ĐẤT DIỄN CHÂU… NUÔI CHÍ LÀM GIÀU

Chúng tôi sinh ra từ đói nghèo, lớn lên từ đói nghèo. Chính những chất dinh dưỡng của củ sắn, củ khoai, và ý chí, nghị lực chất chứa trong máu người dân xứ Nghệ đã giúp chúng tôi trưởng thành như ngày

Ước mơ và lòng quyết tâm… sẽ thành công

Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất hương trầm Dũng Thuận, chị Thuận không nén nổi xúc động kể lại cho chúng tôi nghe: Trên mảnh đất Diễn Thái - Diễn Châu - Nghệ An, một vùng đất chiêm chũng, quanh năm hết lũ lụt đến hạn hán. Cái nghèo nối tiếp cái nghèo. Có người chua xót chấp nhận phận mình đã nghèo từ trong trứng nghèo ra, thì đành vậy. Riêng phần anh chị, với 5 sào ruộng khoán để lo cho cả gia đình đông người quả thật trầy trật. Từ đó, anh chị quyết tâm làm giàu từ hai bàn tay của mình, để báo hiếu ông bà cha mẹ và tương lai hạnh phúc được tốt đẹp hơn. Lòng can đảm, nghị lực và sự tự tin đã giúp anh chị bắt tay vào làm giàu với những ý tưởng táo bạo - rời quê đến thị trấn Diễn Châu lập nghiệp. Song, ra phố thì bao nhiêu khó khăn, gian khổ càng chất chồng hơn, ở quê tuy nghèo, nhưng còn có mảnh ruộng. Ở thị trấn đất chật người đông, cuộc sống, làm ăn phải bon chen hết sức chật vật. Nhưng lòng đã quyết, chí đã định, anh chị quyết tâm phải làm giầu cho bằng được. Vậy là anh chị đã chọn nghề buôn bán với hai bàn tay trắng.

Từ năm 1990 đến năm 1992, anh chị vừa làm chủ lò ấp trứng gia cầm vừa xoay sở đi học nghề Đông y. Nhưng rồi kinh tế vẫn không dư giả gì, buộc anh chị phải chuyển sang nghề buôn bán quần áo. Có được một số vốn trong tay, đồng thời phát hiện nghề sản xuất hương trầm có nhiều tiềm năng phát triển, không chút lo ngại, năm 1996 anh chị bắt tay ngay vào một lĩnh vực kinh doanh không mới nhưng còn bỏ ngỏ này. Bước đầu anh chị vừa học nghề, vừa thuê nhân công lao động và đi tiếp cận thị trường. Mọi nỗ lực vượt qua những năm đầu đầy rẫy khó khăn đã giúp anh chị gặt hái được nhiều thành công. Nhờ vậy, từ năm 2000 - 2004, cơ sở của anh chị luôn đạt danh hiệu "Cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi, có từ 10 - 20 công nhân". Cuối năm 2004, chị đề nghị huyện cấp thêm đất, để cơ sở của chị có mặt bằng sản xuất 1.000m2, đủ mặt bằng sản xuất cho số lượng công nhân, tiếp tục vay vốn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Giờ đây, anh chị hoàn toàn tự hào mình đã góp phần khôi phục làng nghề truyền thống ở Diễn Châu, nơi vợ chồng anh chị sinh ra và lớn lên, giúp bà con cô bác có thêm nghề mới để xóa đói giảm nghèo…

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Đáp ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “lá lành đùm lá rách” với tình cảm “thương người như thể thương thân”, chị Thuận tâm sự: Người phụ nữ xứ Diễn Châu luôn giữ truyền thống trung hậu đảm đang, chịu thương chịu khó. Nay mình giúp họ học thêm nghề mới, giúp họ có cơ hội sản xuất, làm kinh tế giỏi là giúp chính mình phát huy tối đa khả năng, làm giàu cho bản thân, cho làng xã.

Với chị Thuận, mặc dù năm 2004 cơ sở có lãi ròng gần 100 triệu đồng, nhưng đó mới chỉ là bước đầu của cả một quá trình gian lao vất vả. Bởi 10 năm làm nghề sản xuất hương trầm, 5 năm đầu cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về vốn sản xuất, kinh nghiệm trong sản xuất, tệ hại hơn nữa là phải chống chọi hàng nhái theo mẫu mã của cơ sở. Chị Thuận cho biết, thất bại cũng nhiều, nhưng anh chị vẫn quyết tâm đạt được mục đích của mình. Khi có lãi rồi, thì phải có nhiệm vụ tạo công ăn việc làm cho hơn 140 hộ gia đình trong làng, giúp người tàn tật, các em học hết phổ thông nhưng chưa có việc làm được nhận vào làm và đào tạo miễn phí.

Theo anh chị, cơ sở sẽ còn tiếp tục mở rộng hơn nữa qui mô sản xuất. Vì đây là nghề phù hợp ở nông thôn, tranh thủ lúc nhàn rỗi, mà tỉnh lại chưa có cơ sở nào tạo dựng được về số lượng và qui mô như cơ sở của anh chị. Năm 2005, cơ sở huy động đầu tư thêm 200 tấn luồng ngâm chín kỹ cho sản xuất làng nghề, 20 tấn bột hương khô, 20 tấn bột giấy, tạo thêm các thợ kỹ thuật, với mong muốn nâng cao mức lương công nhân thấp nhất là 450.000 đồng, cao nhất là 1.500.000 đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, chị Thuận còn có tham vọng tiếp tục đi sâu vào nghề Đông y, với mong muốn chữa được bệnh cho nhân dân địa phương, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Trên thực tế, chị đã chữa trị cho rất nhiều người, ngay đến trường hợp của cháu Nguyễn Thanh Luân (sinh năm 1984) mắc chứng bệnh u tuyến đầu tuỷ, đi chữa trị nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Khi đến cơ sở Dũng Thuận cơ thể cháu chỉ còn 24 kg. Trong 4 tháng điều trị tận tình, cháu tăng được 16 kg, đến nay đã khỏi hẳn, với số tiền cắt thuốc rất rẻ, chỉ 400.000 đồng/tháng điều trị.

Năm 2002, chị Thuận được bầu vào ban Thường vụ nông dân thị trấn Diễn Châu, Chi hội trưởng Chi hội nông dân khối 6. Năm 2003, Chi hội đạt danh hiệu "Chi hội xuất sắc cấp huyện", năm 2005 được Huyện hội nông dân Diễn Châu đề nghị cấp giấy khen. Là một Chi hội trưởng, chị luôn canh cánh trong lòng là phải tìm ra phương hướng mới để xây dựng Chi hội vững mạnh, các hộ giàu ngày càng tăng. Chị nhẩm tính, thị trấn Diễn Châu là một tiềm năng phát triển, vấn đề là phải có quyết tâm, nhanh chóng tìm cách khai thác tiềm năng đó. Cần nhanh chóng phát triển cơ cấu ngành nghề, sản xuất kinh doanh, dịch vụ đa dạng, phong phú, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống ở trong dân cư…

Chia tay cơ sở sản xuất hương trầm Dũng Thuận, chúng tôi ra về với niềm vui, niềm tự hào về những con người “biết đi lên, làm giầu từ mảnh đất cằn khô”, và vẫn văng vẳng bên tai câu hát tiễn đưa:

“Có cơ sở Dũng Thuận hương thơm thấu tận trời

Tiếng đồn lan xa khắp nơi nơi

Đi xa mấy dặm còn vương vấn

Ở tận đâu đâu cũng ngọt mùi…”

  • Tags: