Giao thông vận tải là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển của một đất nước, một thành phố. Nói cách hình ảnh, muốn kinh tế xã hội phát triển thì giao thông phải đi trước một bước.
Hiện tại, toàn tỉnh Thái Bình có trên 5.800km đường ô tô, mạng lưới đường bộ có mật độ 1,85km/km2. Trong đó, đường quốc lộ có chiều dài là 107,78 km với 2 tuyến quốc lộ chính: quốc lộ 10 dài hơn 40 km là đường cấp III đồng bằng chạy suốt từ tây sang đông, nối liền với Nam Định và Hải Phòng qua cầu Tân Đệ và cầu Nghìn. Quốc lộ 39 hiện là đường cấp IV đồng bằng, dài 57 km, chạy dọc trục nam – bắc, nối cảng Diêm Điền với Hưng Yên và các tỉnh phía bắc qua cầu Triều Dương. Đến năm 2010, ngoài 2 quốc lộ 10 và 39, Thái Bình sẽ chuyển tỉnh lộ 39 lên thành quốc lộ, mở thêm 1 tuyến quốc lộ chạy ven biển qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá. Tất cả các tuyến quốc lộ này sẽ được cải tạo và nâng lên cấp III đồng bằng, đường cao tốc theo quy định của Bộ GTVT. Ngoài ra, Thái Bình còn có 302km tỉnh lộ, với 22 tuyến là đường cấp IV, cấp V nối liền các trung tâm văn hoá xã hội, kinh tế trong tỉnh, thường xuyên được duy tu, nâng cấp. Đường huyện, xã, thôn đều được rải đá, láng nhựa hoặc bê tông hoá. 100% xã trong Tỉnh có đường ôtô tới trung tâm xã. Đến năm 2010, các tuyến tỉnh lộ sẽ được cải tạo với quy mô cấp II đồng bằng, huyện lộ lên cấp IV đồng bằng, đường xã đạt cấp V đồng bằng và đường thôn xóm đạt cấp A, cấp B.
Năm 2006, trên địa bàn Tỉnh đã có nhiều cầu bắc qua sông lớn, có quy mô vĩnh cửu như cầu Tân Đệ, cầu Nghìn, cầu Trà Lý, cầu Nguyễn, đáp ứng được lưu lượng xe chạy qua tỉnh. Đến năm 2010, một số cầu lớn sẽ được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện như cầu Hồng Quỳnh sang Hải Phòng, cầu Cồn Nhất sang Nam Định, cầu Hiệp sang Hải Dương, cầu Tịnh Xuyên trên đường 223.
Có thể nói, hệ thống đường bộ được xây dựng và phát triển đúng quy hoạch, có tính bền vững đã phá vỡ phần nào thế đơn độc của tỉnh, đồng thời huy động được mọi nguồn vốn để xây dựng đường có chất lượng tốt đến các trung tâm kinh tế lớn trong tỉnh, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn, giúp xoá đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, vận tải hàng hoá và hành khách cũng được xã hội hoá cao, tỷ lệ tăng trưởng đạt trung bình 10%/năm. Để nâng cao chất lượng phục vụ, ngành GTVT Thái Bình dự kiến đến năm 2010 sẽ nâng cấp 14 bến xe cũ và xây dựng thêm 2 bến xe mới. đồng thời đầu tư và đổi mới phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Vận tải biển và pha sông biển ở Thái Bình cũng phát triển mạnh mẽ, với đội ngũ tàu biển tư nhân mạnh nhất toàn quốc. Hiện tại, cảng biển Diêm Điền đã được nâng cấp cho tàu 600 tấn ra vào lấy hàng. Đến năm 2010, Thái Bình sẽ xây dựng mới cảng sông Tân Đệ cho tàu 1.000 tấn. Có thể nói, giao thông vận tải Thái Bình trong những năm qua đã không ngừng được cải tạo và nâng cấp phát triển mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng, nên đã rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hoá và đi lại của hành khách.
Từ nay đến năm 2010, Thái Bình sẽ phát triển thêm các loại hình giao thông khác như đường sắt nối từ cảng Hải Phòng sang thành phố Nam Định đi qua Thái Bình, xây dựng sân bay trực thăng để phục vụ phát triển kinh tế và du lịch ở thành phố Thái Bình và khu kinh tế du lịch Cồn Vành. Khi các tuyến đường này được hoàn thành, chắc chắn kinh tế Thái Bình sẽ phát triển một cách toàn diện, đồng thời sẽ là điều kiện rất thuận lợi để thu hút đầu tư và khách du lịch…
Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.