Ông Trư là một trong những người tán thành sự vận động thay đổi ấy. Ông vốn cầm tinh con heo nên rất có mặc cảm mỗi khi phải giới thiệu với mọi người về tuổi tác của mình. Bởi cứ mang tuổi con heo thì người ấy tất nhiên phải là hạng người lười biếng, tham ăn, ngu muội. Cũng may, bên cạnh quan điểm này vẫn còn nhiều người không đồng ý vì không muốn xáo trộn chuyện đã có từ ngàn xưa. Họ đã tỏ thái độ bất cần. Giữa thời buổi hiện đại, chẳng ai quan tâm tới con giáp làm gì.
Rõ ràng, địa vị của con heo trong mười hai con giáp tưởng như bất di bất dịch xưa nay, đang bị lung lay. Biết đâu lại không mất chức?
Heo nọc… cắn người
Có thể nói, heo nọc là một con vật được ưu đãi nhất trần đời. Nó được chọn giống cẩn thận, được chăm sóc, nuôi nấng chu đáo. Ăn no dưỡng sức chỉ để làm mỗi một công việc là đi phối giống với các nàng heo nái. Mụ heo nái nhà nào đến cơn động đực, chủ nhà đến thuê “anh chàng” về giải quyết vần đề. Phục vụ xong thiên chức heo nọc, “anh chàng” về lại chuồng cũ, được chủ tẩm bổ toàn những món ăn thức uống có chất lượng cao để đủ sức cho lần sau tiếp tục.
Mỗi lần đi lẫn về, heo nọc được chủ dẫn đường, cầm roi lùa như lùa bò. Thường thì anh chàng khệ nệ đi theo sự hướng dẫn của chủ, không hề có những phản ứng tác hại nào. Vậy mà cũng có những chú heo nọc giở chứng, hung dữ thật ghê rợn. Hồi đó, HTX Nông nghiệp ở quê tôi có tổ chức tăng gia sản xuất. Ngoài số heo thịt, heo nái, còn có heo nọc không chỉ để phục vụ cho heo nái trong trại chăn nuôi của HTX, mà còn mở thêm dịch vụ phối giống cho heo nái của các hộ chăn nuôi cá thể.
Một lần, cán bộ chăn nuôi (là một cô gái) dẫn chú heo nọc đến nhà dân theo yêu cầu, nhằm lúc buổi trưa, vào giờ học sinh tan trường. Trên đường đi, bất ngờ con heo nọc quay sang tấn công các cháu học sinh một cách thật hung hãn. Nó cứ lồng lộn xông lên, táp phầm phập vào nhóm học sinh. Các em vừa la vừa chạy tan tác. Cán bộ chăn nuôi hoảng hồn, cầm roi quất túi bụi vào con heo nọc mong ngăn nó lại. Bị ngăn cản, con heo nọc nổi cáu, liền quay ngược lại cắn vào người chủ của mình. Cô cán bộ chăn nuôi trở tay không kịp, bị con heo phản chủ cắn liền mấy phát, ngã quay ra giữa đường. May mà bà con hai bên đường xông ra can thiệp kịp thời mới cứu được. Cô cán bộ chăn nuôi đã phải mất gần cả tháng điều trị. Và dĩ nhiên, người ta đã “thanh lý” ngay chú heo nọc phản chủ ấy.
Trò con heo
Heo còn được ghép để chỉ một số loài vật khác như loài chim xấu xí hoạt động về đêm, nghe tiếng kêu ai cũng cho là xúi quẩy gọi là chim heo (lợn).
Loài cá thông minh, biết làm trò giải trí cho con người gọi là cá heo. Nhưng có một loài không giống heo chút nào, có nghĩa là không họ hàng bà con gì với lão Trư cả, lại cũng được gọi là heo. Vợ chồng sống với nhau danh chính ngôn thuận, sanh con đẻ cái nối dòng nối dõi. Đời sống tình cảm ở chốn phòng the kín đáo đều được xã hội tôn trọng. Nhưng nếu không biết ý tứ, giữ gìn, để lộ liễu cho người ngoài biết được, họ liền gán cho là làm trò con heo.
Có điều oái oăm là những người bệnh hoạn lại thích tò mò về những thứ ấy. Vì vậy, có nhiều kẻ lợi dụng để diễn trò đồi trụy, quay phim rồi lén lút bán ra ngoài. Không hiểu vì sao người ta lại gán ghép con heo vào chuyện ấy. Xét cho cùng, heo chỉ là cháu chắt của sư tổ dê, lại thua sự lắt léo của con người. Bắt loài heo phải gánh chịu cái xấu xa của con người thì quả là oan quá!
Con heo của bà nội tôi
Ngày nay, công nghiệp chăn nuôi càng lúc càng tiến bộ nên người ta có thể nuôi hàng trăm, hàng ngàn con heo trong cùng một lúc. Nhưng trước đây, nuôi được một con heo suôn sẻ từ nhỏ cho đến lúc xuất chuồng không phải là dễ. Chẳng thế mà, vào những ngày Tết, ngoài các thủ tục khác, ông bà ta còn có lệ tết chuồng. Hoặc khi xuất được một con heo, cũng phải có lễ tạ chuồng. Gọi là lễ tạ ơn “ông chuồng bà chuồng” đã hỗ trợ bình yên cho sự chăn nuôi may mắn của mình.
Hồi trước nuôi heo không dựa vào thức ăn công nghiệp. Cũng không có thú y yểm trợ vào những lúc đau bệnh như ngày nay. Người ta thái chuối cây, giã nhỏ, cho vào thùng nấu chung với các loại rau hái được ở làng quê như rau dền cơm, rau dền gai, rau xam, bèo… bỏ thêm vào một ít cám gạo. “Sang” lắm là bắp xay nêm một chút muối hột, thế là xong được một nồi cháo heo. Mỗi lần cho heo ăn, múc vào chậu một số lượng cháo nhất định, đổ thêm nước lạnh vào cho loãng ra, thế là heo có được một bữa ăn ngon lành. Con nào đến bữa ăn cứ táp phầm phập một loáng là hết, con ấy chóng ăn mau lớn, chủ được nhờ. Con nào cứ mút từng chút một, con ấy kén ăn nên sức lớn ì à ì ạch, tất nhiên chủ nuôi vừa tốn công vừa lỗ vốn.
Lúc bà nội tôi còn sống, như nhiều nhà khác trong làng, cũng có nuôi được một vài con heo trong chuồng. Một con heo từ lúc bắt đầu nuôi cho đến lúc xuất chuồng, nặng khoảng 70-80kg là nhiều. Thời gian cũng phải mất đến trên dưới một năm trời. Khi xuất được con heo này mới có vốn tính chuyện mua con heo khác thay vào.
Bà nội tôi mắt kém, nhưng việc thái chuối cây, hái rau nấu cháo, nuôi heo thật tuyệt vời. Bà cặm cụi, chăm sóc con heo chu đáo có thể nói là hơn cả người sáng mắt. Vậy mà sự cần cù nhẫn nại của bà nội tôi có lần phải chịu sự thua lỗ đáng tiếc.
Lần ấy, bà nuôi được con heo đã gần nửa năm, trọng lượng gần nửa tạ. Đang trớn ngon ăn chóng lớn, bất ngờ con heo ngã bệnh, bỏ ăn đến mấy ngày. Bà lo lắng không yên, chạy tìm thuốc Nam, hái lá cây để chữa trị, may là con heo được chữa đúng thuốc, khỏi bệnh. Lúc heo ăn lại được, bà rất mừng, cứ nghĩ cho ăn thúc để bù lại. Mỗi bữa ăn, cho thêm vào một chút muối để heo được ngon miệng hơn.
Heo khỏi bệnh thèm ăn, lại có thêm chút muối mằn mặn nên cứ tha hồ ăn. Bà nội thấy heo ăn được, lại múc cháo cho thêm vào chậu. Bất ngờ, bà nghe tiếng “bụp” từ trong bụng, con heo ngã lăn ra chết ngay tại chỗ. Bà nội tôi tiếc ngẩn ngơ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đến khi mổ thịt mới biết là bao tử heo bị bể vì ăn no quá. Về sau, kể lại chuyện này cho các con tôi nghe. Trong đám con tôi có đứa nào ăn ráng, đứa khác nói đùa: “Coi chừng như con heo của bà cố!”
Những câu chuyện tản mạn về heo vẫn còn dài, vui buồn đều có. Và Xuân Đinh Hợi đang đến gần, mong rằng đây là những mẫu chuyện vui nhằm góp chung tiếng cười với mọi người, mong bạn đọc giải trí trong ba ngày Tết.