Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - CHLB Đức

CHLB Đức là quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn trên thế giới, có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và thương mại ở châu Âu và quốc tế, có nền kinh tế công, nông nghiệp hiện đại với côn

Việt Nam và CHLB Đức đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23/9/1975. Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, đặc biệt sau khi nước Đức thống nhất, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới.
Về quan hệ chính trị: Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cán bộ cấp cao đến thăm và làm việc, cùng nhau trao đổi, phối hợp giải quyết các vấn đề trong các diễn đàn đa phương. Trong các năm 1993 đến 2001: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức CHLB Đức; Trong các năm 1995, 2001 và 2003: Thủ tướng H.Côn, Chủ tịch Quốc hội V.Ti-et-xơ, Thủ tướng G. Sruê-đơ đã thăm chính thức Việt Nam. Tại các buổi hội đàm, hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, KHKT như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác văn hóa, các hiệp định hàng hải, hàng không.
Về hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại: CHLB Đức là đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Trao đổi buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng hàng năm. Năm 2003, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng so với năm 2002 (1,3 tỷ USD), trong đó, VN xuất khẩu sang Đức đạt trị giá 815,4 triệu USD và nhập khẩu từ Đức trị giá 584,3 triệu USD. Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Đức gồm hàng may mặc, giầy dép, sành sứ và các hàng nông-lâm-hải sản... Đồng thời, nhập khẩu từ Đức các mặt hàng máy móc thiết bị, các sản phẩm điện tử, sắt, thép, hóa chất, dược phẩm, thiết bị văn phòng…
Là nước đứng thứ 3 về viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, Đức đã cam kết dành ODA cho Việt Nam mỗi năm đạt trên 400 triệu Euro, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hỗ trợ cải cách kinh tế, hợp tác tài chính, kỹ thuật… Nhiều dự án viện trợ của Đức trong các lĩnh vực này đã được thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc phát triển của Việt Nam. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ được tổ chức vào cuối năm 2003 tại Hà Nội, Đức đã cam kết tài trợ cho Việt Nam năm 2004 với mức cao hơn các năm trước (khoảng 51 triệu Euro).
Trong những năm qua, các doanh nghiệp Đức đã thực hiện nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, phần lớn tập trung ở các thành phố và các tỉnh trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương. Tính đến năm 2003, Đức có khoảng 43 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 375 triệu USD, trong đó, ngành Công nghiệp thu hút 21 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 184 triệu USD, dịch vụ có 12 dự án với 155,5 triệu USD và nông nghiệp có 1 dự án với 12,5 triệu USD.  Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, có nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp của Đức như dự án liên doanh sản xuất ô tô, máy móc, thiết bị, năng lượng, chế biến thực phẩm...Nhiều sản phẩm của dự  án đầu tư của Đức đã có uy tín trên thị trường Việt Nam, tiêu biểu như ô tô Mercedes, BMW, Nestle, thiết bị viễn thông Siemens, thức ăn chăn nuôi Agritech v.v…Nhiều mặt hàng công nghiệp của Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường quan trọng ở Đức và châu Âu như hàng may mặc, giầy dép, nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ…Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có nhu cầu về các sản phẩm thép cán tấm, tấm lợp amiăng từ bột tre, nứa phế thải và bã mía tại Việt Nam… Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu về nhập các thiết bị xây dựng, phần mềm của máy tính để phục vụ công tác nghiên cứu giải pháp thiết kế công nghệ…Trong thời gian tới, các doanh nghiệp của hai nước sẽ xúc tiến đầu tư, liên doanh sản xuất các sản phẩm này. Ngoài ra, hai bên sẽ xúc tiến đầu tư về lĩnh vực chế tạo ô tô, năng lượng, hóa chất, sản xuất xi măng, giao thông vận tải…
Mặc dù đầu tư của Đức vào Việt Nam trong những năm qua tương đối có hiệu quả, tuy nhiên, xét về quy mô và khối lượng vốn, thì đầu tư của Đức còn quá khiêm tốn so với tiềm năng kinh tế của nước này. Trong thời gian tới, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập mạnh vào thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam nên phát triển những thị trường hàng hóa mới tại Đức, Việt Nam có thể sản xuất và xuất sang Đức các mặt hàng như đồ làm bếp, các vật dụng gia đình, quà tặng, đồ trang trí nội thất, rau quả tươi hoặc được bảo quản. Tuy nhiên, khi sản xuất các sản phẩm này, Việt Nam cần lưu ý đến những đặc trưng của địa phương, các mẫu mã thiết kế cùng với giá cả và chất lượng. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh quyết liệt với hàng Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Đức. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ cho các nhà máy sản xuất và tìm hiểu thêm về thị hiếu, sở thích cũng như những quy định về luật pháp, môi trường của thị trường Đức; Việt Nam cũng cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại ở nước ngoài; Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ các thông tin kinh tế liên quan đến làm ăn ở Đức. Các thông tin này có thể khai thác qua địa chỉ trang Web của Bộ Công nghệ và Kinh tế Đức hoặc trang Web của Hiệp hội Công thương Đức hoặc có thể tìm thông tin của một ngân hàng dữ liệu đã được in ra trên đĩa CD-Rom, tất cả sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cần thiết về thị trường Đức.
Đặc biệt, từ ngày 1-5/3/2004 vừa qua, chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến CHLB Đức sẽ là xung lực quan trọng, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Đức tăng cường đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tại các buổi hội đàm, hai bên đều đạt được thống nhất trên nhiều vấn đề quan trọng như: Việt Nam ủng hộ Đức trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ khi mở rộng, Đức ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ứng cử vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Đồng thời, hai bên nhất trí tích cực hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- EU cũng như Đức-ASEAN, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội. Nhân dịp này, hai bên đã ký thỏa thuận chuyển đổi nợ trị giá 4 triệu Euro, theo đó, Đức sẽ giúp Việt Nam trong việc xây dựng cảnh quan Sân vận động Mỹ Đình và Tòa nhà Quốc hội. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, tại thủ đô Berlin đã khai mạc Diễn đàn đối thoại Đức-Việt lần thứ 5, với mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và đặc biệt là các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam v.v…

  • Tags: