Suy nghĩ về việc xăng, dầu tăng giá

Đúng 10 giờ ngày 21/7/2008, sau khi liên Bộ Công Thương và Tài chính quyết định cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong cả nước điều chỉnh giá bán lẻ theo chiều hướng tăng tối đa 4.500 đồng/lít

             Và sau đây là một số đánh giá mà phóng viên TC Công nghiệp ghi nhận được vào thời điểm sau khi giá xăng, dầu tăng được một ngày.

Mặt tích cực

            Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho biết, việc tăng giá xăng dầu lần này, tuy cao nhất từ trước đến nay, song nó sẽ giải quyết được 5 vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, mức tăng hơn 30% gần như sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm gánh nặng trợ giá và được phân bổ vào những việc cần thiết và có ích hơn, nhất là vấn đề an sinh xã hội.
Thứ hai, giá tăng theo sát giá thế giới sẽ theo quy luật kinh tế thị trường. Kết quả lớn nhất thu được là các hành vi kinh tế của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm và có cân nhắc để sử dụng hiệu quả hơn. Tính thị trường của việc này được thể hiện ở chỗ lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình giá xăng dầu thế giới. Thực tế cho thấy, thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao gần như không làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ ở các nước đang có chính sách trợ giá xăng dầu.
Thứ ba
, thời gian qua mức chênh lệch giữa giá xăng dầu tại Việt Nam và thế giới đã cao rất đáng kể, gây áp lực thị trường khá lớn. Lượng tiêu thụ tại Việt Nam theo thống kê đã tăng hơn so với năm trước, mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại cho thấy việc sử dụng xăng dầu chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều lãng phí. Việc điều chỉnh nhằm cơ cấu lại hành vi sử dụng xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình khó khăn chung của thế giới.
Thứ tư, về mặt tiêu dùng, khi trợ cấp xăng dầu, người hưởng lợi chủ yếu là những người có thu nhập cao vì nhóm người này sử dụng nhiều ô tô và những phương tiện tiêu tốn năng lượng hơn so với những người nghèo.
Thứ năm, sẽ loại bỏ được việc xuất lậu xăng qua các nước sát biên giới (Campuchia, Lào) khi mức giá ở mức cân bằng và không tạo chênh lệch đáng kể.

            Những phản ứng tiêu cực của người dân

            Việc tăng giá bán lẻ xăng dầu kỷ lục lần này, nó không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt lý luận như các nhà kinh tế đã nhận xét ở trên, mà chất chứa đằng sau nó là bao lo âu của các tầng nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương, lao động nghèo. Bởi theo họ, chắc chắn ngày mai sẽ phải đối mặt với “cơn bão giá” từ các mặt hàng thiết yếu kia mang lại. Vậy, dự đoán đó của người dân có trở thành hiện thực? Để có được cái nhìn khách quan nhất, chúng tôi đã đi thực tế để đưa ra câu trả lời cho độc giả.

            Anh Bùi Xuân Cước, quê Giao Thuỷ, Nam Định, làm nghề chở xe ôm tại bến xe phía Nam đã được 10 năm cho biết: “Qua báo đài, tôi được biết từ đầu năm 2008 đến nay, giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao, có thời điểm tới 147 đô la Mỹ/thùng, chính vì vậy anh em trong đội xe ôm chúng tôi có thể dự đoán là trong thời gian không xa, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, việc tăng một lúc 4.500 đồng/lít vào sáng ngày 21/7/2008, thật sự đã khiến chúng tôi “choáng ngợp”. Bởi vào thời điểm giá xăng ở mức 14.500 đồng/lít, chúng tôi lấy của khách là 4.000 đồng/1 km, họ đã không muốn đi và với mức giá xăng cao như hiện này, thì chúng tôi phải tăng giá lên 6.000 đồng/km mới có lãi, tuy nhiên từ sáng đến giờ các anh biết đó, có khách đến rồi lại đi, vì họ cho rằng, giá cao quá, đi xe buýt rẻ hơn nhiều”, anh Cước chia sẻ.

            Nếu như người người dân lao động lo lắng trước thông tin xăng dầu tăng giá, thì anh Phạm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty địa ốc ACB lại đón nhận thông tin trên một cách bình thản và hời hợt: “Theo tôi hiện nay, giá xăng dầu trên thế đang ở ngưỡng 140 đô la Mỹ/thùng và từ nay đến cuối năm sẽ còn có những diễn biết rất phức tạp, vì vậy Nhà nước quyết định cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng giá bán lẻ lên trên 30% mức giá cũ là chuyện hết sức bình thường, tất yếu phải xảy ra. Vì thế, mặc dù hàng ngày đi làm bằng ô tô có mức tiêu thụ nhiên liệu gấp nhiều lần xe máy, song điều đó cũng không tác động gì đáng kể đối với gia đình tôi”.

            Trên đây là những ý kiến khác nhau về những tác động của giá xăng dầu đối với kinh tế vi mô, cũng như là vĩ mô. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, khách quan nhất thì việc cho phép các doanh nghiệp tăng giá xăng dầu lần này, của liên Bộ Công Thương và Tài chình là phù hợp với tình hình chủ quan và khách quan hiện nay. Bởi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới được 2 năm và trong lộ trình hội nhập với thế giới thì đồng nghĩa với việc người dân nước ta cũng phải quen dần với những tác động đột biến của nguồn năng lượng của thế giới. Hơn nữa, tới đây khi Chính phủ Việt Nam sẽ thả nổi giá xăng dầu cho các doanh nghiệp tự hạch toán thu chi để giá xăng dầu của Việt Nam dần tiệm cận với giá của các nước trong khu vực và thế giới.