Bắt đầu từ 2015 đến nay rộ lên những dự báo cả về mặt nhận định lẫn số liệu thống kê chứng minh rằng, các cửa hàng tạp hóa bán lẻ đang mất dần đất sống; xu hướng thu hẹp dẫn đến xóa sổ hoặc chuyển hóa sang mô hình cửa hàng tiện lợi đang diễn ra rất nhanh.
Trước hết, về mặt đánh giá, có 4 nhận định chủ yếu nói đến tính lỗi thời của cửa hàng tạp hóa truyền thống. Thứ nhất, về mặt hàng có sự giống nhau kỳ lạ, mỗi cửa hàng đều có những nhóm hàng giống nhau từ bánh kẹo; sinh hoạt cá nhân (thuốc đánh răng, xà phòng tắm, nước rửa tay); đến nấu nướng (nước mắm, dầu ăn, gia vị); chất tẩy rửa... Nguồn hàng cũng giống nhau,nên sự cạnh tranh duy nhất là về giá, do đó càng trở nên khốc liệt hơn.
Thứ hai, thiếu vắng sự tiếp thị. Tất cả các cửa hàng mới được mở ra... một cách tự nhiên. Ai đi ngang qua thì biết, không hề có màn ra mắt, hay phát tờ rơi cho khu vực lân cận. Tư tưởng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không còn phù hợp, bị lỗi thời ngay ở khâu “khởi nghiệp”.
Thứ ba, kiểm soát dòng tiền, dòng hàng bằng ghi chép thủ công với 1 quyển sổ, thâm chí quyển vở ô li. Kiểm soát thủ công khiến chủ nhân không đánh giá chính xác mặt hàng bán chạy, mặt hàng tồn nhiều dẫn đến khó nắm bắt được xu thế thị trường và nhanh chóng tìm kiếm nguồn hàng đáp ứng với yêu cầu khách hàng.
Thứ tư, phần lớn các cửa hàng tạp hóa truyền thống mới ra đời là lặp lại mô hình của người đi trước, kinh doanh theo thói quen nên gặp nhiều khó khăn trong đánh giá những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, nhất là ở những khu vực mới phát triển, có nhiều cư dân trẻ.
Về mặt thống kê, người ta thường đưa ra con số của nhiều cuộc khảo sát, điều tra. Chẳng hạn, có tới 91% các cửa hàng tạp hóa truyền thống kinh doanh bằng hình thức mô phỏng các cửa hàng ở khu vực lân cận. Hoặc theo khảo sát của Nielsen mới công bố, khoảng 52% trong số 800 cửa hàng truyền thống tham gia khảo sát nhận định tình hình kinh doanh 12 tháng tới sẽ diễn biến không tốt, tăng đến 8% so với cùng kỳ năm trước. Con số khảo sát khác cũng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên rót vào những khoản chi tiêu lớn hơn. Trong đó, du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng... tức những mặt hàng không nằm trong cơ cấu nguồn hàng của cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Khái quát lại, từ đánh giá và số liệu thống kê đang dẫn tới nhận định rằng, cửa hàng tạp hóa truyền thống đang thất thế và sẽ được thay thế bằng các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, bán hàng trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội.
Tuy nhiên cũng chính những con số thống kê phản bác lại những nhận định trên. Khoảng năm 2003-2004 gì đó, nhiều chuyên gia bán lẻ trong và ngoài nước đưa ra dự báo, trong 10-15 năm tới sẽ có nhiều làn sóng bùng nổ trên kênh bán lẻ hiện đại; đến năm 2015, muộn nhất 2020 bán lẻ hiện đại chiếm ít nhất 50% thị phần.
Quả thực, trong hơn 10 năm, kênh bán lẻ hiện đại phát triển rất nhanh chóng. Năm 2005 cả nước có hơn 220 siêu thị tại 32 tỉnh thành phố, đến nay có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Riêng chuỗi các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng phát triển với tốc độ chóng mặt. Thế nhưng, cho đến nay, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ xấp xỉ 22%, và nếu đến 2020 cán mốc được 25% (bằng 1 nửa dự đoán trước đây) đã là quá tốt. Trong khi đó, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn dẫn đầu về cả số lượng và đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh. Nguồn thu từ kênh truyền thống tại khu vực thành thị chiếm khoảng 83%, tương đương 10 tỷ USD trong cơ cấu doanh thu ngành hàng này - theo số liệu của Nielsen.
Điều đó cho thấy sức sống của cửa hàng tạp hóa truyền thống, cho thấy đây là loại hình dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường. Theo báo cáo thị trường của Q&Me, “người dùng đã quen dần với việc mua sắm trong các siêu thị lớn, có một không gian mua sắm tiện nghi, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, có nhiều lựa chọn hơn cũng như hoàn toàn yên tâm về chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm. Vậy sức sống của cửa hàng tạp hóa nằm ở đâu?
Giữ lại nét riêng nhưng khẩn trương thay đổi hình dạng, thay đổi để thích nghi – thay đổi để tồn tại! Đó là bí quyết tồn tại và phát triển của loại hình phân phối này. “Cái riêng” của một tiệm tạp hóa chính là tiệm bán đủ thứ đồ từ mắm, muối, dầu, gạo đến cây kim, sợi chỉ, hành ngò, tương chao luôn có sẵn. Chỉ cần tấp xe vào lề đường, đọc một lèo danh sách muốn mua. Sẽ chẳng phải mất thời gian cất xe, dạo trong siêu thị rộng lớn rồi đi hết mọi ngõ ngách để tìm món đồ mình cần vì chẳng biết nó được trưng bày ở đâu. Và rồi khách hàng tốn hàng giờ lạc trong “mê cung” ấy.
Cũng là kênh bán lẻ, nhưng chợ truyền thống đã bị thu hẹp đáng kể vị thế của nó ở khu vực đô thị và phần nào đó ở khu vực nông thôn. Nhưng cửa hàng tạp hóa truyền thống đã vẽ nên một bức tranh khác, bằng ba loại chất liệu.
Thứ nhất, đó là tập quán thích sự tiện lợi khi mua bán. Người Việt rất khoái tấp xe máy vào vỉa hè, mua ở hiệu tạp hóa gần nhà hoặc trên đường đi làm về. Thứ hai, cửa hiệu tạp hóa truyền thống thường tận dụng mặt bằng tại gia để kinh doanh, tận dụng người trong nhà làm nhân công dẫn đến chi phí đầu vào thấp, không đòi hỏi chiết khấu nhiều nên chính các nhà sản xuất, phân phối tự tìm đến hợp tác, khiến nguồn hàng ở cửa hiệu tạp hóa truyền thống dồi dào và phong phú, giá cả hợp lý hơn.
Theo khảo sát của Nielsel, có đến 92% người Việt khi được hỏi đã cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ. Bên cạnh đó còn có cả sự tương tác giữa người mua và người bán, thậm chí nhiều chủ tạp hóa dễ tính còn cho khách… nợ. Điều này hoàn toàn không có ở các kênh bán lẻ hiện đại.
Thứ ba, các cửa hiệu tạp hóa truyền thống ít có nhu cầu bức bách tạo ra lợi nhuận lớn để tái đầu tư mở rộng như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini nên thường không bị vướng vào áp lực tài chính vay nợ. Đây cũng chính là lý do họ “sống sót” tốt hơn so với các loại hình khác trong thời kỳ thị trường biến động, thậm chí khủng hoảng.
Thứ tư, đã có những thay đổi ngoạn mục, nhiều cửa hàng tạp hóa đã sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline qua nhiều kênh, cố gắng tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất…
Sau gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Điều này cho thấy, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt, đây là loại hình kinh doanh dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường.