Muốn thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), công nghiệp hỗ trợ phải đi trước một bước, tạo nên cơ sở hạ tầng để cung cấp sản phẩm đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp lắp ráp.
Theo TS. Đỗ Mạnh Hùng, Viện Công nghệ, Đại học Obirin, Nhật Bản, công nghiệp phụ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI, bởi vì bản thân các tập đoàn và các công ty lớn về lắp ráp hiện cũng chỉ giữ lại trong quy trình của mình các khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm và lắp ráp thay vì tất cả gói gọn trong một công ty hay nhà máy.
TS. Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn của tiến trình hội nhập, công nghiệp phụ trợ được xem là chìa khóa của vấn đề bởi phát triển ngành này sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, kích thích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, tạo ra sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh.
TS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản, nhận xét: “Nếu Việt Nam sản xuất tivi, máy vi tính, xe máy ngay trong nước nhưng lại phải nhập khẩu tất cả linh kiện, phụ tùng thì giá cả khó có thể cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp FDI cũng sẽ chọn các điểm đến khác, nếu họ đầu tư một nhà máy ở nơi này, nhưng lại phải đặt hàng nhập thiết bị, linh kiện từ một nơi khác”.
ở Thái Lan, ngành công nghiệp phụ trợ đã khá phát triển, do nước này đã thành lập ủy ban hỗ trợ về vấn đề này và cùng với các tổ chức chuyên lo phát triển, xây dựng, hình thành những mối liên kết công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tiến sĩ Techakanont, Đại học Thammasat, Thái Lan, cho biết: “Hiện chúng tôi có đến 19 ngành công nghiệp phụ trợ ở ba cấp: lắp ráp, cung cấp thiết bị – phụ tùng – linh kiện và dịch vụ”.
Một ví dụ điển hình của Thái Lan là trong lĩnh vực ôtô, từ chỗ từng bước nội địa hóa phụ tùng, nay Thái Lan đã xuất khẩu cả ôtô với linh kiện – phụ tùng được sản xuất tại chỗ. Tiến sĩ Techakanont cho biết: “Mặc dù chỉ có 15 nhà máy lắp ráp, nhưng Thái Lan có đến 1.800 nhà cung ứng. Chính phủ Thái Lan từ chỗ quyết định về tỷ lệ nội địa hóa (năm 1996): 40% đối với xe tải nhỏ, 54% đối với xe tải khác, đã tiến đến yêu cầu động cơ diesel phải được sản xuất trong nước”.
Hiện nay, khi đã hội đủ năng lực nền tảng của công nghiệp phụ trợ, Thái Lan có chính sách buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định trong sản xuất, kinh doanh phải thay đổi chiến lược, để tuân thủ tỷ lệ nội địa hóa nói trên. Điều này đã kéo theo những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, mà còn kéo theo các công ty, tập đoàn lớn từ chính nước họ sang đầu tư ở Thái Lan để mở thêm các cơ sở công nghiệp phụ trợ./.