Trong khi nhu cầu cao su tăng mạnh, thì nguồn cung cao su lại giảm xuống từ nhiều nước xuất khẩu chính. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết bất thường, làm năng suất và sản lượng cao su giảm mạnh tại một số nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới như Thái Lan, Inđônêxia...
Giá cao su RSS3 của Thái Lan đã tăng lên mức cao kỷ lục là 130-131 US Cent/kg trong quý IV/2003. Giá đấu thầu cao su loại này của Thái Lan đứng ở mức cao kỷ lục là 47,37 Baht/kg kể từ khi thị trường đấu thầu mở cửa năm 1991. Dự báo, giá cao su trên các thị trường châu á vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việt Nam xuất khẩu khoảng 450.000 tấn trong năm 2003 với giá trị 310 triệu USD. Nhu cầu của các nước đối với cao su Việt Nam vẫn tăng vì chất lượng tốt và nhiều nước chuyển từ mua cao su Thái Lan sang mua cao su của Việt Nam. Việt Nam hiện đang đàm phán với các công ty cao su từ Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Xingapo về việc lập tập đoàn cao su của 5 nước, chiếm 90% sản lượng cao su thế giới.
* Thị trường bông:
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng bông thế giới niên vụ 2003/04 dự báo đạt 92.141 ngàn bao (1 bao=480 lb), tăng 4,7% so với 87.989 ngàn bao của niên vụ 2002/03. Trung Quốc vẫn là nước sản xuất bông lớn nhất thế giới, tuy sản lượng trong niên vụ 2003/04 dự báo chỉ đạt 22.000 ngàn bao, giảm 2,7% so với niên vụ 2002/03 do mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi đó, sản lượng của Mỹ, nước sản xuất bông thứ hai thế giới, dự báo đạt 18.215 ngàn bao, tăng 5,8% so với niên vụ 2002/03. Sản lượng bông của ấn Độ dự báo sẽ tăng tới 17,9%, lên tới 12.500 ngàn bao. Sản lượng bông của Braxin dự báo cũng tăng lên 28,5%, lên 5000 ngàn bao. Bên cạnh Braxin, sản lượng bông của các nước Nam Mỹ khác như Paragoay và áchentina dự báo cũng tăng lên trong niên vụ tới do nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới tăng lên, đã khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng bông. Trong khi đó, sản lượng của các nước sản xuất bông lớn khác như Pakixtan và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tăng chút ít do sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng bông của Uzbekixtan dự báo sẽ giảm đi tới 8,7%, xuống còn 4.200 ngàn bao do thời tiết không thuận lợi.
Xuất khẩu bông toàn cầu trong niên vụ 2003/04 dự báo cũng tăng 5,4% so với niên vụ 2002/03, đạt 32.260 ngàn bao. Trong đó, xuất khẩu bông của Mỹ, nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới tăng 10,9%, lên tới 13.200 ngàn bao do nhu cầu nhập khẩu tăng đã nâng đỡ giá bông xuất khẩu trên thị trường thế giới. Xuất khẩu bông của Braxin cũng tăng tới 237,4%, lên 1.650 ngàn bao, nhưng xuất khẩu bông của nhiều nước khác như Ôtxtrâylia, Uzbeckixtan có xu hướng giảm đi trong niên vụ 2003/04.
Sản xuất bông nội địa giảm tại nhiều nước, tiêu thụ bông tăng đã làm nhu cầu nhập khẩu bông tăng mạnh, đặc biệt là Trung Quốc. Dự báo, trong niên vụ 2003/04, Trung Quốc sẽ nhập khẩu bông tới 7.000 ngàn bao, tăng 123,9% so với niên vụ 2002/03. Nhập khẩu bông của Bănglađét dự báo cũng sẽ tăng 6,9%, lên 1.550 ngàn bao. Tuy nhiên, giá bông tăng cao cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu của nhiều nước tiêu thụ, làm lượng nhập khẩu bông của Thái Lan, Inđônêxia, Nga và Hàn Quốc giảm nhẹ so với niên vụ 2002/03 và làm nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ giảm tới 18,3%, xuống còn 1.850 ngàn bao.
Nhu cầu tiêu thụ bông toàn cầu niên vụ 2003/04 dự báo sẽ giảm 0,5% so với niên vụ 2002/03, đạt khoảng 97.692 ngàn bao nhưng vẫn cao hơn 5.551 ngàn bao so với tổng sản lượng bông toàn cầu. Vì vậy, dự trữ bông cuối niên vụ sẽ giảm mạnh so với niên vụ 2002/03. Đây là yếu tố thúc đẩy giá bông tăng lên trong niên vụ tới. Theo dự báo của Văn phòng Nông nghiệp và Kinh tế tài nguyên ôtxtrâylia (ABARE), chỉ số giá bông Cotton Index A sẽ đạt 61,0 USc/lb so với 54,5 USc/lb của niên vụ 2002/03 và 41,8 USSc/lb của niên vụ 2001/02.
II. Năng lượng:
* Thị trường than đá:
Theo dự báo của ABARE, giao dịch than đá toàn cầu trong năm 2004 sẽ đạt 685,4 triệu tấn, trong đó, lượng giao dịch than cho nhu cầu của ngành luyện kim là 200,6 triệu tấn, tăng 1,3% so với 198,1 triệu tấn của năm 2003 và cho nhu cầu chất đốt đạt 484,8 triệu tấn, tăng 2,0% so với 475, 1 triệu tấn của năm 2003. Giao dịch than thế giới vẫn chiếm khoảng 11-13% tổng nhu cầu than toàn cầu.
Nhu cầu than cao từ ngành luyện kim của Trung Quốc đã đẩy mức giá than đá xuất khẩu của ôtxtrâylia, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua trong quý IV/2003. Giá than đá của ôtxtrâylia bán cho các khách hàng Nhật Bản sẽ tăng thêm 11 USD/tấn, tức 24%, lên 57,35 USD/tấn kể từ đầu tài khoá mới của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 1/4/2004. Các khách hàng Trung Quốc thường mua theo giá đã thương lượng của Nhật Bản.
Trên 60% tổng tiêu thụ than của Trung Quốc được tiêu thụ trong các ngành công nghiệp ngoài điện năng như chất đốt, các ngành công nghiệp sản xuất hoá chất, xi măng, giấy và bột giấy cũng như sản xuất than cốc cho ngành luyện kim. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Trung Quốc và ấn Độ vẫn là những nước tiêu thụ than chủ yếu, chiếm tới 28% tổng tiêu thụ than toàn cầu. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, nhu cầu than của ấn Độ chủ yếu phục vụ cho ngành sản xuất điện năng. Nhìn chung, theo EIA, tỷ trọng của nhu cầu than cho sản xuất điện năng trong tổng nhu cầu tiêu thụ than thế giới đang có xu hướng giảm đi.
* Thị trường dầu mỏ:
Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thị trường dầu mỏ thế giới năm 2004 sẽ chịu nhiều sức ép giảm giá do nguồn cung dồi dào.
Trước khi xảy ra chiến tranh Irắc vào tháng 3 năm 2003, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, OPEC đã quyết định tăng sản lượng dầu mỏ để bình ổn thị trường. Nhưng 6 tháng sau đó, do thị trường không bị tác động nhiều, hơn nữa lo ngại Irắc và các nước ngoài OPEC tăng sản lượng, nên bắt đầu từ tháng 11/03, OPEC đã thông báo cắt giảm hạn ngạch sản xuất 900.000 thùng/ngày. OPEC sẽ theo dõi sát sao thị trường và hợp tác chặt chẽ với các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ngoài OPEC như Nga, Na Uy để kiểm soát và ổn định thị trường.
Theo số liệu của EIA, năm 2004, tổng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ vào khoảng 79,7 triệu thùng/ngày, tăng 1,4% so với 78,6 triệu thùng của năm 2003, trong đó, nhu cầu tiêu thụ của Mỹ là 20,6 triệu thùng, tăng 1,47%; nhu cầu tiêu thụ của các nước OECD khác khoảng 28,1 triệu thùng, tương đương với mức tiêu thụ của năm 2003 và nhu cầu của các nước ngoài OECD là 31,0 triệu thùng, tăng 2,6 % so với 30,2 triệu thùng của năm 2003.
Về phía cung, nguồn cung dầu mỏ từ OPEC sẽ vào khoảng 29,4 triệu thùng, giảm 2,3% so với lượng cung ứng của năm 2003, nếu như OPEC thực hiện được kế hoạch kiểm soát sản lượng của các nước thành viên. Nguồn cung dầu mỏ từ các nước thuộc Liên xô cũ dự báo sẽ đạt khoảng 11,0 triệu thùng, tăng 6,8% so với năm 2003; nguồn cung dầu mỏ từ Mỹ dự báo sẽ đạt khoảng 8,8 triệu thùng, tương đương với mức sản lượng của năm 2003 trong khi nguồn cung dầu lửa từ Biển Bắc dự báo sẽ đạt 6,1 triệu thùng, tăng nhẹ so với mức 6,0 triệu thùng của năm 2002.
Hiện giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 1/2004 đã xuống dưới 30 USD/thùng. Giá dầu giảm chủ yếu do nhu cầu thị trường thế giới cho tiêu thụ và dự trữ không có biến động lớn.
III. Thị trường kim loại:
* Sắt thép:
Theo dự báo của Viện nghiên cứu sắt thép quốc tế (IISI), nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2004 sẽ tăng 5,8% so với năm 2003, lên 936 triệu tấn, trong đó, nhu cầu thép của Trung Quốc vào khoảng 290 triệu tấn, tăng 12,8% so với năm 2003, nhưng vẫn thấp hơn mức tiêu thụ của năm 2002.
Trong năm 2004, sản lượng thép thô thế giới sẽ tăng 6% lên 1.017 triệu tấn, trong đó, Trung Quốc đạt sản lượng 252 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2003. Sản lượng thép của Mỹ ước tính đạt khoảng 90 triệu tấn, giảm so với sản lượng của năm 2002 nhưng vẫn ở mức sản lượng bình quân của những năm qua. Sản lượng của EU cũng ổn định ở mức 165 triệu tấn, trong khi sản lượng của Nhật Bản tăng lên tới 110 triệu tấn. Sản lượng thép của Nga và Ucraina cũng tăng lên và đạt tương ứng 52 và 38 triệu tấn.
Nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc là yếu tố chủ đạo chi phối thị trường kim loại thế giới. Để đáp ứng nhu cầu quặng sắt cho ngành sản xuất thép trong nước, trong năm 2003, ước tính Trung Quốc nhập khẩu 150 triệu tấn quặng sắt, tăng 31% so với năm 2002 và lượng nhập khẩu còn có xu hướng tăng lên.
Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt đang có xu hướng co hẹp. Mặc dù các công ty khai mỏ lớn như Vale do Rio Doce của Braxin, Rio Tinto và BHP Billiton của ôtxtrâylia đang đầu tư rất nhiều nhằm mở rộng các mỏ hiện có, sản lượng tăng dường như vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu thị trường trước cuối năm 2004.
* Kim loại màu:
- Đồng: Theo số liệu của Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG), thị trường đồng thế giới đã chuyển từ trạng thái dư thừa sang thiếu hụt từ nửa đầu năm 2003 do nhu cầu tăng lên 4,5% trong khi sản lượng lại giảm xuống 2%. Theo các nhà nghiên cứu, thị trường đồng sẽ tiếp tục ở trong tình trạng thiếu hụt trong năm 2004, chủ yếu là do nhu cầu tăng từ Trung Quốc, trong khi nhu cầu đồng của châu Âu và Bắc Mỹ vẫn ở thế yếu trong tất cả các ngành xây dựng, viễn thông và nhiều ngành khác.
Tại Sở giao dịch kim loại London (LME), giá đồng giao ngay đã tăng lên 9 -10% trong quý IV/2003. Theo Metal Bulletin, kinh tế Mỹ và nhiều nước châu á đang phục hồi nhanh hơn dự kiến đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ kim loại màu, trong đó có đồng, tăng cao nhất là tại Mỹ và Trung Quốc.
Theo ABARE, sản lượng đồng thế giới năm 2003 ước tính đạt 15,5 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2002 trong khi nhu cầu tiêu thụ đồng thế giới năm 2003 ước tính đạt 15,69 triệu tấn, tăng 3,4% so với năm 2002. Như vậy, thị trường đồng thế giới năm 2003 sẽ bị thiếu hụt 190.000 tấn so với dư thừa 20.000 tấn năm 2002.
Trong bối cảnh này, các quỹ đầu tư càng tăng cường mua đồng vào và làm giá đồng tăng nhanh hơn. Theo ABARE, tiêu thụ đồng trong năm 2004 sẽ lên tới 16,03 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2003, trong khi sản lượng chỉ đạt 16,025 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2003. Như vậy, năm 2004, thị trường đồng thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt 170.000 tấn. Đây sẽ là nhân tố tiếp tục nâng đỡ giá đồng tăng lên trong dài hạn. Dự báo, giá đồng có thể lên tới 1800 USD/ tấn trong năm 2004 so với mức giá bình quân 1695 USD/tấn của năm 2003
Nguồn cung của một số kim loại khác cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt trong năm 2003 do nguồn cung bị cắt giảm từ nhiều nhà cung cấp chính sau một thời gian dài giá thấp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất.
- Chì và kẽm: Theo Nhóm nghiên cứu chì và kẽm quốc tế (ILZSG), trong năm 2004, thị trường chì và kẽm sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt lần đầu tiên trong nhiều năm, kể từ năm 1996 tới nay.
Giá chì trên các thị trường giao dịch thế giới trong quý IV/2003 đã đạt tới 630 USD/ ounce, tăng 24,7% so với quý III/2003, mức cao nhất trong 6 năm qua.
Ngành công nghiệp xe ô tô tăng trưởng mạnh tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ đã đưa nhu cầu tiêu thụ chì cho sản xuất bình ắc quy tăng cao.
Theo Metal Bulletin, 9 tháng đầu năm 2003, sản lượng ô tô của Trung Quốc ước tính đạt 3,07 triệu chiếc, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2002. Tiêu thụ chì cho sản xuất bình ắc quy của Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2003 ước tính tăng 6-17% so với cùng kỳ năm 2002. Trong khi đó, sản lượng chì thế giới 9 tháng đầu năm 2003 ước tính giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm 2002, còn 3,795 triệu tấn. Đây cũng là nhân tố làm giá chì tăng cao.
Về tổng thể, theo ILZRG, nguồn cung chì thế giới năm 2003 sẽ bị thiếu hụt 200.000-220.000 tấn. Giá chì sẽ duy trì ở mức cao.
Giá kẽm trên thị trường thế giới trong quý IV/2003 cũng tăng lên tới 918-922 USD/tấn, tăng 12,4-12,6% so với quý III/2003, mức giá kẽm cao nhất kể từ tháng 6/2001 tới nay. Kinh tế thế giới phục hồi khả quan hơn, nhất là ở nhiều nước châu á, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ kẽm cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng. Nhu cầu kẽm từ phía các nhà sản xuất đồ hộp cũng tăng cao.
Thị trường kẽm thế giới năm 2003 sẽ bị thiếu cung 150.000 tấn so với dư thừa 39.700 tấn năm 2002. Đây là nhân tố sẽ tiếp tục nâng đỡ giá kẽm duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Theo dự báo của ABARE, nhu cầu tiêu thụ kẽm trong năm 2004 sẽ tăng 4,0%, lên 9850 ngàn tấn trong khi sản lượng chỉ tăng 1,9%, lên 9800 ngàn tấn. Vì vậy, dự trữ kẽm cuối vụ sẽ giảm 5,3%, chỉ còn 1.080 ngàn tấn vào cuối năm 2004 và giá kẽm có thể tiếp tục tăng lên 8 -9 % trong năm tới..
- Niken: Nguồn cung niken cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu đang có xu hướng gia tăng. So với cùng kỳ năm 2002, giá niken tại Mỹ và Luân Đôn hiện đã tăng 63 - 64%.
Nguồn cung niken hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ niken cho sản xuất thép không gỉ của nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Quốc tăng mạnh, là nguyên nhân làm giá cả tăng cao kỷ lục.
Theo China Business, 9 tháng đầu năm 2003, nhu cầu tiêu thụ niken của Trung Quốc đã tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, lên 86.910 tấn. Sản xuất niken của Trung Quốc thời gian này chỉ tăng 16%, lên 48.250 tấn. Nhập khẩu niken của Trung Quốc tăng lên 56.400 tấn. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu niken cũng tăng vững ở Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ. Trong bối cảnh này, các quĩ đầu tư và các nhà đầu cơ cũng tăng mua niken vào. Điều này càng thúc đẩy giá niken tăng nhanh hơn.
Theo dự báo của ABARE, sản lượng niken toàn cầu trong năm 2004 sẽ tăng khoảng 5,3% so với năm 2003, lên 1280 ngàn tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng tới 5,5%, lên 1315 ngàn tấn. Dự trữ niken sẽ giảm hơn 20%, xuống chỉ còn 76 ngàn tấn. Theo ABARE, giá niken năm 2004 có thể lên tới 11.000 USD/tấn so với mức giá bình quân 8.800 USD/tấn của năm 2003.
- Thiếc: Tại Sở giao dịch kim loại Luân Đôn (LME), giá thiếc giao ngay trong quý IV/2003 cũng đã tăng lên tới 5.475-5.485 USD/tấn, tăng 8,7-9% so với đầu tháng 10/2003, tăng 27-29% so với đầu năm 2003 và tăng 28-30% so với cùng kỳ năm 2002.
Theo Metal Bulletin, nhu cầu tiêu thụ thiếc tăng cao tại Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi nguồn cung hạn chế là nguyên nhân chủ yếu, nâng đỡ giá thiếc tăng.
Kinh tế phục hồi đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ kim loại màu của Mỹ, trong đó có thiếc tăng nhanh. Tiêu thụ thiếc của Mỹ trong quý IV/2003 ước tính đạt 2.410-2.420 tấn/tháng, tăng 8-8,5% so với cùng kỳ năm 2002, khuyến khích nhu cầu nhập khẩu thiếc của Mỹ tăng.
Trong khi đó tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thiếc cho ngành sản xuất đồ hộp, thiết bị, xây dựng nhà tăng đã làm nguồn cung thiếc cho xuất khẩu giảm. ¦ớc tính xuất khẩu thiếc của Trung Quốc chỉ đạt 2.580 tấn/tháng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2002. Đây cũng là nhân tố làm giá thiếc tăng cao.
- Nhôm: Theo Dow Jones, giá nhôm trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2003 đã tăng 12-13% so với đầu năm, lên tới 1.514 USD/tấn. Tồn kho nhôm giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ nhôm tăng vững tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc là nguyên nhân nâng đỡ giá cả.
Tại Trung Quốc, mặc dù sản lượng nhôm 10 tháng đầu năm 2003 của nước này đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2002, lên 5,05 triệu tấn, nhưng nhu cầu tiêu thụ nhôm của Trung Quốc tăng mạnh trong ngành xây dựng, sản xuất ôtô, đồ hộp. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu nhôm thiếu đã đưa nhu cầu nhập khẩu nhôm các loại của Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2003 đạt 6,58 triệu tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó, nhập khẩu nhôm sơ chế của Trung Quốc tăng 25,7%, lên 4,498 triệu tấn.
Tại Mỹ và Nhật Bản, sản xuất và xuất khẩu ô tô tăng vững đã làm nhu cầu tiêu thụ nhôm cho sản xuất ô tô tăng. Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Nhôm quốc tế (IAI), tồn kho nhôm các loại (trừ nhôm thành phẩm) của các nhà máy thuộc các nước phương Tây liên tục giảm xuống trong những tháng cuối năm 2003. Nhân tố này cũng làm giá nhôm tăng cao.
Về tổng thể, IAI dự đoán, thị trường nhôm thế giới năm 2003 bị thiếu hụt 140.000 tấn sau khi dư thừa tới 360.000 tấn trong năm 2002. Dự báo, nhu cầu nhôm tiếp tục tăng 5,4% trong năm 2004, lên 28,241 triệu tấn trong khi nguồn cung chỉ tăng 4,2%, lên 28,901 triệu tấn. Đây là nhân tố nâng giá nhôm vững trong dài hạn.
Thị trường hàng nguyên liệu thế giới 2003 và triển vọng 2004
TCCT
I. Nông sản nguyên liệu
* Thị trường cao su:
Theo Tập đoàn Nghiên cứu Cao su quốc tế, nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới năm 2003 đạt khoảng 19,06 triệu tấn, cao hơn so với mức 17,85 triệu tấn năm 2002.