DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài: "Không thể "chấp nhận" thế mãi!

Được xác định là xương sống của nền kinh tế đất nước trên chặng đường CNH, HĐH, thế nhưng nhìn lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh khối DNNN thời gian qua, chúng ta không khỏi giật mình.

Nhớ lại, tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp và đổi mới DNNN tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ - Phan Văn Khải đã than phiền "thực tế, số DNNN hiện nay làm ăn có lãi không lớn. Thuế thu nhập của khối doanh nghiệp này chỉ vào khoảng 8.000 tỷ đồng trên tổng số 87.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, mà nợ xấu đã lên tới 8,5%; trong khi bình quân cả nền kinh tế chỉ vào khoảng 6,1%. Như vậy, tính ra tổng số nợ phải thu, phải trả của khối DNNN lên tới con số 300.000 tỷ đồng. Những con số trên chứng tỏ hiệu quả làm ăn của khối DNNN chưa tương xứng với vai trò lực lượng chủ lực, tiên tiến nhất của nền kinh tế. Từ hồi còn làm Phó thủ tướng đến giờ, có đến 2 lần tôi đã phải xử lý nợ xấu của DNNN. Vừa giải quyết xong 18.000 tỷ, vài năm sau đã lên đến 19.000 tỷ…"

Còn theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện tại, tổng số vốn của Nhà nước tại các DNNN là 189.293 tỷ đồng; trong khi tính đến năm 2003, số nợ phải thu của khối DNNN là 96.775 tỷ đồng, bằng 51% tổng số vốn và 23% tổng doanh thu. Riêng năm 2003, trong số 4.808 DNNN đang hoạt động- SXKD, thì chỉ có hơn 77% doanh nghiệp làm ăn có lãi; còn tổng số nợ phải trả là 207.789 tỷ đồng (trong đó, số nợ từ các khoản vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng chiếm 76%).

Đặc biệt, trong số DNNN làm ăn thua lỗ trên, thì 2 ngành Mía- Đường và Xi măng thua lỗ nhiều nhất. Ngành Mía Đường thua lỗ trên 2.000 tỷ đồng và Xi măng cũng gần tương tự. Vạch mặt, chỉ tên những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, tại Hội nghị về sắp xếp, đổi mới DNNN, Bộ Tài chính đã đưa ra những con số cụ thể như: Nhà máy Vật liệu chịu lửa kiềm tính (Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng) lỗ 107 tỷ đồng, nợ phải trả 328 tỷ đồng; Công ty Xi măng Hoàng Mai lỗ 423 tỷ đồng, nợ phải trả 467 tỷ đồng; Công ty Xi măng Tam Điệp nợ phải trả 163 tỷ đồng và Công ty Xi măng Hải Vân lỗ 78 tỷ đồng, nợ phải trả 426 tỷ đồng…

Những con số trên, không những thể hiện DNNN chưa "xứng đáng" với vai trò là xương sống của nền kinh tế, mà còn thể hiện ở sự non kém trong công tác điều hành và quản lý "nguồn vốn" của Nhà nước.

Trong khi, hàng năm, Nhà nước đang cần một khoản tiền khổng lồ để đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội như các chương trình, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, lương cho CBCNV…thì không cớ gì tiền của Nhà nước bỏ ra cho khối DNNN làm ăn, lại bị thua lỗ nhiều đến vậy. Nếu như số tiền 300.000 tỷ đồng từ số nợ phải thu, phải trả của khối DNNN thời gian qua, được đầu tư cho các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội, thì chắc chắn, tỷ lệ số hộ nghèo trên địa bàn cả nước sẽ không còn cao như hiện nay và điều kiện sống của đại bộ phận quần chúng nhân dân cũng sẽ được cải thiện…

Sẽ là bất công, khi một khối lượng tiền lớn từ NSNN, hàng năm, được "đổ" vào để các DNNN cứ mặc nhiên thua lỗ kéo dài, mà cũng chẳng ai, cơ quan nào bị chịu trách nhiệm? Tiền của Nhà nước bỏ ra thực chất cũng chính là số tiền của nhân dân đóng góp bằng nghĩa vụ nộp thuế, chẳng lẽ chúng ta cứ phải chấp nhận mãi cảnh "lấy tiền của người này" để "cho người kia phung phí"?

  • Tags: