Văn Lang - tên nước - làng cười

Mẹ đã nuôi tôi bằng những chuyện cười Củ sắn Văn Lang xuyên qua đường quốc lộ Con gà vỗ cánh văng thành ngạnh* Đập cánh một lần tốc mái nhà tôi


Văn Lang cả làng nói khoác
Cụ Hán Văn Sinh kể cho chúng tôi nghe rằng, xưa kia hạt thóc Văn Lang rất to, to lắm. Trên đền Hùng vẫn còn nửa mảnh vỏ trấu to bằng cái thuyền nan ấy. “Nếu không tin, các cô cứ lên đó nhìn thử coi!”. Câu châm ngôn “Văn Lang cả làng nói khoác” đã làm nên sự nổi tiếng cho mảnh đất và những con người nơi đây. Người ta đồn đại về Văn Lang rất nhiều, đại loại như ai đến đó mà không biết sẽ bị “ăn những quả lừa” do sự tinh nghịch của dân làng. Văn Lang cả làng nói khoác, từ nam, phụ, lão, ấu đều mang trong mình máu hài hước sẵn có. Chẳng thế mà nghệ sỹ chèo Hán Văn Tình, người chính gốc Văn Lang không nổi danh bằng… chèo, mà lại được khán giả biết đến nhiều bởi vai Quềnh (một vai hài trong bộ phim Đất và người).
Lời đồn đại quả không ngoa một chút nào. Vừa bước chân vào làng tôi đã được đón bởi một câu chào nghe khá thân thiện: “A! chào cậu!”. Giật mình quay lại, té ra là một cậu học sinh đang toe toét cười. Tiện miệng, tôi cũng giở giọng bông lơn: “Xin chào! đi đâu đấy?” - “à mình vừa lên huyện dự lễ tuyên dương làng mình tăng năng suất lương thực về.” Cậu bé đáp trả ngay mà không cần một giây suy nghĩ. Gặp một chị đang lúi húi thu hoạch sắn trên ruộng, khi được hỏi “Sắn năm nay có được mùa không?”, chị đã trả lời ngay rằng “Củ chỉ được bằng cái đòn gánh thôi. Cũng may chứ được mùa thì sức đâu mà gá…á…ánh!”. Người Văn Lang cho biết, những chuyện khoác lác như vậy là câu nói cửa miệng của dân làng, nó tự nhiên như ăn vào máu thịt, như cơm ăn, nước uống của người Văn Lang. Chẳng hạn như có người hỏi “Lúa nhà anh chị vụ này có tốt không?”, thì người được hỏi sẽ trả lời “Hạt lúa năm nay to lắm, đem về xay một hạt cả nhà ăn hàng tháng, còn vỏ trấu thì làm thuyền chở các cháu sang sông đi học” v.v… Nói thì như vậy đấy, nhưng phàm đã là người Văn Lang thì đều hiểu rằng, củ sắn cũng chỉ nhỏ thôi, và hạt lúa thì không được mẩy lắm.

Đi tìm xuất xứ của tiếng cười đặc sắc
Cụ Hán Văn Sinh - người nghệ nhân, một trong những kho tư liệu sống chứa đầy ắp những truyện cười của làng Văn Lang cho biết: Cái tên làng bắt nguồn từ một truyền thuyết rất xa xưa, được các cụ già truyền miệng nhau kể lại từ đời này sang đời khác.
Chuyện kể rằng chàng Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên) sau khi chiến thắng được chàng Thuỷ Tinh trong cuộc giao tranh long trời lở đất đã cùng nàng Mỵ Nương - công chúa Ngọc Hoa đi du ngoạn. Khi hai người tới vùng đất này, thấy cảnh non nước hữu tình liền dừng lại nghỉ chơi 3 ngày liền. Sau đó thánh Tản Viên đã tổ chức chiêu mộ dân đinh, đưa dân đi khai phá rừng hoang và dạy dân cách làm nông nghiệp. Rồi, để kỉ niệm thời gian đã lưu lại nơi đây, Ngài đã ban cho làng một cái tên gọi mới trùng với tên đất nước: Làng Văn Lang (Về sau để phân biệt với xã Văn Lang của huyện Hạ Hoà, xã Văn Lang của huyện Tam Nông đã được đổi tên thành xã Văn Lương. Hiện nay, người dân đang đề nghị đổi tên xã trở lại với tên gọi ban đầu). Từ đó trở đi, cứ đến ngày 3/9 âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn vị thần đã khai sinh ra gốc tích của mình. Ngoài ra, vào ngày 3 tháng giêng âm lịch, làng còn tổ chức thêm lễ hội bánh chưng bánh dầy để dâng lên “Tam vị Thượng đẳng thần”- tức ba anh em thánh Tản. Cứ thế, trải qua hàng nghìn năm, cái tên đất tên làng cứ lớn lên trường tồn cùng đất nước. Cư dân cứ ngày một thêm đông đúc. Cách đây khoảng gần 300 năm, các tập đoàn phong kiến cát cứ phân tranh gây nên cảnh li tán loạn lạc trong muôn dân. Và Văn Lang đã trở thành mảnh đất yên ổn cho bao gia đình tới an cư lạc nghiệp. Thế là nét văn hoá làng vốn dĩ đã có cội rễ sâu xa lại càng thêm đặc sắc bởi sự pha trộn của nhiều sắc thái văn hoá ở nhiều vùng khác nhau trên mọi miền đất nước.
Sống trên mảnh đất gò đồi cỗi cằn sỏi đá, việc canh tác của người Văn Lang gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, những ảnh hưởng của thiên tai địch hoạ, những hà khắc, khiếm khuyết của mỗi thời đại lại càng làm cho cuộc sống của họ càng thêm vất vả. Bởi vậy, người Văn Lang lấy tinh thần lạc quan là phương châm sống, cho dù cuộc đời có gặp nhiều nỗi chuân chuyên đến mấy, có bế tắc đến mấy thì cũng vẫn phải cười. Người Văn Lang luôn cười và không ngừng sáng tác ra những câu chuyện khoác lác để mà cười. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cái phương châm sống ấy đã ăn vào máu thịt, trở thành đặc điểm riêng biệt của người Văn Lang. Họ dùng tiếng cười để quên đi cái đói, quên đi cái vất vả và quên đi những nỗi đau. Họ cười để cho những người khác yên tâm mà ở lại, mà sống gắn bó với làng. Khác với nụ cười phóng khoáng, hài hước của riêng một bác Ba Phi đất Nam Bộ, cái cười của Văn Lang là cái cười của cả tập thể, của cả cộng đồng. Thời cổ thì chuyện khoác lác mang dấu ấn cổ. Thời nay thì chuyện lại mang phong cách hiện đại.
Có lẽ không địa phương nào người dân lại có trí tưởng tượng ngộ nghĩnh như trí tưởng tượng của người Văn Lang. Những “củ sắn xuyên qua đường quốc lộ”; những bó củi “để đâu cháy đấy”; những con lươn “thịt thì nướng chả còn xương đẽo cày”… Tất cả đều là mơ ước của người dân Văn Lang về những sản vật quê mình. Họ mong muốn những thứ mình làm ra thứ nào cũng to, thứ nào cũng tốt. Mơ ước đó thật giản dị và cũng thật thiết thực. Những câu chuyện, những tiếng cười dường như cứ lan ra mãi khiến Văn Lang đã nổi tiếng lại càng thêm nổi tiếng. Do còn có sự pha trộn những nét văn hoá của các vùng miền, mà tiếng cười của Văn Lang không chỉ dừng ở nhu cầu lạc quan trước cuộc sống, mà nó còn mang chất châm biếm, đả kích vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn của xã hội. Đôi khi chuyện cười Văn Lang còn trực tiếp đả kích vào tệ tham ô, tham nhũng của tầng lớp thống trị. Vì vậy, nó đã trở thành một nét văn hoá phi vật thể đặc sắc của riêng họ.

Và đằng sau tiếng cười là cuộc sống không mấy dễ dàng
Văn Lang lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, nhưng cuộc sống nơi đây nghèo lắm, cái nghèo cứ như món nợ đeo bám Văn Lang đời này qua đời khác, cho tới tận bây giờ. Ông Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Kế cho biết, xã có trên 4 nghìn nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên hơn 800 ha, chủ yếu là loại đất gò đồi trung du cằn cỗi, giao thông lại không thuận lợi. Chính vì lẽ đó mà việc phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với địa phương. Ngoài nghề chính là trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi một số loại gia súc gia cầm, Văn Lương không còn nghề phụ nào khác. Bởi vậy, tỉ lệ hộ nghèo ở đây vẫn ở mức trên 20%. thực ra trước đây xã cũng có một nghề phụ nữa là nghề cắt sơn (nghề lấy sơn ta). Nhưng thu nhập từ nghề này không cao nên bây giờ không mấy ai theo. Chắc không mấy ai tưởng tượng, đang trong thế kỷ 21, ở một vùng đất trung du không xa thành phố là bao, mà nơi này vẫn phổ biến những căn nhà tranh vách đất. Trao đổi với chúng tôi, ông Phó Chủ tịch UBND xã tỏ vẻ rất bức xúc vì chưa tìm được giải pháp nào để phát triển kinh tế, cải thiện mức sống cho người dân. Chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu đạt 310 kg/người/năm và 95% hộ có phương tiện nghe nhìn từ nay đến 2009 xem ra là một sự cố gắng lớn đối với Đảng bộ và chính quyền xã.
Nhưng... cuộc đời thì vẫn cứ đẹp sao
ấy vậy nhưng Văn Lang vẫn rất yêu đời. Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những năm tới, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của làng vẫn được các cấp chính quyền và nhân dân chú trọng. Trước đây, Văn Lang đã xuất bản một cuốn sách gồm những chuyện nói khoác do các nghệ nhân kể lại. Một số chuyện đã được đưa vào tuyển tập “Truyện cười dân gian Việt Nam”. Hiện nay, Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Phú Thọ và Phòng Văn hoá huyện Tam Nông tiếp tục chủ trương sưu tầm, tập hợp những câu chuyện nói khoác còn lưu truyền trong dân gian để in thành một cuốn sách và sẽ cho xuất bản trong thời gian tới. Và có một tín hiệu đáng mừng là dịp tháng 6 vừa qua, nhân kỉ niệm 5 năm ngày tái lập huyện, xã Văn Lương đã tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ và giao lưu giữa các đơn vị, trong đó có phần thi sáng tác và kể chuyện cười. Hình thức sinh hoạt này có ý nghĩa rất tích cực trong việc giáo dục nhân dân ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát huy những nét văn hoá độc đáo của quê hương cho các thế hệ mai sau. Với cương vị một người lãnh đạo, ông Nguyễn Hữu Kế bày tỏ mong muốn mỗi năm xã tổ chức được một lần như vậy. Tuy nhiên, ông đang băn khoăn không biết sang năm có làm được nữa hay không. Bởi với điều kiện của một xã nghèo như Văn Lương, quỹ để chi cho các hoạt động văn hoá văn nghệ là rất hạn hẹp nên xem ra mong ước này rất khó thực hiện. Nhưng đối với người dân thì chẳng khó khăn nào có thể ngăn được họ cười, và trong những buổi chiều trung du, tiếng cười vẫn cứ lan xa mãi, làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống trong những căn nhà tranh vách đất.

  • Tags: