Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá của tổng công ty dệt- may Việt Nam

Một trong những đặc điểm mà chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc là giải quyết vấn đề doanh nghiệp nhà nước trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. ở Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 5000 doanh nghiệp nhà nướ

Tổng Công ty Dệt – May Việt Nam là một trong những tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo Quyết định 91/ QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994.
Đến tháng 9/2004, Tổng Công ty có 37 doanh nghiệp hạch toán độc lập, doanh nghiệp cổ phần hóa, 12 doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, 07 đơn vị sự nghiệp.
Những tồn tại vướng mắc trong tiến trình cổ phần hoá:
Từ năm 2003 đến nay, nhận thức về cổ phần hoá của CBCNV trong Tổng công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân có tính quyết định sự chuyển biến này là Tổng công ty đã xây dựng được đề án chuyển đổi tổ chức hoạt động theo hướng tập đoàn kinh tế. Vì vậy năm 2004, danh sách các đơn vị đăng ký thực hiện cổ phần hoá tăng đáng kể, và đặc biệt tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Quyết định 155/2004/ QĐ-TTg ngày 24/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp quy định, ngành Dệt- May không thuộc diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp Dệt gặp nhiều khó khăn hơn các doanh nghiệp May. Do vậy, cổ phần lần đầu đối với doanh nghiệp Dệt sẽ khó bán, ngược lại doanh nghiệp May là chỗ dựa để Tổng công ty điều tiết hoạt động và là công cụ của Tổng công ty trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tại Tổng công ty. Vì vậy, một số DN cần thiết phải duy trì vốn Nhà nước 51%.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Dệt-May Việt Nam có một số đơn vị lớn bao gồm nhiều nhà máy thành viên đóng trên nhiều địa bàn khác nhau, nên khó có thể đồng thời cổ phần hoá toàn bộ doanh nghiệp, mà phải chia ra nhiều giai đoạn. Do vậy, chính sách cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc khi xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính trước khi thực hiện cổ phần hoá như việc tham gia định giá của các công ty tài chính, các căn cứ định giá doanh nghiệp, xử lý nợ ... đã làm chậm trễ tiến trình cổ phần hoá. Đặc biệt, đối với tài sản đã khấu hao hết, khi xác định giá trị doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá lại, làm tăng thêm vốn Nhà nước, được tiếp tục sử dụng trong thời gian trước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp không xác định được trích khấu hao theo giá trị sổ sách, hay theo giá trị đã đánh giá lại. Nếu trường hợp tiếp tục trích khấu hao thì khi xác định giá trị doanh nghiệp lại đánh giá số tài sản đó một lần nữa.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc về chi phí cổ phần hóa, đào tạo lại người lao động, giải quyết lao động dôi dư rất cần thêm những hướng dẫn cụ thể.
Để hoàn thành được nhiệm vụ cổ phần hoá nói trên, Tổng Công ty Dệt-May Việt Nam cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu dưới đây :
1. Nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ Đảng viên trong toàn Tổng công ty về sự cần thiết CPH DNNN.
Các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo pháp luật có trách nhiệm giám sát và tổ chức vận động người lao động chấp hành nghiêm túc quyết định về cổ phần hoá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của chủ sở hữu doanh nghiệp mà Tổng công ty là người đại diện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập rộng rãi kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường, pháp luật về doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, về công ty cổ phần, quyền và nghĩa vụ của cổ đông, đặc biệt đối với người lao động trực tiếp trong công ty cổ phần để làm việc và hành xử đúng quy định.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác cổ phần hoá; đồng thời áp dụng các chế tài thích hợp đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt hoặc cố tình gây khó khăn, cản trở cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
2. Đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần, khắc phục việc bán cổ phần khép kín trong nội bộ doanh nghiệp và chống thất thoát tài sản Nhà nước
Xoá bỏ việc xác định giá trị doanh nghiệp thông qua hội đồng. Thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp thông qua các tổ chức chuyên nghiệp để nâng cao tính minh bạch trong định giá. Ngoài 44 tổ chức đã được Bộ Tài chính công bố, cần xem xét bổ sung thêm, kể cả các tổ chức nước ngoài để tăng thêm tính cạnh tranh trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp.
Thực hiện lành mạnh hoá tài chính của các doanh nghiệp trước khi chuyển sang công ty cổ phần. Những tài sản, công nợ đã loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá phải chuyển giao ngay cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp tiếp tục thu hồi, xử lý.
Bổ sung quy định về xác định giá trị tài sản là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai mới ban hành năm 2003.
Để CPH thực sự gắn với thị trường, tránh thất thoát tài sản, góp phần đấu tranh chống tham nhũng (đặc biệt đối với trường hợp bán cổ phần chỉ trong nội bộ doanh nghiệp), khi CPH, giá bán cổ phần lần đầu phải thực hiện trên cơ sở đấu giá cổ phần. Kiên quyết xoá bỏ cơ chế bán cổ phần theo giá sàn cho người lao động doanh nghiệp và người trồng, cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp. Toàn bộ cổ phần phát hành lần đầu phải được bán theo giá thị trường thông qua đấu giá: Đấu giá trực tiếp tại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp CPH có khối lượng cổ phần bán ra từ 1 tỷ đồng trở xuống; đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá có khối lượng bán ra trên 1 tỷ đồng; trường hợp doanh nghiệp CPH có khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng thì tổ chức bán đấu giá cổ phần tại trung tâm giao dịch chứng khoán để thu hút các nhà đầu tư.
Tiếp tục thực hiện bán cổ phần ưu đãi cho người lao động với mức giá được giảm 40% so với giá đấu bình quân.
Thực hiện chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước (những người cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm lâu dài, có tiềm năng về tài chính, năng lực quản lý tốt...) mua cổ phần với mức tối đa 20% số cổ phần bán ra bên ngoài và với giá ưu đãi giảm 20% so với giá đấu bình quân.
3. Tăng cường quản trị công ty cổ phần, nâng cao vai trò của cổ đông Nhà nước, thực sự đưa công ty sau cổ phần hoá hoạt động trong môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý công ty cổ phần, người lao động, cổ đông về quyền hạn, trách nhiệm của cổ đông, của các cơ quan quản lý trong công ty cổ phần, trình tự thủ tục thông qua các quyết định quan trọng của công ty, tính minh bạch và chế độ công bố thông tin, trình tự và phương pháp giải quyết các tranh chấp trong công ty cổ phần... nhằm làm cho cổ đông, đặc biệt cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp, hoặc làm chủ mang tính hình thức của người lao động do không hiểu pháp luật. Đổi mới thực sự phương thức quản lý và điều hành công ty cổ phần; có quy định bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số.
Thống nhất tiêu chuẩn người đại diện sở hữu cổ phần nhà nước và người trực tiếp quản lý cổ phần Nhà nước tại công ty cổ phần. Tăng thẩm quyền và trách nhiệm đối với người đại diện. Quy định rõ cơ chế phối hợp giữa những người quản lý trực tiếp phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm lợi ích của cổ phần Nhà nước, tránh tình trạng các cá nhân quản lý trực tiếp phần vốn Nhà nước có ý kiến biểu quyết khác nhau. Quy định cụ thể những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước thì người trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước cần xin ý kiến của cơ quan, doanh nghiệp đại diện phần vốn Nhà nước trước khi biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Nghiên cứu, bổ sung quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người trực tiếp quản lý phần vồn Nhà nước tại công ty cổ phần.
4. Tăng cường chỉ đạo CPH trong toàn bộ Tổng công ty
Tập trung chỉ đạo, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đơn giản hóa thủ tục trong các bước. Rút ngắn thời gian thực hiện các bước trong quá trình thực hiện cổ phần hóa một doanh nghiệp từ 536 ngày (đối với các Tổng công ty 91) xuống còn 200 ngày. Trong đó, tập trung vào các khâu: Thành lập Ban đổi mới doanh nghiệp - bắt đầu định giá (hiện kéo dài từ 120 đến 210 ngày) ; bắt đầu định giá - quyết định giá trị doanh nghiệp (hiện kéo dài từ 130 đến 148 ngày) ; quyết định giá trị doanh nghiệp - phê duyệt phương án (hiện kéo dài từ 62 đến 73 ngày) ; phấn đấu tổng cộng 3 khâu này chỉ kéo dài không quá 100 ngày.
Hội đồng quản trị của Tổng công ty chủ động trong việc hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giải quyết các tồn tại về tài chính và lao động trước khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định hiện hành, tránh tình trạng để đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa mới xử lý, dẫn đến chậm trễ hoặc không thực hiện cổ phần hóa được do sau khi xử lý thì không còn vốn Nhà nước để cổ phần hóa.

  • Tags: