọng rất nhiều vào sự dẫn dắt của Việt Nam với vai trò Chủ tịch trong tạo ra cách thức duy trì sức sống của ASEAN trong một chu kỳ vận động mới - chu kỳ của hệ thống thương mại tự do đang rạn nứt, trong khi những nguyên tắc cơ bản về cách thức tồn tại mới của tổ chức thương mại đa phương chưa hình thành.