Tình hình an toàn,vệ sinh lao động ở Trung Quốc hiện nay nổi lên một số vấn đề chủ yếu sau đây:
1- Số lượng người tử vong trong các vụ tai nạn lao động lớn, gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Theo tài liệu thông kê chưa đầy đủ của Trung Quốc năm 2001, số người bị tai nạn lao động khoảng 400 ngàn người, trong đó, số người chết là 108 ngàn người, số người bị thương trên 300 ngàn. Thiệt hại do các vụ tai nạn lao động gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 2,5% GDP, tổn thất trung bình hàng năm khoảng 350 tỉ NDT. Số người chết vì tai nạn lao động của Trung Quốc chiếm trên 10% tổng số người chết vì tai nạn lao động của thế giới. Tính ra, trung bình cứ mỗi ngày, Trung Quốc có khoảng 300 người chết và 1000 người bị thương vì tai nạn lao động. Số người chết vì tai nạn lao động hàng năm ở các mỏ than Trung Quốc là 10.000 người. Thời gian gần đây, tuy số lượng có giảm xuống khoảng 7000 người, nhưng mức tử vong như thế vẫn còn cao so với một số nước trên thế giới.Ví dụ, so với số người bị tai nạn lao động trong các mỏ than của nước Mỹ là khoảng 28 người/năm thì số người bị tử vong trong các mỏ than của Trung Quốc lớn gấp hàng trăm lần và lớn gấp 17 lần so với ấn Độ.
2- Số lần tai nạn lớn và đặc biệt lớn xẩy ra nhiều.
Theo phân loại về quản lý an toàn, vệ sinh lao động của Trung Quốc thì tai nạn lao động được chia ra như sau: Những vụ tai nạn có người bị thương nhẹ, bị thương nặng và có 1-2 người chết được gọi là những vụ tai nạn phổ biến; những vụ tai nạn lao động có 3 người chết trở lên được gọi là những vụ tai nạn lớn; những vụ tai nạn lao động xẩy ra ở các mỏ có 50 người chết trở lên và những vụ tai nạn lao động xẩy ra ở những nơi khác ngoài mỏ than với số người chết từ 30 người trở lên, được gọi là tai nạn đặc biệt lớn. ở Trung Quốc, trung bình mỗi năm có 150-170 vụ tai nạn lao động với số người chết trong mỗi vụ từ 10 người trở lên, tính trung bình, cứ 2 ngày xẩy ra một vụ tai nạn lao động, trung bình mỗi tháng xẩy ra một vụ tai nạn lao động đặc biệt lớn. Năm 2000, vụ tai nạn nổ khí ở Mỏ than Mộc Xung, tỉnh Quí Châu, làm chết 162 người, bị thương 82 người; Vụ nổ khí ở Mỏ than số 2, Nội Mông làm chết 51 người, bị thương 12 người.
3- Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vụ tai nạn lớn và đặc biệt lớn có nguy cơ xẩy ra.
Theo tài liệu điều tra của Trung Quốc, hiện nay ở Trung Quốc, có gần 1000 yếu tố có nguy cơ gây tai nạn đặc biệt lớn đang tồn tại trong các ngành sản xuất công nghiệp. Các yếu tố có nguy cơ gây ra tai nạn cấp quốc gia đã lên tới con số 1.000. Các yếu tố có nguy cơ gây tai nạn hỏa hoạn lớn ở Trung Quốc hiện nay đã thống kê được là 138.200. Trong các mỏ ở Trung Quốc, có 1.032 mỏ chứa các yếu tố có nguy cơ gây ra tai nạn. Nếu các cơ quan đơn vị, tổ chức.v.v... không đủ sức để giám sát, khống chế hoặc tìm các biện pháp có hiệu quả để loại bỏ những yếu tố có nguy cơ gây tai nạn này, thì chỉ cần có một nguyên nhân bất cẩn nào đó, là có thể xẩy ra các vụ tai nạn lớn và đặc biệt lớn, dẫn đến gây thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân vô cùng lớn.
Trung Quốc đã nghiên cứu tìm ra những nguyên nhân tồn tại, những yếu tố có nguy cơ gây tai nạn, đồng thời đưa ra những biện pháp để kịp thời khắc phục và loại trừ.
Những biện pháp nhằm hoàn thiện và đổi mới trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động của Trung Quốc.
1- Kiên trì lấy phương châm “đề phòng là chủ yếu, an toàn là hàng đầu”. Đề phòng chính là chỗ dựa của công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động. Trung Quốc lấy đó làm nguyên tắc cơ bản để cho những người làm công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động phải tuân thủ. Công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động của Trung Quốc được chuyển hướng từ “chữa cháy” sau khi tai nạn xẩy ra trước đây, nay chuyển sang dự phòng trước, phải dập tắt ngay từ khi còn đang trong trạng thái có nguy cơ gây tại nạn để tai nạn không thể xẩy ra được.
2- Xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật về quản lý an toàn, vệ sinh lao động. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 100 văn bản pháp luật có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, nhưng còn phân tán, thiếu tính hệ thống và chưa hoàn chỉnh. Trong đó, một số ít các văn bản qui định đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình mới. Trừ các văn bản qui định trong lĩnh vực khai thác mỏ là khá hoàn thiện và đã được kiện toàn, còn lại các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay còn khá trì trệ. Một số ngành, tuy đã có văn bản qui định, nhưng còn thiếu tính khả thi. Việc nhanh chóng sửa đổi và hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các ngành được xem là nhiệm vụ quan trọng mà các ban, ngành ở Trung Quốc phải thực hiện, nhằm làm cho công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động thực sự là chỗ dựa vững chắc của pháp luật, góp phần đưa công tác quản lý an toàn lao động vào quỹ đạo pháp luật.
3- Tăng cường tuyên truyền giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết về công tác này cho công nhân viên chức và nhân dân. Biện pháp này chính là cơ sở của “đề phòng là chủ yếu”. Vì trên thực tế, hành động không an toàn của con người là yếu tố trực tiếp nhất, chủ đạo nhất dẫn đến xẩy ra tai nạn. Trung Quốc cũng sẽ đưa chương trình giáo dục về an toàn vào giáo trình của các trường tiểu học, nhằm hình thành ý thức về an toàn, vệ sinh lao động phải được bắt đầu từ học sinh hệ tiểu học.
4- áp dụng các phương pháp công nghệ tiên tiến, thực hiện cải tạo các phương tiện sản xuất lạc hậu.
Nhiều vụ tai nạn lao động lớn xẩy ra ở Trung Quốc chủ yếu là do phương pháp sản xuất lạc hậu và do môi trường lao động không tốt. Ngoài ra còn có một nguyên nhân quan trọng khác nữa là thiếu đầu tư phương tiện cho các hoạt động an toàn, vệ sinh lao động ở các mỏ than. Nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật sản xuất, đảm bảo an toàn lao động theo các hướng sau:
- Nhà nước phát hành trái phiếu với lãi suất hợp lý, nhằm tạo nguồn để đầu tư cải tạo kỹ thuật cho các phương tiện sản xuất, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
- Nhà nước mở cửa để các doanh nghiệp thuộc các thành phần sở hữu khác nhau (nhà nước, trách nhiệm hữu hạn, tư nhân, đầu tư nước ngoài v.v...) tham gia đầu tư vào trang bị kỹ thuật an toàn lao động.
- Nhà nước nghiên cứu để thành lập quỹ phát triển đầu tư cho an toàn lao động. Nguồn quỹ bao gồm một phần của ngân sách nhà nước, một phần do các doanh nghiệp, các cơ quan, các tổ chức có liên quan trong và ngoài nước đóng góp và một phần là từ nguồn vốn thị trường tài chính. Quỹ được sử dụng theo phương thức có hoàn lại, đảm bảo tăng giá trị và phát triển liên tục.
5- Tăng cường sáng tạo kỹ thuật, điều chỉnh và tối ưu hoá ngành nghề, xúc tiến nâng cấp ngành nghề: Trung Quốc cho rằng, đây là một trong những biện pháp cơ bản, nhằm giải quyết vấn đề an toàn lao động hiện nay. Trước mắt, Trung Quốc sẽ kiên quyết đóng cửa các mỏ, các nhà máy có công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không tiêu thụ được sản phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt là các mỏ than nhỏ khai thác trái phép. Sau quá trình thực hiện đóng cửa các mỏ, đến đầu năm 2003, số mỏ đã giảm xuống còn 20 ngàn mỏ so với 80 ngàn mỏ trước đây, nhưng Trung Quốc chưa dừng lại ở con số này mà vẫn còn tiếp tục đóng cửa thêm nhiều mỏ nữa, khi vẫn còn tồn tại tình trạng nêu trên. Nhờ sớm triển khai thực hiện biện pháp này, mà bước đầu Trung Quốc đã giảm được nguồn các yếu tố có nguy cơ gây tai nạn lao động nghiêm trọng. Đồng thời Trung Quốc cũng qui định, trong các năm tới, các ngành, các doanh nghiệp mới thành lập phải đáp ứng những yêu cầu qui định về an toàn, vệ sinh lao động, nếu không đảm bảo đúng qui định sẽ không cho doanh nghiệp đi vào hoạt động
6- Thực hiện thể chế hoá, thường xuyên hoá công tác kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.
Thực hiện kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất, điều kiện môi trường, máy móc, thiết bị, và vị trí làm việc có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời phát hiện những yếu tố có nguy cơ gây ra tai nạn lao động để loại trừ, không để cho tai nạn xẩy ra rồi mới xử lý. Những cán bộ kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động phải được chuyên nghiệp hoá, có trình độ hiểu biết về chuyên môn và pháp luật.
7- Xây dựng quan điểm “lấy con người làm gốc”, hết sức coi trọng tính mạng và sức khoẻ của con người. Quan điểm này phải được thể hiện trên lĩnh vực quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong trường hợp tai nạn xẩy ra, trước tiên phải lấy an toàn tính mạng của con người làm chuẩn mực cao nhất, kiên quyết ngăn chặn và loại bỏ những hành vi phi nhân đạo, coi hiệu quả và lợi ích kinh tế, hơn tính mạng của con người.
8- Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã tham khảo các yêu cầu đề ra của WTO và căn cứ vào tình hình trong nước hiện nay để sửa đổi lại “tiêu chuẩn vệ sinh trong thiết kế các doanh nghiệp công nghiệp” nhằm bổ sung thêm các yêu cầu thiết kế về các điều kiện vệ sinh cơ bản, qui định một cách chi tiết cho việc chọn địa điểm các doanh nghiệp công nghiệp, yêu cầu về vệ sinh phải đảm bảo thiết kế các mặt: phòng bụi, phòng độc, phòng lạnh, phòng nóng, phòng tiếng ồn, rung, phòng bức xạ điện ly và bức xạ phi điện ly, buồng phụ trợ.v.v... nhằm đảm bảo cho bản thiết kế doanh nghiệp công nghiệp phù hợp với yêu cầu bảo vệ sức khoẻ người lao động, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp. Đưa ra tiêu chuẩn các trị số giới hạn khi tiếp xúc với các yếu tố độc hại và phóng xạ ở những nơi làm việc, đảm bảo an toàn cho công nhân viên chức thực hiện nhiệm vụ và những người có liên quan.