Kết nối và thúc đẩy công nghệ thông tin - viễn thông phát triển

Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phía Nam có ý nghĩ quan trọng trong chiến lượt phát triển đất nước. Nhiều chương trình hợp tác trên tất cả cá

 

TP.HCM với vai trò đầu tàu

Những thành tựu về kinh tế- xã hội năm 2006 được đánh giá là khả quan, là tiền đề tốt đẹp cho kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong đó các ngành như dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông (BCVT), du lịch phát triển nhanh, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn có nhiều đổi mới về mô hình kinh doanh, chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Riêng lĩnh vực BCVT được đánh giá là phát triển mạnh cả về công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, chất lượng cao.

Để thúc đẩy kinh tế 8 tỉnh nằm trong VKTTĐ phía Nam gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, lãnh đạo các địa phương đã cùng thống nhất với nhau về quan điểm phát triển, mở rộng hợp tác về BCVT, CNTT giữa các địa phương. Định hướng này có ý nghĩ quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT và BCVT; chuyển giao công nghệ, đào tạo nhằm phát triển mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế xã hội.

TP.HCM với nguồn lực mạnh về CNTT sẽ đóng vai trò đầu tàu. Bên cạnh đó, có yếu tố về đội ngũ lao động kỹ thuật hùng hậu, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành của hầu hết mọi lĩnh vực. Nơi đây còn tập trung đông nhất các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng có các trang thiết bị hiện đại nhất trong cả nước. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông cần phải hiện đại, có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng dài hạn, ứng dụng công nghệ hiện đại để làm nền tảng cho phát triển các ngành kỹ thuật cao. Tập trung đầu tư công nghệ để đưa viễn thông và CNTT trở thành ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ mũi nhọn của vùng. Chủ trì đôn đốc và giám sát thực hiện các dự án đầu tư phát triển hệ thống BCVT, bảo đảm truyền dẫn liên tỉnh thông suốt, dịch vụ Internet và hệ thống cáp quang đến các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc tới tất cả các xã trong vùng...

Các địa phương liên kết sẽ tạo nên sức mạnh

Hiện tại, VKTTĐ phía Nam có hạ tầng mạng viễn thông tương đối tốt, với gần 500 tổng đài kỹ thuật số có dung lượng toàn vùng đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển KT-XH. Mạng truyền dẫn cáp quang đã đến tất cả các tỉnh với độ an toàn cao do được nối theo cấu hình mạch vòng. Các tuyến cáp quang đã tới đa số trung tâm các huyện. Mật độ điện thoại hiện nay đạt gần gấp đôi so với mức bình quân cả nước với tốc độ thuê bao ngày càng tăng. Lĩnh vực công nghiệp phần cứng máy tính và điện tử tại khu vực này cũng chiếm trên 90% giá trị sản xuất của công nghiệp CNTT cả nước. Hiện các tỉnh, thành trang bị website đã đi vào hoạt động. TP.HCM là một trong những vùng KTTĐ phía Nam đã đầu tư các cơ sở hạ tầng để trợ giúp phát triển CNTT như Trung tâm Phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ cao. Trong năm 2005, công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT và nội dung thông tin và giá trị sản xuất phần mềm đạt khoảng 65 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ trọng dịch vụ CNTT và phần mềm trong cơ cấu sản phẩm còn rất thấp. Công nghiệp phần cứng vẫn còn ở trình độ công nghệ thấp, chủ yếu là lắp ráp, chất lượng sản phẩm thấp, năng suất lao động kém, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Sau khi nghiên cứu về vùng kinh tế này, Viện Chiến lược BCVT - CNTT TP.HCM đã đưa ra dự thảo quy hoạch phát triển CNTT& Truyền thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2010, khu vực này sẽ đạt mật độ điện thoại từ 78 – 80 thuê bao/100 dân, thuê bao Internet đạt 28 thuê bao/100 dân và 50% sử dụng Internet băng rộng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp CNTT hàng năm đạt 25 – 27% và tốc độ tăng trưởng công nghiệp phần mềm và nội dung hàng năm tăng 30 – 40%. Ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT – CNTT cho biết, quy hoạch này sẽ xóa bỏ ranh giới vùng để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, nhằm phát triển kinh tế vùng trọng điểm. Như vậy, mối liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trên cơ sở hợp tác phát triển sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. Theo đó, các tỉnh nên có định hướng về CNTT-TT; soạn thảo đề xuất kế hoạch hợp tác chi tiết theo từng chuyên đề để thống nhất triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển CNTT&Truyền thông của 8 tỉnh phía Nam sẽ rất khó khăn, nhưng cần phải thống nhất, đặc biệt là hạ tầng mạng, quản lý các dự án CNTT và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo nhận định của Sở BCVT Tây Ninh, Sở BCVT Long An, việc chồng chéo trong quản lý các dự án CNTT trong tỉnh hiện đang gây ra khó khăn trong việc quy hoạch của các ngành này nên không biết phải làm quy hoạch phát triển CNTT của tỉnh ra sao. Sở BCVT Bình Dương lại băn khoăn về vấn đề Sở sẽ xây dựng quy hoạch của địa phương trước hay để đợi quy hoạch vùng? Bên cạnh đó, hiện Sở BCVT Bình Dương cũng đang lúng túng trong việc thực hiện quy hoạch CNTT & Truyền thông của tỉnh mình vì các ngành khác cũng đang triển khai như: Thuế điện tử, Hải Quan điện tử, Thương mại điện tử...

Vì vậy, trong quá trình phối hợp, liên kết hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng, rất cần có sự chia sẻ thông tin một cách kịp thời và liên tục. Bên cạnh đó, việc hợp tác phân công trách nhiệm, vừa để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vừa để tránh đầu tư phát triển trùng lặp, đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội chung. Kế hoạch phát triển chung của cả vùng chỉ có thể hiệu quả khi có được một phương thức hợp tác, điều phối thống nhất trên cơ sở các thông tin điều hành được cung cấp và cập nhật thường xuyên.

  • Tags: