Hàng hoá Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang hầu hết các châu lục và có mặt trên thị trường hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, kim ngạch và tỷ trọng xuất khẩu vào một số quốc gia và khu vực được thể hiện ở bảng sau:
Nhìn chung, qui mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã được mở rộng và tăng trưởng khá cao, hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu hàng công nghiệp xuất khẩu có chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như dệt may, giày dép, thuỷ sản chế biến... Nhiều mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao đang và sẽ là những hạt nhân quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam những năm tới, như sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện máy tính, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa... Công tác phát triển thị trường xuất khẩu thu được nhiều kết quả quan trọng, vừa mở thêm thị trường mới, vừa thâm nhập và khai thác tốt hơn những thị trường hiện có. Các chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam còn một số hạn chế. Cụ thể là qui mô xuất khẩu còn nhỏ bé; Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc và rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài như sự biến động giá cả trên thị trường thế giới (đặc biệt là giá dầu thô) hay sự xuất hiện các rào cản thương mại mới của nước ngoài; Cơ cấu mặt hàng chưa hợp lý, thể hiện trên cả ba phương diện: (i) chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, chậm xuất hiện những mặt hàng xuất khẩu mới có đóng góp kim ngạch đáng kể; (ii) giá trị gia tăng còn thấp, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, điện tử và linh kiến máy tính... còn mang nặng tính gia công, lắp ráp; (iii) quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng công nghiệp hoá diễn ra chậm và chưa có giải pháp cơ bản, triệt để. Về thực chất, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng, chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn; Chưa tận dụng triệt để lợi ích từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực đã ký kết giữa Việt Nam và các đối tác để khai thác hết tiềm năng của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc; Năng lực cạnh tranh còn yếu kém ở cả 3 cấp độ (nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm). Trong đó, những hạn chế từ phía doanh nghiệp khắc phục chậm: phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực, kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế còn yếu, chưa có chiến lược kinh doanh, xuất khẩu dài hạn, mức độ thụ động còn cao; Công tác tổ chức các mạng lưới đại diện, đặc biệt về thương mại, ở nước ngoài còn nhiều yếu kém, chưa thực sự hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu, các chương trình XTTM còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao.
2. Kế hoạch xuất khẩu giai đoạn 2006-2010
Trong giai đoạn 2006-2010, ngành công nghiệp lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển và là thước đo khả năng hội nhập chủ động vào kinh tế khu vực và thế giới; Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.
Mục tiêu của nước ta tới năm 2010, kim ngạch xuất khẩu là 68-69 tỷ USD, chiếm khoảng 70-71% GDP. Phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp từ 75,8% năm 2005 lên 77-78% vào năm 2010 để đạt kim ngạch khoảng 52-55 tỷ USD. Tập trung tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm sản phẩm chế biến, chế tác từ 50% hiện nay lên 65-70%, trong đó hàng dệt may khoảng 10 tỷ đôla, hàng giày dép 6,5 tỷ đôla, hàng điện tử và linh kiện máy tính 4 tỷ USD sản phẩm gỗ 5 tỷ USD. Tiếp tục phát triển các mặt hàng có tiềm năng khác như dây và cáp điện, đóng tầu, sản phẩm cơ khí, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ; giảm dần tỷ trọng xuất khẩu nguyên nhiên liệu và khoáng sản.
Trong kế hoạch thị trường 2006-2010, dự kiến khu vực thị trường châu á giảm dần tỷ trọng từ 48,8% năm 2006 xuống 45,5% năm 2010, song vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Âu tăng nhẹ, với tỷ trọng từ 18,2% năm 2006 lên 20% vào năm 2010. Xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ tăng dần tỷ trọng từ 21,5% năm 2006 lên 24% vào năm 2010. Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Phi tăng khá từ 2,2% năm 2006 lên 2,8% năm 2010. Khu vực thị trường châu Đại Dương có tỷ trọng giảm không đáng kể từ 7,8% năm 2006 xuống 7,7% năm 2010 (Xem bảng 2).
3. Một số giải pháp chủ yếu
Để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: Đẩy mạnh đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu; Đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất; Hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thiết kế mẫu mốt; Khai thác nguyên liệu đầu vào có hiệu quả nhất, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế; Hình thành các trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào trên cơ sở khai thác các lợi thế của Việt Nam và của các nước có nguồn cung cấp; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đẩy mạnh các hoạt động và nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn sản phẩm với thị trường để đảm bảo hàng hoá Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường đó. Với những thị trường mới, cần đẩy mạnh XTTM những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh như: chế biến thuỷ sản, dệt may, da giầy, điện tử, đóng tàu, đồ gỗ. Với những thị trường truyền thống, cần duy trì và mở rộng thị phần của hàng hoá đang có lợi thế cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh XTTM và giới thiệu những sản phẩm mới, những sản phẩm công nghiệp tiềm năng như: linh kiện điện tử, dây và cáp điện, phần mềm, cơ khí chế tạo, sản phẩm từ công nghệ mới.
Xác định việc cung cấp thông tin thương mại cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp định hướng thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các kênh cung cấp thông tin thông thường như phát hành ấn phẩm, phương tiện truyền thanh, truyền hình, tập huấn cần đầu tư khai thác lợi ích to lớn của công nghệ thông tin để cung cấp một cách nhanh chóng và hiệu quả cho doanh nghiệp. Các thông tin thương mại cung cấp cần kết hợp giữa thông tin tổng quát với các thông tin cập nhật nhằm giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt nhanh các cơ hội trước mắt cũng như có định hướng chiến lược cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.