Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế công nghiệp

Đối với Đồng Nai, một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp và dịch vụ, nhất là những ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, thì vấn đề đào tạo

 

Trước hết, xét về nguồn đào tạo nhân lực của Tỉnh thì năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến tháng 12 năm 2004, đã có 171/171 xã, phường đạt chuẩn THCS và tiến hành phổ cập trung học cho 19 xã phường ở thành phố Biên Hòa. Trên nền tảng của công tác nâng cao dân trí, hàng năm, bình quân có khoảng 20.000 học sinh tốt nghiệp THPT và BTVH cấp 3 của Tỉnh. Đây là nguồn cơ bản để đào tạo nhân lực kỹ thuật. Về hệ thống trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật của tỉnh, đến nay đã có 1 trường đại học dân lập đào tạo cử nhân và kỹ sư các ngành quản trị doanh nghiệp, kinh tế, xây dựng, điện tử, Đông phương học, tin học, ngoại ngữ. Trên địa bàn Tỉnh còn có 3 trường cao đẳng, 8 trường trung học chuyên nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành: Kỹ thuật công nghiệp, Bưu chính viễn thông, Lâm nghiệp, Kinh tế, Y tế, Địa chính; 10 trường dạy nghề đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề: Cơ điện, Xây lắp, Giao thông vận tải, Cơ giới, Lắp máy, Điện tử, Cơ khí, Hàn, Đúc, May mặc. Ngoài ra, còn có 47 trung tâm, cơ sở dạy nghề. Qui mô đào tạo đại học của Tỉnh hàng năm tiếp nhận khoảng 8.000 sinh viên và số sinh viên tốt nghiệp khoảng 1.000 - 1.200 người. Hệ cao đẳng hàng năm có thể tiếp nhận khoảng hơn 7.000 sinh viên và tốt nghiệp khoảng 12.000 sinh viên. Số người nhập học hệ Trung học chuyên nghiệp khoảng 15.000 học sinh và tốt nghiệp khoảng 6.000 đến 8.000 học sinh. Bình quân so với năm 1996 tăng gấp 2 lần số người tốt nghiệp hàng năm.
Chất lượng đào tạo hệ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề hàng năm đã được nâng lên rõ rệt. Năng lực đào tạo nghề của một số trường được nâng lên. Hầu hết số sinh viên tốt nghiệp đại học và học sinh trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ra trường đều có việc làm ở các khu công nghiệp, các DNNN hoặc tư nhân.
Công tác đào tạo nhân lực tuy đã có sự đầu tư, nhưng so với nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao trong hiện tại và thời gian tới, thì chưa thể đáp ứng được. Trước hết là vấn đề năng lực và qui mô đào tạo không đáp ứng được nhu cầu về lao động ngày càng tăng của các KCN tập trung. Hiện số lượng đào tạo hàng năm của các trường và cơ sở đào tạo trong Tỉnh khoảng 15.000 người, trong đó, số lao động có trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên khoảng 10.000 người. Nếu tính thêm số sinh viên Đồng Nai học ở các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh ra trường khoảng 500 người thì cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu lao động kỹ thuật cao hàng năm. Mâu thuẫn nảy sinh giữa nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao và vấn đề đào tạo ở chỗ, trong lúc cần có nhân lực cho những ngành công nghiệp có công nghệ cao thì cơ cấu ngành nghề đào tạo ở các trường lại chưa thay đổi kịp. Các trường đào tạo chưa có chương trình và không đủ năng lực để đào tạo những nghề mà các doanh nghiệp và các khu công nghiệp đang cần, chẳng hạn như những ngành về hóa công nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí chính xác, sửa chữa, bảo hành điện tử. Phần lớn các trường đào tạo hiện nay đều tăng số lượng, nhưng chủ yếu là đào tạo ngắn hạn và chỉ đào tạo những nghề có trình độ kỹ thuật thông thường. Nguồn nhân lực được đào tạo trong những năm qua chủ yếu mới đáp ứng được nhu cầu tạm thời, trước mắt là thị trường lao động với hình thức ngắn hạn có trình độ lao động giản đơn. Về đội ngũ giáo viên thì số lượng và chất lượng các trường trung học - dạy nghề của Tỉnh hoàn toàn chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực mới trong quá trình phát triển của các khu công nghiệp. Về cơ sở vật chất, hầu hết các trường đào tạo cho đến thời điểm này, các trang thiết bị và công nghệ đào tạo đều thiếu và nếu có thì phần lớn là những thiết bị được chế tạo từ thập niên 70 – 80 thế kỷ trước, thậm chí có trường vẫn đang sử dụng trang thiết bị lạc hậu hơn, nên không đủ sức để đổi mới công nghệ đào tạo. Về ngành nghề đào tạo, còn trùng lắp, thiếu định hướng, thiếu qui hoạch nên chất lượng, không cao.
Để khắc phục những khó khăn đang đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao của tỉnh Đồng Nai, trước hết Tỉnh cần phải nhanh chóng xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với sử dụng, khắc phục dần tình trạng mất cân đối hiện nay về đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp. Phải xác định lấy đào tạo tại các trường chính quy là cơ bản, còn đào tạo chuyên ngành phải gắn chặt với các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp để việc đào tạo đúng địa chỉ và đạt hiệu quả cao. Việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần có những giải pháp đồng bộ, phối hợp giữa các ngành đào tạo và sử dụng nhân lực, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các tỉnh, giữa các cấp quản lý về đào tạo nhân lực và giữa các trường, cơ sở đào tạo của các địa phương và trung ương về chương trình mục tiêu đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể. Ngay từ bây giờ, cần có sự điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển của từng ngành công nghiệp. Cần có qui hoạch phát triển thêm mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo từ nhiều nguồn. Đối với các trường và cơ sở đào tạo hiện có, cần phải đầu tư nâng qui mô đào tạo lên gấp 3 lần hiện nay. Để nâng được qui mô, điều chỉnh ngành nghề đào tạo, cần phải đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ đào tạo, đầu tư bổ sung và nâng cấp đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện có theo chuẩn. Một vấn đề quan trọng là tìm nguồn vốn đầu tư. Ngoài ngân sách Nhà nước, cần phải tiến hành thể chế việc xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Các cấp quản lý nhà nước phải có cơ chế về sự liên kết, quản lý và khuyến khích, ưu tiên thu hút vốn đầu tư và công nghệ đào tạo từ các doanh nghiệp, công ty, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật. Mặt khác, phải chú ý đến việc đào tạo ngay từ chính các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Một vấn đề quan trọng, Đồng Nai, cần phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống thông tin thị trường lao động kỹ thuật, trên cơ sở đó, từng đơn vị, doanh nghiệp, từng khu công nghiệp, có thể dự báo tương đối chính xác nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật của Tỉnh. Trong nội dung hoạt động của hệ thống đó, đặc biệt chú trọng về nguồn nhân lực chất lượng cao.

  • Tags: