Giải pháp nào để khoảng cách giàu nghèo ngày một thu hẹp?

Thực tế cho thấy, một quốc gia được xem là phát triển bền vững, không chỉ dựa vào mức tăng trưởng GDP hàng năm của nền kinh tế, mà còn dựa vào chỉ số khoảng cách giàu- nghèo giữa các tầng lớp dân cư t

Từ  hiệu quả đầu tư thấp….

“Việt Nam  đang tự khác đi với những quá khứ mới đây của mình trong nỗ lực xoá đói, giảm  nghèo”. Đây là một trong những nhận xét của một giáo sư danh tiếng đại học Harvard- Mỹ, tại cuộc Hội thảo về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo của Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia tổ chức, với sự có mặt của nhiều giáo sư nổi tiếng của đại Học Harvard và Việt Nam cũng như các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…

Số liệu mà TTKHXH &NVQG đưa ra cho thấy, trong vòng 5 năm (1993- 1998) tỷ lệ người nghèo của Việt Nam giảm từ 58% xuống còn 37% (theo chuẩn quốc tế), như vậy là đã giảm được 21%, một con số khá thuyết phục đối với một nước vốn đang phát triển như nước ta. Thành công là vậy, song đáng buồn thay, cũng từng ấy năm, kể từ năm 1998 trở lại đây, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam lại chỉ giảm được 5%. Bên cạnh đó, Việt Nam lại là một nước có thu nhập thấp, GDP đầu người theo sức mua, tương đương (PPP) chỉ đạt 2.070 USD, bằng 1/12 mức trung bình của thế giới, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (gần 6.500 USD) và nước láng giềng Trung Quốc (trên 4.000 USD).

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Theo phân tích của các chuyên gia thuộc WB, IFM… thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên chính là việc chi tiêu công không hiệu quả, khiến nỗ lực xoá đói- giảm nghèo của Việt Nam bị chững lại.

 Riêng trên bình diện việc làm (tạo ra chỗ làm mới cho người lao động), một lĩnh vực góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói - giảm nghèo... các chuyên gia WB đưa ra dẫn chứng: Trong giai đoạn 2000- 2002, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (kinh tế dân doanh) đã tạo ra trên 1,7 triệu việc làm mới cho người lao động, với tổng số vốn đầu tư là 4,7 tỷ USD, khoảng 2.700 USD cho một việc làm; thì cũng trong giai đoạn đó, đầu tư của các DNNN từ nguồn vốn của chính họ là 4 tỷ USD (thấp hơn 700 triệu USD so với khu vực tư nhân), nhưng số việc làm mà khối DNNN tạo ra nhìn chung là không thay đổi; đấy là chưa kể đến khoảng 4 tỷ USD tín dụng do nhà nước điều tiết, nằm ngoài hệ thống ngân hàng mà phần lớn được đổ vào các DNNN. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng chính chỉ là những nhận định mang tính chủ quan của nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực tài chính quốc tế (xét dưới góc độ việc làm); chứ chưa hẳn là quan điểm “đúng” về chiến lược phát triển kinh tế quốc gia xét dưới góc độ tổng thể.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi một quốc gia đưa phần lớn vốn đầu tư, nhưng lại không hề đưa được lực lượng lao động vào một khu vực kinh tế ( mà khu vực đó lại được coi là xương sống cuả nền kinh tế- DNNN), và khu vực đó lại không duy trì được tỷ trọng đóng góp của mình vào sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế dù đã được nhà nước bảo hộ…thì đó không phải là một biểu hiện của quản lý kinh tế tốt. Các chuyên gia kinh tê lý giải, ngay cả đến những nhà máy có vốn đầu tư lớn và thường được bảo hộ như xi măng, thép, hoá chất… trong thời gian qua vẫn kêu là bị lỗ và không tạo ra được nhiều việc làm.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn dự án khi quyết định đầu tư không thật tốt, cộng với sự thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản (được Bộ Tài chính dự đoán ở mức khoảng 30%) đã khiến đầu tư công không mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Vì vậy, đã đến lúc cần phải chú trọng đến yếu tố hiệu quả kinh tế hơn là chạy theo chỉ tiêu, mà hai nước láng giềng Thái lan và Philippin là những ví dụ điển hình. Các chuyên gia IMF đưa ra dẫn chứng, cách đây gần 2 thập kỷ, vào thời điểm mà hai nước này còn nghèo như Việt Nam bây giờ, họ đầu tư khoảng 30- 40% tổng thu nhập của toàn nền kinh tế, nhưng tăng trưởng đạt tới mức 12%, còn Việt Nam, theo báo cáo là đầu tư đến 60% tổng thu nhập, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6-7%/năm. Và như vậy, để có được 1 USD tăng trưởng, Việt Nam đang phải mất đi khoảng 5 USD trong đầu tư thay vì 3 USD như sự tính toán của các cơ quan hoạch định chính sách.

Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đối với những địa phương, cần phải có sự sáng tạo hơn nữa; bởi vì thực tế ở Việt Nam hiện nay đang có hiện tượng tỉnh này thường sao chép nguyên văn lại những gì mà tỉnh kia làm mà chẳng cần biết đầu tư đó có thích hợp và mang lại hiệu quả hay không? Vì vậy, nếu đầu tư một cách có hiệu quả, thì không những mức độ tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới có thể vượt qua con số 8%, mà tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam cũng được đẩy lùi!

Vậy làm thế nào để giảm chênh lệch giàu- nghèo?

Đánh giá về chỉ số Gini, phản ánh sự chênh lệch giàu- nghèo của UNDP đối với Việt Nam hiện nay là 36,2, cao hơn rất nhiều so với những nước phát triển trên thế giới và chỉ thấp hơn Trung Quốc (40,3) và Nga (45,6) là những quốc gia cũng có nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Và nếu cứ đã diễn tiến như trên, theo TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, thì khi Việt Nam  có mức thu nhập bằng những nước có nền kinh tế đang chuyển đổi như Nga và Trung Quốc bây giờ, không biết mức độ chênh lệch giàu- nghèo sẽ còn lên cao đến đâu. Tính toán của UNDP cho hay, trong khi toàn xã hội đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, thì người nghèo ở Việt Nam đang được hưởng lợi ít hơn, chỉ bằng 76,6% so với mức bình quân; trong khi người giàu được hưởng lợi hơn hẳn là 115%.

Do đó, để giải quyết được bài toán nan giải và đầy phức tạp này, theo các nhà kinh tế là cần phải đi tìm cốt lõi dẫn đến sự phân hoá trên. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: vai trò của đất đai đối với nông dân và nông thôn là vô cùng quan trọng; thế nhưng, trong suốt những năm qua, các hoạt động bị biến dạng của đất đai (ở nông thôn) và bất động sản (ở thành thị) như là những nhân tố tác động lên sự chênh lệch giàu- nghèo diễn ra ngày càng quá lớn. Tỷ lệ nông dân không có ruộng đất đang  gia tăng ở khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ và tình trạng thiếu đất canh tác cũng xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh thuộc ĐBSH. Không có đất, đồng nghĩa với việc người nông dân càng thiếu việc làm ngay ngắt. Trong khi việc đầu cơ đất đai tại các đô thị hay các khu vực ven đô đang trong quá trình đô thị hoá vẫn không được đẩy lùi (thu nhập từ đầu cơ đất đai, chuyển nhượng bất động sản phi chính thức chưa bị đánh thuế, dẫn đến một số người giàu lên quá nhanh) làm cho khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng ngày càng tăng lên… Và một điều cực kỳ vô lý, là những người phất lên nhanh nhờ đầu cơ đất đai lại không hề tạo ra được bất cứ chỗ làm nào cho xã hội, không góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở những địa phương.

Các chuyên gia thuộc TTKHXH & NVQG tính toán, trong giai đoạn từ 1995- 2002, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng khoảng 13%/ năm ; trong khi thu nhập ở thành thị lại tăng từ 50- 60%/ năm… Vì vậy, để giải quyết bài toán chênh lệch giàu- nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong cộng đồng nói chung và giữa cư dân thành thị và nông thôn nói riêng đang diễn ra ngày một cao như hiện nay… các chuyên gia kinh tế của WB, IMF, Đại học Harvard, cũng như các nhà kinh tế trong nước đều thống nhất quan điềm: Không còn con đường nào khác, ngoài các biện pháp về đẩy mạnh chống tham  nhũng, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, chống đầu cơ… thì cần phải:

Thứ nhất, cần phải tăng thêm nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, nhằm tạo ra nhiều chỗ làm mới phi nông nghiệp trong bối cảnh mà nguồn đất canh tác đang bị ngày một thu hẹp như hiện nay (khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 1/4 tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 24,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Lao động nông nghiệp giảm và diện tích cho canh tác được rộng hơn sẽ có điều kiện để áp dụng cơ giới hoá một cách tốt hơn, và thu nhập của người nông dân vì thế cũng được tăng lên.

Thứ hai, phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế (tái cơ cấu hình thức đầu tư) theo hướng sao cho khối doanh nghiệp dân doanh được tiếp cận với những nguồn vốn chính thống của Nhà nước.

Riêng đối với ngành công nghiệp, mà đặc biệt là ở lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt- may, da- giầy… nhận thức được tầm  quan trọng của việc góp phần giải quyết bài toán việc làm  ở nông thôn hiện nay, nên nhiều năm  qua ngành dệt may đã đầu tư nhiều nhà máy mới ở các địa phương… Tuy nhiên, so với cầu của thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được nhiều. Vì vậy trong những năm tới ngành dệt may nói riêng cần phải đẩy mạnh đầu tư thêm nhiều nhà máy may mới ở các địa phương hơn nữa, còn đối với ngành công nghiệp nói chung, phải đưa “công nghiệp chế biến nông sản” vào chương trình trọng tâm trong chiến lựơc phát triển của ngành… có như thế mới thực sự góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và giải quyết bài toán chênh lệch giàu- nghèo như hiện nay.
  • Tags: