1. Công nghiệp Thành phố, 30 năm nhìn lại:
Từ một nền kinh tế chủ yếu là dịch vụ (khoảng 60% GDP) nhằm phục vụ chiến tranh vào trước năm 1975, đến nay, sau 30 năm giải phóng, công nghiệp Thành phố đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của cả nước. Giá trị SXCN năm 1976 chiếm khoảng 16,8% cả nước, thì đến năm 2004 con số đó là 30% và chiếm khoảng 50% giá trị SXCN của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Số lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 200.000 người vào năm 1976, đến năm 2004 đã lên đến trên 900.000 người. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp Thành phố đã chiếm lĩnh thị trường nội địa, phát huy khả năng cạnh tranh một cách chủ động đối với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại như quạt điện, xe và máy, dệt may, chất tẩy rửa, hàng thực phẩm đóng gói,... Đồng thời thâm nhập một cách mạnh mẽ vào thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Từ việc hình thành 01 khu công nghiệp Sài Gòn với diện tích khoảng 10 ha từ trước năm 1975, cho đến nay, Thành phố đã có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao với tổng diện tích thực hiện đến năm 2004 là hơn 2.068 ha (trên tổng diện tích đất khu công nghiệp được quy hoạch là 7.000 ha). Ngoài ra, trên các địa bàn quận/huyện đã hình thành một số cụm công nghiệp nhằm thu hút sản xuất TTCN, làng nghề truyền thống và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Song song đó, công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là tăng nhanh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Nhờ tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong Thành phố đã từng bước nâng cao, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới. Năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp đang cải thiện một cách tích cực.
2. Công nghiệp Thành phố trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế khu vực:
Vào ngày 01 tháng 01 năm 2006, Việt Nam bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên trong khối ASEAN trong việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do (gọi tắt là AFTA). Việc tham gia AFTA giúp kinh tế Việt Nam tăng cường hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, phù hợp với xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cạnh tranh quốc tế góp phần đẩy mạnh hơn việc phân bổ các nguồn lực kinh tế và buộc Việt Nam tham gia vào quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác theo các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Khi đó, các nguồn lực sẽ chuyển sang các hoạt động tạo ra nhiều hơn nữa thu nhập và của cải cho nhân dân và cho đất nước.
Tham gia chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (gọi tắt là CEPT) và các hoạt động hợp tác kinh tế khác của khối ASEAN như quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ hợp tác công nghiệp và đầu tư... sẽ tạo ra tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam. Đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa trong thương mại và đầu tư. Gia nhập AFTA còn giúp Việt Nam bước đầu chấp nhận các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, chuẩn bị tạo tiền đề gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (gọi tắt là WTO) trên mọi lĩnh vực vào năm 2005. Việc gia nhập cần phải chuẩn bị tốt nội lực cả về thể chế, chính sách, nhân lực và đánh giá đầy đủ năng lực của nền công nghiệp. Nếu không thì khó có thể tận dụng những lợi ích to lớn do hội nhập mang lại, mà còn có thể gây ra tác động lệch hướng, làm đổ vỡ đối với ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp Thành phố nói riêng.
Kế hoạch 5 năm 2001-2005 của Thành phố đã bước sang năm cuối cùng. Nhìn lại những năm vừa qua, tăng trưởng giá trị SXCN vẫn giữ được mức ổn định, bình quân đạt 15,4%/năm. So sánh với mục tiêu đề ra là 14%/năm theo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần VII, đây là mức tăng trưởng đáng kể. Kết quả đạt được do sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo trung ương và Thành phố trong việc xây dựng các chương trình mục tiêu, trọng điểm, kết hợp với nổ lực không ngừng của doanh nghiệp trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý.
Tuy nhiên, với những thành quả đạt được rất đáng khích lệ của ngành công nghiệp Thành phố, chúng ta cần nhìn lại và xác định chính xác, cụ thể những tồn tại, nguyên nhân tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của ngành công nghiệp Thành phố, nhằm có những bước đi và giải pháp phù hợp.
Những tồn tại đó là:
+ Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công chế biến từ nguồn nguyên liệu nhập ngọai.
+ GTSX của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu. Giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp thấp.
+ Khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của nhiều mặt hàng công nghiệp còn thấp.
+ Thiếu sự liên kết chặt chẽ trong phát triển công nghiệp và kinh tế giữa các tỉnh thành trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung.
Những tồn tại trên bắt nguồn từ những nguyên nhân:
+ Thiếu định hướng và quy hoạch dài hạn ngành công nghiệp ở tầm vĩ mô không chỉ cho Thành phố, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Nam bộ. Quy hoạch chi tiết của từng ngành cụ thể chưa rõ ràng và chậm thực hiện.
+ Hệ thống chính sách chưa đủ mạnh và thiếu hệ thống giải pháp đồng bộ mang tầm vĩ mô để khuyến khích hỗ trợ đầu tư thuộc các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu.
+ Cơ sở hạ tầng chưa đi trước và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Thành phố. Cơ chế phối hợp và liên thông trong phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức.
+ Đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, thay đổi công nghệ tiên tiến còn chậm so với tiến trình hội nhập. Năng lực quản trị, kỹ năng của lao động chưa đáp ứng kịp với sự phát triển.
+ Cải cách hành chính và thực hiện một cửa một dấu có cải thiện đáng kể, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển.
Nhận thức rõ vấn đề, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ủy ban nhân dân Thành phố, từ năm 2003, Sở Công nghiệp Thành phố phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp - Bộ Công nghiệp đã tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp Thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, trên cơ sở có sự kết hợp giữa trung ương và địa phương, giữa Thành phố và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 188/2004/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 11 năm 2004.
Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp Thành phố, nhưng cũng là mục tiêu cam go cần phải vượt qua trong chặng đường sắp đến. Nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo quy hoạch đã được thông qua cần phải có sự đồng bộ trong nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong nhận thức, đổi mới công tác nghiên cứu tiếp thị, tiếp cận thị trường, hoàn thiện bộ máy quản lý, đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại... Hơn thế nữa, cần có sự thống nhất về chính sách và giải pháp từ trung ương đến địa phương, trên các lĩnh vực như thuế, tài chính-tín dụng, hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính, chính sách về đất đai, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tham gia hợp tác phát triển công nghiệp trong khối ASEAN, chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư phải rõ ràng, đơn giản và thông thoáng hơn,.....Có như vậy mới tạo tiền đề thiết yếu cho việc hội nhập một cách chủ động của nền công nghiệp, nền kinh tế Thành phố và cả nước vào sân chơi chung, không chỉ trong khu vực kinh tế ASEAN mà còn với cả nền kinh tế thế giới.

  • Tags: