Tỉnh Điện Biên được hình thành trên cơ sở chia tách tỉnh Lai Châu cũ từ 01/01/2004. Khi chia tách tỉnh, Điện Biên được thừa hưởng tỉnh lỵ cũ sẵn có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, hầu hết các cơ sở kinh tế nằm ở tỉnh Điện Biên, quy hoạch các đô thị và điểm dân cư nông thôn tương đối ổn định. Trong những năm gần đây, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nên các ngành kinh tế - xã hội của Tỉnh đã có bước phát triển khá tốt, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống dân sinh được nâng lên rõ rệt, hệ thống đô thị và nông thôn đổi thay căn bản, khang trang, đẹp đẽ hơn.

Là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản (XDCB), trong đó có chức năng, nhiệm vụ về quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng cơ sở hạ tầng ở địa phương, Sở Xây dựng Điện Biên đã phối hợp với các sở, ban ngành trong Tỉnh, UBND các huyện, thị và các vụ, viện chức năng xác lập, triển khai quy hoạch xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn của Tỉnh, đồng thời, quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội ở từng địa bàn trong Tỉnh. Với quan điểm: Quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước; Quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm ở từng địa bàn, vừa đảm bảo giữ gìn cảnh quan địa hình tự nhiên, vừa đảm bảo yêu cầu trước mắt nhưng đáp ứng được nhu cầu mở rộng phát triển lâu dài, bền vững..., ngành Xây dựng Điện Biên đã khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng tạo ra triển vọng to lớn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc toàn Tỉnh.

Trong những năm qua, với những nỗ lực vượt bậc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ của CBCNV, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng tỉnh Điện Biên đã được đầu tư đáng kể, làm thay đổi diện mạo của địa phương. Tất cả các trung tâm huyện lỵ, thị trấn và thị xã đều được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cơ bản đảm bảo theo quy hoạch được duyệt. Hầu hết các đô thị được quy hoạch sắp xếp chỉnh trang, hệ thống đường nội thị, đặc biệt là đường nội thị thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, cầu A1... được nâng cấp rải nhựa, rải bê tông, đường có hè phố, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước cây xanh, công viên… Các công sở nhà nước được thiết kế xây dựng khang trang, kết cấu vững chắc, kháng chấn chống động đất. Điển hình là Trung tâm Hội nghị văn hóa Tỉnh, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, các sở ban ngành và 5/8 huyện thị có trụ sở làm việc khang trang, đẹp đẽ. Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa, y học cổ truyền được đầu tư, nâng cấp cả về quy mô và trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, hầu hết các xã, phường đều có trạm xá xã, trạm sinh đẻ có kế hoạch. Các trường THPT thành phố và các huyện, thị, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề, trường y tế, cao đẳng sư phạm, kinh tế tổng hợp được xây dựng khang trang, thay thế các lớp học tranh tre nứa lá, nhà tạm. 100% xã có trường học, trong đó có trên 60% được xây dựng kiên cố. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ toàn bộ các huyện thị trong Tỉnh; 75% xã, phường, thị trấn có điện; 53% hộ dân được sử dụng điện. Tất cả các trung tâm huyện lỵ, thị trấn, thị xã, thành phố đều có đường ô tô thông suốt cả hai mùa, còn các trung tâm xã và cụm xã cũng đã có đường ô tô, nhưng cơ bản chỉ lưu thông được vào mùa khô. Mạng lưới phát thanh truyền hình đã đưa thông tin liên lạc đến hầu hết các xã trong Tỉnh, 100% xã có điện thoại cố định, bình quân 3,5 máy/100 dân. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy nước ở Điện Biên Phủ với công suất 8.000 m3/ngày đêm và đang tiến hành khởi công xây dựng nhà máy nước ở huyện Tuần Giáo với công suất 2.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, ở vùng nông thôn cũng đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt theo chương trình của UNICEF, 52% dân số nông thôn được cấp nước sạch. Hệ thống kênh mương trong toàn Tỉnh được quan tâm đầu tư, kiên cố hơn. Hồ Pa Khoang, Hủa Pe, Hồng Khếnh và hệ thống kênh mương lòng chảo Điện Biên Phủ, đường xá, cầu cống đảm bảo nước tưới cho 90% diện tích vụ chiêm và 80% diện tích vụ mùa.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã và đang tiến hành triển khai quy hoạch mở rộng thành phố Điện Biên Phủ, quy hoạch khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, tái định cư di dân thủy điện Sơn La, di chuyển huyện lỵ Điện Biên, cửa khẩu Tây Trang, mở và nâng cấp đường giao thông tỉnh lộ, giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, trường học... Song song với việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng về đường xá, cầu cống, công sở, bệnh viện, trường học, cấp thoát nước, điện, kênh mương... Sở Xây dựng Điện Biên cũng đã tham mưu cho UBND Tỉnh triển khai quy hoạch xây dựng mở rộng và điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn mà trọng tâm là quy hoạch nâng cấp thị xã Điện Biên Phủ lên thành phố Điện Biên Phủ, để nơi đây vừa là trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh, vừa là thành phố du lịch lịch sử của vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên, so với các tỉnh miền xuôi thì hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Điện Biên còn thua kém nhiều vì chưa được đầu tư đồng bộ và toàn diện, quá trình đầu tư vẫn còn tình trạng chắp vá và dàn trải. Để đặt “nền móng” cho sự phát triển kinh tế – xã hội và diện mạo đô thị nông thôn Điện Biên, bám sát mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, trong thời gian tới, ngành Xây dựng Điện Biên tập trung lập kế hoạch và triển khai quy hoạch các trung tâm cụm, xã, hoàn thành dứt điểm trước năm 2010. Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch các đô thị sẵn có, tập trung quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu, điểm tái định cư di dân thủy điện Sơn La; Quy hoạch và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Cấp thoát nước, điện chiếu sáng, công viên cây xanh, xây dựng nhà máy nước ở các huyện thị, nhà máy xử lý rác thải... Ngành cũng sẽ chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã và mở đường giao thông xuống các bản làng; Quy hoạch cửa khẩu Huổi Puốc, Apa Chải, nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên.

Việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo nền kinh tế – xã hội là một nhiệm vụ quan trọng đối với một tỉnh như Điện Biên. Để thu hút vốn đầu tư vào các khu kinh tế trọng điểm của Tỉnh và các dự án khuyến khích đầu tư, thì bên cạnh các chính sách của Nhà nước, sở Xây dựng Điện Biên đã tham mưu cho Tỉnh thực hiện nhiều ưu đãi khuyến khích khác, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài Tỉnh triển khai các dự án trên địa bàn, xây dựng các cơ sở sản xuất hàng hóa tại địa phương. Đặc biệt, Ngành tập trung đầu tư cho các dự án của các khu du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa dân tộc đã được quy hoạch, đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm các khu điểm du lịch mới để đưa vào quy hoạch, để ngành du lịch phát triển lớn mạnh.

Những việc làm trước mắt của ngành Xây dựng Điện Biên là tiến hành tổng điều tra hiện trạng cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; Công bố, công khai quy hoạch kịp thời, sâu rộng và kiên quyết xử lý các vi phạm quy hoạch; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng các công trình; Ưu tiên bố trí vốn cho quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng.

“Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, tất cả những gì mà ngành Xây dựng Điện Biên đang chung sức phấn đấu đều xuất phát từ việc đặt “nền móng” vững chắc, để tạo cho Điện Biên có diện mạo đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai.

  • Tags: