Thái Nguyên: Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội nên quy hoạch bảo vệ môi trườ
Thực trạng môi trường công nghiệp
Tính đến nay, theo quy hoạch, toàn tỉnh Thái Nguyên có 25 khu, cụm công nghiệp (CCN), trong đó khu công nghiệp (KCN) Sông Công 1 thu hút được 32 dự án đầu tư, 1 số KCN và CCN đã kết thúc giai đoạn đầu tư bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong tổng số 25 KCN và CCN được quy hoạch chỉ có duy nhất KCN Sông Công thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại các KCN và CCN khác đề không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng chương trình quản lý chất thải và giám sát chất lượng môi trường.

Việc xử lý chất thải tại các KCN và CCN hầu hết còn manh mún, tự phát, chưa có thiết kế quy hoạch chi tiết và xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường nên việc xử lý ô nhiễm không đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tăng lên rất nhanh, từ chỗ 200 - 300 doanh nghiệp, đến nay đã tăng lên hơn 2.000 doanh nghiệp. Việc phát triển các cơ sở sản xuất nhanh chóng đã tạo sức ép lên môi trường. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, tổng lượng nước thải của ngành luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc khoảng 16.000 m3/ngày. Trong đó, nước thải của KCN gang thép Thái Nguyên có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng nước sông Cầu. Nước thải của KCN qua hai mương dẫn rồi chảy vào sông Cầu với lưu lượng ước tính 1,3 triệu m3/năm.

Hoạt động sản xuất gang thép phát sinh nước thải có chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và xianua từ quá trình cốc hóa. Tại KCN Sông Công (nằm trên thị xã Sông Công với các nhà máy sản xuất cơ khí, chế tạo máy động lực), mặc dù KCN này hoạt động từ năm 2001 nhưng đến nay mới chỉ lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo kết quả thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên thì hầu hết các nhà máy trong KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc chỉ có hệ thống xử lý lắng cặn sơ bộ rồi thải thẳng ra sông Công. Nước thải của KCN này chứa nhiều dầu mỡ, kim loại nặng do tính đặc thù của ngành sản xuất cơ khí. Không chỉ có nước thải, hệ thống xử lý khí thải của các đơn vị này cũng không đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trang thiết bị đầu tư kém đồng bộ dễ xảy ra sự cố môi trường liên quan đến khí thải. Điển hình là nhà máy kẽm điện phân của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên thường xuyên để rò rỉ khí lưu huỳnh, dioxit ra môi trường (có nồng độ đến 1,98mg/m3, vượt tiêu chuẩn môi trường hơn 2 lần) gây thiệt hại phần lớn diện tích cây trồng của nhân dân quanh khu vực. Nhà máy đã phải bồi thường gần 1 tỷ đồng cho các thiệt hại này.

Đến hành động
Trước thực trạng môi trường công nghiệp như vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Mục tiêu đến 2020, Thái Nguyên giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các KCN và CCN, khu đô thị, khu du lịch, khu khai khoáng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các KCN và CCN và chú trọng có trọng điểm trong quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, KCN và CCN bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường. Cụ thể: 90% chất thải rắn đô thị ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công; 70% chất thải rắn đô thị ở các thị trấn, 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh; 100% các KCN và CCN, 80% các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải, 80% các cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải đạt Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam; 100% số bệnh viện có trạm xử lý nước thải đạt Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam...

Để cụ thể hóa mục tiêu, trước hết, Thái Nguyên xây dựng và ban hành chính sách chung về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải, phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, xử lý chất thải và xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia quản lý bảo vệ môi trường.

Song song với việc ban hành chính sách, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong tỉnh, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân các nội dung hoạt động cần thiết bảo vệ môi trường, các chương trình trọng điểm bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ tiến hành. Tiếp theo là phải đa dạng hóa nguồn vốn và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, như: bố trí mục chi riêng cho sự nghiệp môi trường từ nguồn chi ngân sách tỉnh, đảm bảo hàng năm đạt không dưới 1% tổng chi ngân sách và tăng dần theo tốc độ phát triển kinh tế. Nguồn vốn từ thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho lĩnh vực bảo vệ môi trường...