Cụ thể, chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán cũng có thể đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 30 - 40%, giúp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Ước tính của EU-MUTRAP cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 75% vào năm 2020, cho dù Việt Nam và EU có ký FTA hay không.
Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, mức độ mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam sẽ quyết định mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không.
Theo GS. Claudio Dordi - Federico Lupo Pasin, chuyên gia Dự án EU - MUTRAP, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu lớn vào EU của Việt Nam, chiếm 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành dệt may sẽ hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Việc ký kết FTA với EU sẽ giúp giảm mức thuế hiện tại mà EU đang áp dụng đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam từ 12% xuống 0%. Đồng thời, việc EU giảm thuế đối với hàng may mặc của Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, với mức trung bình trên 20%.
“EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn WTO, theo đó những lĩnh vực Việt Nam đã cam kết trong WTO sẽ có mức cam kết sâu rộng hơn. Ngoài mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa ở mức cao nhất về thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, chính sách mua sắm và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ), chuyên gia chính Dự án EU-MUTRAP, đánh giá.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Trưởng ban Kinh tế - Thương mại (Phái đoàn EU tại Việt Nam) nhấn mạnh, tự do hóa thương mại thông qua từng bước cắt giảm thuế quan, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của kinh tế Việt Nam - EU. Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU không cạnh tranh, mà mang tính tương hỗ và bổ sung cho nhau. FTA này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi xét từ góc độ nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa chiến lược của EU vào Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu được máy móc thiết bị hiện đại với chi phí thấp hơn nhiều hiện tại, nâng cao kỹ thuật của ngành công nghiệp, đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, với 28 quốc gia thành viên, dân số trên 500 triệu người, EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt 18.000 tỷ USD, chiếm 22% tổng GDP toàn cầu.
Tổng kim ngạch thương mại của EU xấp xỉ 4.000 tỷ USD, xuất khẩu dịch vụ của EU đứng đầu thế giới và đầu tư ra nước ngoài bằng gần 40% FDI toàn cầu… cho thấy, cơ hội gia tăng xuất khẩu, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút đầu tư từ chính các doanh nghiệp EU của Việt Nam lớn cỡ nào.
Từ năm 1995 đến 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 20 lần.
Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi.