Làng "Di động" trên sông

Đã mấy chục năm nay, trên dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa, tồn tại một “làng thuyền” khá đặc biệt. Hằng ngày, họ âm thầm lặng lẽ lấy hàng từ làng Bát Tràng (Gia Lâm- Hà Nội) rồi đem đi khắp nơi rao bán.

Sự tích một làng thuyền
Ở bãi sông Hồng, địa phận Bát Tràng, làng thuyền có từ khoảng năm 1974, đến nay không rõ ai là người khởi nghiệp. Trong số hơn 500 thuyền thường xuyên neo đậu lấy hàng, hầu như đều là dân xóm Khoái (xã Đức Bác-huyện Lập Thạch-Vĩnh Phúc). Xa xưa, ông cha họ từng đi buôn đồ gốm bằng thuyền nan tre có trọng tải nhỏ và chèo bằng tay. Lúc ấy, Bát Tràng cũng chỉ có xóm Cổ ven sông làm nghề thủ công gốm sứ. Sản phẩm chủ yếu là chén, đĩa bát, âu và lọ hoa. Lấy đủ hàng, thợ thuyền lại bơi đi khắp vùng châu thổ sông Hồng rao bán. Cứ xong một chuyến đi  là họ lại về quê nghỉ dăm ngày rồi mới đi tiếp. Năm 1991, dân xóm Khoái mới lắp động cơ, dùng thuyền có trọng tải lớn nhằm mở rộng quy mô làm ăn. Bây giờ kinh tế xã hội ở Đức Bác nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Mỗi khẩu chưa được 7 thước đất nông nghiệp, lại thêm sức ép về dân số đã làm cho Đức Bác rơi vào cảnh nghèo đói. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6, nước ngập trắng đồng, không làm gì được. Cái nghèo quanh quẩn bám riết lấy người dân Đức Bác.
Đói thì đầu gối phải bò. Thanh niên, đặc biệt là thanh niên xóm Khoái toả đi thuyền buôn bán đồ gốm sứ Bát Tràng ngày một đông. “Buôn bán có vẻ lớn như vậy, nhưng nửa hạt gạo cũng chỉ cõng được nửa hạt ngô, nhiều gia đình ở quê vẫn phải ăn cơm độn. Một năm, dân xã Đức Bác phải ăn đong tới 7 tháng. Về xóm Khoái bây giờ chỉ toàn thấy cụ già và em nhỏ. 70% học hết THCS, các em phải bỏ học đi kiếm sống. Tỷ lệ học hết THPT, vào đại học rất ít”. Anh Lê Duẩn – người thợ thuyền 41 tuổi trầm ngâm nói với chúng tôi.  
Lênh đênh nẻo đường kiếm sống
Làng thuyền này thường xuyên có hàng trăm thuyền neo đậu với khoảng trên dưới 1.200 nhân công. Lộ trình của họ dừng ở bãi này khoảng 7-10 ngày để lấy hàng. Khi đủ hàng, từng con thuyền lại nổ máy xuôi về Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, nhiều khi vượt biển vào Thanh Hoá để bán hàng. Rồi có những chuyến ngược sông Hồng lên mạn Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái cung cấp đồ gốm cho người dân vùng cao. Riêng ở Hà Nội, tại bãi An Dương, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng có khoảng 200 thuyền thay phiên nhau đem gốm bán trong nội thành. Cứ đi hết bến nọ đến bãi kia, trong vòng một tháng thì bán hết hàng. Xong, thuyền lại tụ về bến Bát Tràng chuẩn bị cho một chuyến đi mới.
Hành trình buôn bán của làng thuyền nghe đơn giản mà thật gian nan. Thậm chí, luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập từ các dòng sông sâu. Đồng tiền kiếm được phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Nhiều người coi nghề buôn bán đồ gốm đường sông nước như đi câu. May ăn, rủi chịu. Song, nghề gì cũng có cái được, cái mất. Vào thời điểm này, người thợ thuyền có mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/chuyến. Tuy nhiên, mức thu nhập cao hay thấp còn phụ thuộc giá mua hàng và giá bán trên thị trường.
Để đảm bảo an toàn từng chuyến hàng buôn, người làng thuyền luôn quan tâm tới thông tin dự báo thời tiết. Thuyền nào cũng có một chiếc Radio chạy pin để cập nhật thông tin. Mỗi khi có bão, nước to chảy xiết thì dù có chậm theo đơn đặt hàng, nhất thiết họ phải bảo nhau tìm nơi ẩn. Do yêu cầu của nghề nghiệp nên thanh niên nào cũng phải biết lái thuyền. Và điều đặc biệt là, dù không được học, nhưng họ thuộc và nói luật giao thông đường thuỷ vanh vách. Chúng tôi có cảm giác, tất thảy dân làng thuyền đều có chung ý chí làm ăn để xoá đói giảm nghèo vùng quê sau lưng họ. Vì vậy, trên những chặng đường buôn biết bao thứ cám dỗ, tệ nạn ma tuý, mãi dâm... đều không làm họ ngã gục.
Văn hoá làng thuyền   
