Thông tư số 11/2000/TT-BKH Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số 06/1999/TT-BKH ngày 24 tháng 11 năm 1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung tổng mức đầu tư, hồ sơ

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

 Số: 11/2000/TT-BKH

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 

 

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2000

 

THÔNG TƯ

 

Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số 06/1999/TT-BKH
ngày 24 tháng 11 năm 1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung
tổng mức đầu tư, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và báo cáo đầu tư

 

 

Thực hiện các quy định tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999; theo yêu cầu của các Bộ và địa phương nên đơn giản thủ tục cho các dự án nhỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung phần Báo cáo đầu tư tại mục III của Thông tư số 06/1999/TT-BKH ngày 24 tháng 11 năm 1999 như sau:

 

III/ BÁO CÁO ĐẦU TƯ

 

3.1/ Báo cáo đầu tư được áp dụng đối với các dự án có mức vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng, các dự án sửa chữa, bảo trì sử dụng vốn sự nghiệp và các dự án của các ngành đã có thiết kế mẫu và tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ quản lý ngành phê duyệt trên cơ sở phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng hoặc kế hoạch trung và dài hạn.

 

3.2/ Nội dung báo cáo đầu tư:

 

1/ Căn cứ pháp lý và sự cần thiết đầu tư:

 

+ Ghi rõ các căn cứ pháp lý như các Quyết định của cấp trên, kế hoạch đã được phê duyệt...

 

+ Giải trình tóm tắt lý do cần phải đầu tư công trình.

 

2/ Tên dự án và hình thức đầu tư.

 

(Hình thức đầu tư cần được ghi rõ là xây dựng mới, cải tạo, mở rộng hay duy trì).

 

3/ Chủ đầu tư (ghi rõ tên cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân làm chủ đầu tư).

 

4/ Địa điểm và mặt bằng:

 

Ghi rõ tên xã (hoặc được phố, phường) thuộc huyện (quận)

 

Đối với các dự án có kiến trúc xây dựng như trường học, trạm xá, nhà văn hoá... cần ghi rõ phần diện tích mặt bằng được phép sử dụng.

 

5/ Khối lượng công việc: Khối lượng công việc đầu tư được ghi theo đơn vị thích hợp và được tính trên cơ sở định mức đơn giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.

 

6/ Vốn đầu tư và nguồn vốn:

 

- Tổng số vốn đầu tư:

 

- Nguồn vốn:

 

+ Ngân sách cấp, trong đó:

 

   . Vốn ngân sách trung ương (nếu có nguồn tài trợ của nước ngoài cũng cần ghi rõ).

 

   . Vốn ngân sách địa phương.

 

+ Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

 

+ Các nguồn vốn khác.

 

7. Thời gian khởi công và hoàn thành:

 

Đối với các dự án sản xuất kinh doanh, ngoài những nội dung nêu trên, cần bổ sung:

 

- Sản phẩm (dịch vụ) và quy mô công suất.

 

- Thiết bị (ghi rõ giá trị và nguồn cung cấp).

 

- Nguồn cung cấp nguyên liệu.

 

- Khả năng trả nợ (nếu là vốn vay) và thời hạn hoàn vốn.

 

- Biện pháp bảo vệ môi trường (nếu dự án có tác động xấu tới môi trường).

 

Đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 100 triệu đồng, tuỳ theo yêu cầu của dự án, không nhất thiết phải nêu chi tiết các mục kể trên.

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

  • Tags: