Kể từ năm 1998, năm nay Việt Nam mới gặt hái được một vụ mùa FDI bội thu của ngành Công nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới tính đến ngày 16 tháng 11, trong tổng số 702 dự án mới được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD thì riêng khu vực công nghiệp đã chiếm 464 dự án và gần 2,1 tỷ USD. Đồng thời, trong số 439 dự án đang hoạt động được phép bổ sung vốn để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 1,7 tỷ USD thì công nghiệp chiếm 344 dự án và trên 1,3 tỷ USD. Nghĩa là trên 64% vốn đăng ký mới trong 11 tháng qua là tập trung vào các ngành công nghiệp. Rõ ràng, công nghiệp Việt Nam đang là địa chỉ cuốn hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý là không có ngành công nghiệp nào là không thu hút thêm được dự án cùng vốn đầu tư mới, nhưng công nghiệp nặng vẫn là máy cái dẫn đầu. Trong 11 tháng qua, công nghiệp nặng có thêm 194 dự án cấp phép mới với 1,405 tỷ USD và 163 dự án bổ sung 658 triệu USD, nghĩa là thu hút thêm hơn 2,06 tỷ USD. Tiếp đến là công nghiệp nhẹ, với 226 dự án mới cấp phép cùng 610 triệu USD và 148 dự án bổ sung trên 350 triệu USD, tổng cộng là gần 961 triệu USD. Ngành công nghiệp thực phẩm, tuy chỉ có thêm 25 dự án mới với gần 40 triệu USD, nhưng lại có thêm 24 dự án bổ sung vốn với gần 200 triệu USD, cũng là lĩnh vực thứ 3 thu hút được nhiều vốn đầu tư mới….
Chất lượng những dự án mới và tăng vốn có bước chuyển biến tích cực, biểu hiện trên những khía cạnh là nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng và có trình độ công nghệ tiên tiến. Trong số dự án mới cấp phép, tiêu biểu như dự án sản xuất thép không gỉ của doanh nghiệp Đài Loan tại Bà Rịa-Vũng Tàu với vốn đầu tư trên 700 triệu USD, dự án sản xuất giày của Hồng Kông tại Đồng Nai gần 200 triệu USD, dự án sản xuất ôtô JRD của Malaysia tại Phú Yên 70 triệu USD, dự án sản xuất đĩa VCD, DVD tại Đồng Nai 66,7 triệu USD, dự án sản xuất phụ tùng ôtô Yamaha tại KCN Thăng Long (Hà Nội) 47,6 triệu USD, dự án sản xuất ôtô và phụ tùng Mabuchi tại KCN Đà Nẵng 40 triệu USD… Trong số các dự án bổ sung vốn, tiêu biểu là dự án chế tạo công nghiệp VMEP tăng thêm hơn 70 triệu USD, dự án Canon tăng thêm 60 triệu USD, dự án Honda Việt Nam tăng thêm 58 triệu USD, dự án Toto tăng thêm 52 triệu USD…
Nếu trong năm 2004, số vốn bổ sung đạt cao hơn số vốn mới cấp giấy phép (1,566 tỷ USD so với 1,331 tỷ USD), thì trong 11 tháng năm 2005, tình hình đã khác hẳn, số vốn cấp phép mới không những vượt xa số vốn bổ sung mà còn vượt trội gần 60% so với kết quả của cả năm 2004. Nhờ đó, quy mô đầu tư đã được nâng từ 2,6 triệu USD/một dự án của năm 2004 lên 4,5 triệu USD/một dự án trong năm 2005, đồng thời quy mô bổ sung vốn đã giảm từ 4,1 triệu USD/một dự án năm 2004 xuống còn 3,8 triệu USD/một dự án năm 2005. Mặt khác, phần lớn số dự án mới cấp phép và bổ sung vốn là những dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, và trong đó có tới 25% tổng số vốn đầu tư tại các khu công nghiệp-khu chế xuất. Nghĩa là khả năng thực thi và tiến độ triển khai những dự án này sẽ nhanh chóng.
Như vậy, luỹ kế đến ngày 16 tháng 11 năm 2005, toàn khu vực công nghiệp có 3.913 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 30,166 tỷ USD, chiếm hơn 67,2% tổng số dự án và 60,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực trên phạm vi cả nước, trong đó riêng công nghiệp nặng chiếm trên 13 tỷ USD. Nhưng có ý nghĩa hơn cả là khu vực công nghiệp đã thực hiện được tổng số vốn trị giá 17,619 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đã thực hiện của cả nước từ trước tới nay. Trong khi tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký của toàn khối FDI mới đạt trung bình là 51% thì trong khu vực công nghiệp đã đạt trên 58%. Rõ ràng, công nghiệp là lĩnh vực có số vốn FDI thực hiện lớn nhất.
Có thể nói, hơn 17 năm thực thi Luật Đầu tư nước ngoài đã đem lại cho Công nghiệp Việt Nam một nguồn “gen” mới, không ngừng tạo ra sự phát triển đột biến trong toàn ngành Công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đưa công nghiệp Việt Nam nhanh chóng hội nhập kinh tế quốc tế, mặc dù còn ở trình độ chưa cao. Hiệu quả hoạt động FDI trong khu vực công nghiệp rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn FDI đã chiếm trên 36% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành (chưa tính công nghiệp dược phẩm và công nghiệp chế biến gỗ) và trên 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (kể cả dầu thô). Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động FDI còn thể hiện trên các phương diện chuyển giao khoa học-công nghệ, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Chính vì vậy, Bộ Công nghiệp mới đây đã đề ra 9 biện pháp nhằm thúc đẩy thu hút mạnh hơn nữa vốn FDI vào công nghiệp trong thời gian tới. Thực thi tốt những biện pháp này, hoạt động FDI trong công nghiệp sẽ còn toả sáng hơn nữa.