Khi đến làng thuyền, chúng tôi rất ấn tượng về cách giao tiếp, cư xử của người dân nơi đây. Những người đàn ông phóng khoáng, thân thiện và hiếu khách. Còn các cô gái đang độ tuổi xuân, cô nào cũng tươi tắn và chịu khó. Sinh hoạt văn hoá của họ khá phong phú, như một ngôi làng trên cạn thực sự. Vì xa quê, nên tinh thần đoàn kết của họ rất cao. Ngay cả chuyện tế nhị sinh hoạt trên thuyền cũng có qui ước riêng, bởi không gian chật hẹp. Ví như khi trời chập choạng tối, tất cả thanh niên làng thuyền tuyệt đối tự giác xuống thuyền nhường cho con gái quây cót tắm trên nóc thuyền (nếu không chấp hành sẽ bị cả làng trách phạt). Còn những sinh hoạt hàng ngày thì tuỳ cơ ứng biến, cơ động từng nơi.
Đầu tiên phải kể đến nét sinh hoạt ăn uống. Nước, từ ăn uống đến sinh hoạt đều lấy trực tiếp từ sông. Có thuyền dùng phèn chua lọc nước, thuyền cẩn thận hơn thì lọc bằng cát. Dưới con mắt y học có thể coi là chưa hợp vệ sinh, nhưng người dân ở đây ai cũng có thân hình săn chắc, sức khoẻ dẻo dai. Người làng thuyền rất ít thời gian để đi chơi. Chỉ tranh thủ lúc đậu ở Bát Tràng, ai nhớ nhà thì đi ô tô, xe ôm về quê vài ngày rồi lại xuống cho kịp chuyến thuyền. Cô gái tên Sen có khuôn mặt bầu bĩnh, vừa chuyển xong mấy chục chậu sành xuống thuyền, mồ hôi lấm tấm còn chưa ráo đã bắt tay ngay vào việc sửa soạn nấu bữa cơm trưa, nhỏ nhẹ nói: ở đây chúng em không có điện, nghe đài, xem ti vi đen trắng bằng bình ắc quy, nhưng chỉ xem ít thôi để mai còn đi làm.
Còn chuyện yêu đương, xây dựng gia đình thì thanh niên làng thuyền tự do tìm hiểu nhau, thấy ưng thì đợi đến cuối năm về quê nghỉ Tết trong tháng giêng sẽ tổ chức đám cưới. Đã mười năm rồi, làng thuyền (Đức Bác) chỉ tổ chức cưới cho các đôi uyên ương vào tháng giêng. Như đoán được ý chúng tôi, Sen không giấu nổi niềm vui nói: “ Vui lắm chị ạ! Những ngày trong tháng đó luôn tấp nập việc chuẩn bị đón khách, mua sắm đồ cưới nhau ấy chứ”. Cưới xong, vợ chồng lại đem nhau xuống thuyền, có khi tách ra một gia đình mới.
Đến ngày tết tục, tất cả người dân đều tổ chức cúng bái ngay trên thuyền. Họ cúng cả thần linh thổ địa lẫn cúng thần sông, thần nước phù hộ độ trì cho họ làm ăn thuận buồm xuôi gió. Tuy sống trên thuyền có nhiều khó khăn, nhưng làng thuyền vẫn không quên tổ chức những buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 8, tất cả họ lại tụ tập quây quần ở bãi nổi trên sông hoặc trên đê để tổ chức giải bóng đá, ca hát, mua đồ ăn thức uống, cả làng cùng liên hoan….
Quê hương là chùm khế ngọt
Cuộc sống thôn quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, buộc người dân xóm Khoái nói riêng và người dân Đức Bác nói chung phải dứt áo, rời quê ra đi tìm sự sống. Hàng bao đời nay, việc chăm sóc bố mẹ già và con cái của người làng thuyền đều dựa trên quan hệ xóm giềng, họ hàng, người đi thuyền thì gửi người ở nhà. Còn việc dạy dỗ con cái học hành đều trông cậy nhờ cô giáo và Nhà trường. Dường như thấu hiểu được nỗi lòng của bố mẹ, những đứa trẻ (Đức Bác) cùng chung một ý chí quyết tâm học giỏi, chăm ngoan. Được biết, năm học 2002-2003, cả xã có 26 em thi vào các trường chuyên nghiệp thì 20 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Với giọng phấn chấn, anh Lê Duẩn nói: “Xóm Khoái giờ là nơi có nhiều nhà mái bằng, tỷ lệ cao nhất xã Đức Bác”. Mặc dù, 11 tháng lênh đênh trên sông nước, nhưng họ luôn nhớ về quê hương mình trong những chuyến buôn, dù thành công hay thất bại. Có lẽ vì thế mà nhiều người dân làng thuyền cần mẫn chăm chỉ làm ăn. Người trụ cột gia đình thì lo kiến thiết nhà cửa quê hương. Còn đám thanh niên chỉ mong dành tiền để đợi tháng giêng khi xuân về, hoa đào nở được về chính quê mình xây dựng tổ ấm. Những ngày như thế trên sông Lô (đoạn xóm Khoái) nhộn nhịp thuyền bè qua lại. Cảnh đón những đứa con trở về làng, nét mặt ai cũng thật rạng rỡ. Bao nỗi mệt nhọc của cả năm như vơi đi rất nhiều. Niềm vui tụ hội dân làng vào tháng Tết như một bản nhạc vui nhộn, ngân nga mãi cho đến tận tháng giêng năm sau.

  • Tags: