Bác Hồ và độc lập - tự do

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “Người t

A.Patti, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mỹ OSS làm việc với Việt Minh, người có mặt tại Hà Nội ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa và được Bác Hồ đưa xem và góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập, kể lại trong  tập hồi ký: “Tại sao Việt Nam”, rằng: khi đọc Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thấy và hỏi lại Người: Vì sao có sự đảo vị trí của hai từ “quyền tự do” và “quyền được sống” so với nguyên bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, thì được vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trả lời rằng; “không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”. Và ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người lại khẳng định rằng:“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.  Có thể nói độc lập, tự do là chân lý mà suốt đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã tìm kiếm cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Người nói rằng: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó”. Hay: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.. Gần 60 năm kể từ khi Người rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, đến khi trở lại Cao Bằng và đến lúc Người đi xa, không có việc làm nào của Người xa rời mục đích ấy, hoặc từ bỏ lòng ham muốn thánh thiện ấy. Độc lập cho Tổ quốc theo quan niệm của Bác Hồ, đó là Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam liền một dải. Trong  thư gửi đồng bào Nam Bộ (1-6-1946) Người khẳng định rằng: “... Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Tháng 7/1954, ngay sau  khi hội nghị  Giơ-ne-vơ thành công, Người viết Lời kêu gọi gửi đồng bào toàn quốc căn dặn rằng: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Và sau này, trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, Người tin rằng, sẽ có một mùa xuân: “Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.

Tự do cho nhân dân, với Bác Hồ là những việc làm cụ thể hàng ngày. Khi nước nhà vừa độc lập, Người nghĩ ngay làm sao cho người dân được hạnh phúc, tự do. Người quyết tâm xây dựng một “chính phủ công bộc của dân”,  “một hiến pháp dân chủ”. Chính phủ công bộc là: “Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó” (Báo Cứu quốc, 19/9/1945). Trong bản hiến pháp đầu tiên năm 1946, Bác Hồ rất chú trọng đến quyền tự do, dân chủ của người dân. Điều 10 của Hiến pháp 1946 qui định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Dân vi tối thượng, dân dĩ thực vi thiên (dân là trên hết, dân lấy ăn làm trời) Bác Hồ rất hiểu điều ấy. Một Chính phủ do dân bầu ra phải có trách nhiệm lo cho nhân dân: “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Ngay trong những ngày kháng chiến gay go quyết liệt, thì Bác Hồ luôn nghĩ đến làm thế nào cho đời sống vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần vui mạnh hơn”. Trong cuốn sách “Đời  sống mới” năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”. Người cho rằng, “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, Bác Hồ khi nghĩ đến hạnh phúc của người dân, đã nghĩ tới việc chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc, nghĩ đến kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, thúc đẩy công tác y tế, sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân... Bác Hồ đã căn dặn: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn. Để giành lấy thắng lợi trong công cuộc chiến đấu này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. (Di chúc của Bác Hồ). Chúng ta bước vào công cuộc đổi mới, suốt 20 năm nay có chỗ dựa vững chắc, đó là tư tưởng độc lập, tự do và đại đoàn kết của  Bác Hồ. Trong tiến trình hội nhập quốc tế  hiện nay, tư tưởng đại đoàn kết của Bác tiếp tục soi đường, dẫn dắt chúng ta. Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà  Bác đề ra vẫn còn nguyên giá trị để giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển, tranh thủ những thời cơ và vận hội trong quá trình xây dựng đất nước.

Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến và hành động cho độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân và luôn biết dựa vào dân. Trước cửa lăng của Người, nhân dân ta, đất nước ta đã khắc sâu dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

  • Tags: