Ngành nông nghiệp nước ta chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, vai trò của sản xuất nông nghiệp vô cùng quan trọng. Ngay từ sau ngày hoà bình lập lại miền Bắc năm 1954 và thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, Đảng và nhà nước ta luôn chủ trương coi trọng sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn và coi đây là một trong những mục tiêu chính đẩy nhanh tốc độ phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc cơ giới hoá trong nông nghiệp ở nước ta mới chỉ đạt được khoảng 35%, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp mới chiếm khoảng 30% thị phần. Nguyên nhân nào đã làm chậm quá trình này? Một trong những nguyên nhân chính là do người dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Vì thiếu vốn, họ vẫn phải bỏ ra rất nhiều công sức lao động và làm nông nghiệp theo hình thức thủ công hoặc dựa vào kinh nghiệm là chính. “Con trâu, cái cày” một hình ảnh quen thuộc gắn bó với người nông dân từ xa xưa, thì nay dường như lại là biểu hiện của sự thụt lùi cần được thay thế bằng các động cơ, thiết bị máy hiện đại phục vụ nông nghiệp.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp của Bộ Công nghiệp là một lực lượng chủ yếu của ngành chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm máy nông nghiệp của Tổng công ty rất đa dạng với nhiều chủng loại mang thương hiệu như Vinappro, Vikyno, Disoco, Futu 1, Nakyco, Bông sen, Cổ loa, Hoa sen… đã không chỉ có mặt trên đồng ruộng của Việt Nam, mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Những năm qua, ý thức trách nhiệm và vai trò của mình trong việc thực hiện chủ trương đẩy nhanh công nghiệp hoá hiện đại hoá nông thôn, Tổng công ty đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ nông dân mua máy trả chậm. Chương trình được bắt đầu từ năm 2000 và Nghệ An là tỉnh được thực hiện thí điểm đầu tiên. Đến nay, đã có gần 30 tỉnh, thành phố tham gia chương trình. Cơ chế hỗ trợ được thực hiện theo phương thức, tỉnh hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương với thời gian từ 3 đến 5 năm. Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp cung ứng sản phẩm trọn gói cùng với các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng, kể cả cung cấp các thông tin hướng dẫn vận hành để nâng cao hiệu quả sử dụng. Hàng chục nghìn máy đã đến được với bà con nông dân sau khi thực hiện chương trình và cho đến nay, chưa có bất cứ một trường hợp vay vốn nào để nợ quá hạn. Điều đó, đã càng chứng tỏ tính đúng đắn của cơ chế này.
Nghệ An là một trong những địa phương thực hiện chương trình có hiệu quả nhất. Ngay từ những ngày đầu, Tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ban ngành triển khai chương trình tới từng người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An, cũng thẩm định kỹ đối tượng vay vốn, nên nhiều người dân đã được vay vốn mua máy. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hoá khâu sau làm đất của Tỉnh đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây khi chưa có chương trình. Tiếp theo Nghệ An, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đăklăk, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Định, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang… cũng thực hiện chương trình rất có hiệu quả. Bình quân hàng năm, mỗi tỉnh được hỗ trợ từ 300-500 máy. Các loại máy gặt lúa trải hàng, máy sát lúa, máy bơm nước… hầu như cung không đủ so với cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai chương trình Hỗ trợ nông dân mua máy trả chậm lại đang gặp một số vướng mắc. Một số tỉnh sau một thời gian thực hiện đã tạm ngừng lại, một mặt do ngân sách hạn hẹp, mặt khác do tỉnh có hướng chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi. Nếu có hỗ trợ, chỉ tiêu hỗ trợ cũng rất ít. Đơn cử như Hà Tĩnh và Quảng Trị là những tỉnh trước đây thực hiện rất có hiệu quả, năm 2005 cũng không tham gia thực hiện chương trình, năm nay mới cố gắng thực hiện. Một khó khăn khác cũng đang làm cản trở quá trình thực hiện chương trình, đó là thủ tục đăng ký vay vốn khá rườm rà và phức tạp. Theo quy định, phương thức bán trả góp thông qua sự bảo lãnh của hệ thống các ngân hàng và Hội nông dân ở các địa phương. Tuy nhiên, nông dân muốn vay được vốn cần có tài sản thế chấp, muốn Hội bảo lãnh thì người nông dân phải có hộ khẩu cư trú ổn định 3 năm trở lên. Người nông dân phần lớn đều thiếu vốn, họ không chỉ vay vốn để đầu tư các loại máy cơ giới, mà họ còn vay vốn để đầu tư mua sắm thiết bị công cụ sản xuất nông nghiệp khác. Chính vì vậy, khi vay vốn mua máy, người nông dân lấy ngay tài sản đầu tư đã vay trước đó để thế chấp. Điều này lại không được ngân hàng chấp thuận. Hội nông dân là một tổ chức đại diện cho người nông dân, nhiều khi vẫn còn e dè khi bảo lãnh cho nông dân. Bên cạnh đó, việc xét duyệt cũng mất nhiều thời gian, đến khi được mua máy thì đã quá thời vụ, nên người nông dân không còn mặn mà với chương trình nữa hoặc họ đã tìm một hướng giải quyết khác như mua máy nhập khẩu của Trung Quốc giá rẻ, tuy chất lượng có kém hơn.
Để thực sự phát huy hiệu quả của chương trình, thực hiện tốt chủ trương cơ giới hoá nông nghiệp và nông thôn của Đảng, Nhà nước, Tổng công ty đề xuất cơ chế giúp các hộ nông dân, các chủ trang trại, các tổ hợp tác, các hợp tác xã nông ngư nghiệp khi đầu tư trang bị máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất được vay của Ngân hàng 70-80% giá trị máy với hình thức trả dần trong thời gian 3-5 năm, lãi suất được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%. Việc vay vốn của nông dân được thông qua kênh của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vì Ngân hàng Nông nghiệp có chi nhánh ở tất cả các địa phương. Đồng thời, Ngân hàng cần có một quy chế đơn giản, tạo thuận lợi nhất, quy định rõ việc vay vốn theo chính sách là một chương trình riêng, một dự án độc lập không phải thế chấp và không bị ảnh hưởng bởi các khoản vay khác. Bên cạnh đó, cũng rất cần có sự phối hợp tích cực của Hội nông dân ở các địa phương trong việc tuyên truyền vận động người nông dân hưởng ứng để tạo nên một phong trào rộng lớn về ứng dụng cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn.
Năm 2006, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp tiếp tục thực hiện và duy trì cơ chế hỗ trợ tín dụng, trả góp cho nông dân ở tất cả các địa phương đang tham gia. Đồng thời, cố gắng triển khai lại chương trình ở một số địa phương đang tạm ngừng, cũng như mở rộng chương trình đến với một số tỉnh ở các miền Bắc, Trung, Nam, thực hiện tốt hơn nữa công việc hậu mãi, chăm sóc khách hàng, sửa chữa bảo hành và cung cấp phụ tùng chính hiệu, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.