Được và mất!

Tại Hội nghị Tư vấn về Chế biến sâu quặng Ti tan tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/12/2003, do Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức, hàng chục bản tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý

Cầm trong tay Công văn số 23/ CV - CLH của Bộ Công nghiệp, do Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào ký ngày 2/1/2004, gửi Thủ tướng Chính phủ, có đoạn đề cập tới “ nạn khai thác thổ phỉ và hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư bất hợp pháp trên lĩnh vực khai thác quặng Ti tan” tôi vào miền Trung vào một ngày áp Tết Giáp Thân.
Địa chỉ thứ nhất: Mitraco ha tinh
Mitraco Hà Tĩnh là tên gọi tắt giao dịch tiếng Anh của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (HaTinh Mineals and Trading Cop oration ). Còn dân Hà Tĩnh thì gọi đúng tên khai sinh của nó “Công ty Ti tan”.  Nhưng với bà con vùng nghèo thì lại gọi “Công ty bác Cự “. Cách gọi ấy đã nói lên nghĩa tình người dân Hà Tĩnh, đúng như câu thơ Huy Cận đã viết: “Đất này tình nghĩa, đất này thuỷ chung.’’ Mười hai năm trước (1989-1992) cũng vì tình nghĩa với mảnh đất này, Giám đốc Võ Kim Cự đứng ra lĩnh trách nhiệm trước lãnh đạo Tỉnh và các ngành chức năng, đã dẹp được loạn đua nhau đi khai thác Ti tan của “24 sứ quân”, mỗi sứ quân cát cứ một vùng mỏ 20 héc ta với cái gọi là “khai thác tận thu” nhưng thực chất là đua nhau đào bới tan hoang như bãi chiến trường, suốt chiều dài từ biển Cẩm Xuyên vào tới Kỳ Anh, dài hàng chục cây số. Có một Giám đốc như ông Cự, sinh ra đúng năm Đinh Dậu (1957) tại  vùng đất Cẩm Xuyên, nên ông thấu hiểu cái nghèo của quê hương hơn ai hết. Ông có suy nghĩ, Hà Tĩnh nghèo, còn một chút trời phú cho là quặng Ti tan lấp vùi trong cát trắng, nếu không biết giữ thì chẳng còn. Ông đã tập hợp được những cán bộ nhiệt tình và tâm huyết như: Lê Văn Lịch, Nguyễn Văn Bình, Phạm Như Tâm, Nguyễn Văn Nga, Dương Xuân Hoà, Nguyễn Thị Hà... cho tới những cán bộ chủ chốt các phòng ban, xí nghịêp như: Bùi Văn Bang, Lê Văn Nhị, Thái Văn Tiến, Nguyễn Trọng Tuyên...làm nên sức mạnh tập thể, lập lại kỷ cương trong việc khai  thác  chế biến quặng Ti tan, thành một đầu mối thống nhất với mô hình Tổng Công ty gồm 18 đơn vị thành viên, 2400 lao động, hơn 200 kỹ sư các chuyên ngành. Mitraco Hà Tĩnh trở thành doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật.
KS.Thái Văn Tiến và KS. Nguyễn Trọng Tuyên cùng tôi trên chiếc xe hai cầu Mitsubishi theo đường 14 từ Thiên Cầm đi vào vùng mỏ Cẩm Xuyên bao gồm các xã Cẩm Hoà, Cẩm Thăng, Cẩm Nhượng, Cẩm Sơn. Một vùng mỏ mênh mông cát trắng chạy dọc theo bãi biển sóng vỗ trắng bờ. Anh Tiến chỉ tay dọc theo giải cát có trồng cây keo tai tượng đã cao quá đầu người, giới thiệu rằng, toàn bộ vùng này là mỏ đã khai thác xong, hoàn thổ và trồng cây, mới vài ba năm mà cây đã xanh tốt. Vẫn lời anh Tiến: “Anh cứ nghĩ mà coi, nhà nông đất cho hạt lúa, cánh khai thác tụi tôi đất cho quặng Ti tan, mình đãi trong cát ra quặng nuôi mình thì cũng biết trả lại cho cát màu xanh tình nghĩa.” Lời tâm sự của anh Tiến về khai thác Ti tan cứ kéo dài và dập dình theo bánh xe lăn: “Chúng tôi khai thác theo lối cuốn chiếu, khai thác đến đâu triệt để đến đó. Những vùng có hàm lượng cao, người ta đã đào bới hết từ mấy năm “ xưng hùng xưng bá”. Nay lập lại kỷ cương, chúng tôi đã khai thác cả những điểm hàm lượng chỉ có 1% đến 1,5 % và quặng thải chỉ còn là 0,02%, thấp hơn quy định của Nhà nước là 0, 5% đến 1%. Có thể nói là không còn gì để lấy nữa thì mời các cơ quan chức năng về quản lý tài nguyên môi trường xác nhận, hoàn thổ, trả lại mặt bằng cho dân canh tác. Chúng tôi lại kéo máy sang vùng khác, để lại cho dân hưởng lợi từ những cơ sở hạ tầng đã xây dựng.” Qua lời anh Tiến kể và sự thật mà tôi đang chứng kiến thì cách làm của các anh có bài bản và đầy tinh thần trách nhiệm trước Hà Tĩnh nói riêng và đất nước nói chung. Bởi tài nguyên quý giá này cũng có giới hạn, nên TS. Lê Ai Thụ và các nhà khoa học cảnh báo trong Hội thảo rằng, những nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc đang có chính sách hạn chế khai thác khoáng sản Ti tan trong nước họ, tăng cường nhập khẩu tinh quặng để chế biến.
Mỏ Kỳ Khang cũng là một trong hai mỏ lớn nhất của Hà Tĩnh. Cũng giống như ở mỏ Cẩm Hoà tôi vừa đi qua với cách làm giống nhau là tất cả vì sự phát triển bền vững của Công ty. Xe qua một vùng cát thải có màu trắng tinh sau khi đã qua nhiều lần tuyển tách quặng, anh Tuyên giải thích rằng, cát thải sẽ được làm nguyên liệu cho Nhà máy gạch Block dùng xây tường nhà, lát hè đường, công viên, sân chơi, hiện nay đang sản xuất tại Cẩm Xuyên.
Một làng mới với những dẫy nhà mái ngói tường xây, được xây cất theo quy hoạch bàn cờ, tiện cho giao thông, cho đường điện sinh hoạt. Đây là làng Trung Tân thuộc xã Kỳ Khang, nằm trên vùng quặng nên phải di dời. Tôi hỏi anh Tuyên: “Làm cách nào mà các anh di chuyển một cái làng 205 hộ dân  đẹp  như thế?” Anh Tuyên chỉ qua anh Lê Xuân Nhị là Giám đốc Xí nghiệp Ti tan Kỳ Anh: “Có anh Nhị trong ban di dời biết, chúng tôi nghĩ lại thì thấy không khác gì chuyện ông Ngu Công thời xưa dời núi. Tháng 4-2002 dời dân về nơi ở mới chỉ sau chưa đầy 1 năm vừa họp dân làm công tác tư tưởng vừa đền bù, vừa phải kéo 3 cây số đường điện hạ thế, 25 cây số đường ô tô, gần 3 cây số kênh bê tông thoát nước, 1 hội trường văn hoá và trường mầm non có diện tích 1500 m2... nghĩa là khi dân tới ở là nhu cầu thiết yếu đã đủ, chỉ riêng nước sạch sinh hoạt chúng tôi phải khoan thăm dò lấy mẫu gửi ra tận Hà Nội để phân tích.”
Chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà mới xây còn sáng màu vôi tường vàng ánh. Trước nhà có dựng chiếc xe máy mới làm sáng cả góc sân. Nhìn vào trong nhà thấy có cả chiếc tủ bán kem, vô tuyến màu. Anh Nhị giới thiệu ngôi nhà này là nhà của bác trưởng thôn có tên Nguyễn Viết Xuân, rồi anh  cất tiếng chào. Một người đàn ông trạc tuổi ngoài 40, bước ra, tay bắt mặt mừng mời chúng tôi vào nhà. Anh tự tay rót bát nước chè xanh sánh vàng mời khách. Tôi hỏi trưởng thôn: “Bác thấy thế nào sau khi về làng mới?” Giọng trưởng thôn xúc động chân tình: “Các anh cứ nhìn thì biết, làng mới và làng cũ cách nhau rẻo đất, bỗng chốc bà con Trung Tân được “đổi đời” là nhờ bác Cự  Ti tan.”
Qua lời tâm sự, tôi được biết, sau khi được di dời thì 70 % hộ dân mua được xe máy, người dân Trung Tân có cảm giác như từ ngòi được ra sông, tuy có luyến tiếc mảnh vườn xưa, nhưng cái được là cơ bản. Trưởng thôn Nguyễn Văn Xuân cho biết, bình quân mỗi hộ được đền bù 50 triệu đồng cộng với 5 triệu tiền gạo trong 6 tháng, nên đảm bảo được cuộc sống khi di dời, khác với kiểu di dời “ đem con bỏ chợ” như một số nơi. Tôi có cảm nghĩ là ở Hà Tĩnh, doanh nghiệp này đã gắn kết với người dân, cái lợi nhuận không đơn thuần một phía, chỉ riêng dời làng Trung Tân, Mitraco Ha Tinh đã chi tới 1 triệu Đôla Mỹ (khoảng 16 tỷ đồng).
ĐịA CHỉ THứ HAI: bãI BIểN QUảNG Bình
Chúng tôi vượt Đèo Ngang đúng buổi chiều tà, lòng xốn xang trước cảnh tình người và đất như câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan thuở nào. Trời bữa nay đột nhiên nóng bức, báo hiệu một đợt gió mùa đông bắc bổ  sung. Tôi xuống xe lội bộ qua vùng cát thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, là khai trường đào Ti tan của Công ty XNK Quảng Bình. Những cụm vít tuyển được dựng lên dọc theo bãi biển đang hối hả dũi cát với những đường ống trông như vòi con bạch tuộc. Quặng tuyển thô, còn ướt, được xúc thẳng lên xe chở đi bán, chưa hề qua khâu tuyển tinh. Chiếc xe tải IFA mang biển số 73L- 2200 chất đầy thùng quặng được trùm kín bạt, hối hả chạy ra hướng cảng Hòn La. Nhìn cung cách khai thác này, tôi có cảm nhận, người ta vội vã đào bới, vội vã khai thác, vội vã “ăn non” không có bài bản. Có thể ví lối khai thác và xuất khẩu này giống như kiểu “đem lúa non đi bán’’. Gặp dịp bán giá 85- 90 USD/ Tấn, không gặp thì 65-70 USD/Tấn cũng bán, mỗi tấn mất đứt vài chục USD. Tôi ái ngại nhìn những cồn cát thải kia, liệu chừng dưới đó còn quặng thì sao đây? Thật khó mà tìm một vùng gọi là hoàn thổ, trồng lên đó cây xanh, để gọi là trả nghĩa tình cho đất, chí ít được như Hà Tĩnh.
Tôi vào văn phòng của Công ty đặt tại khai trường. Ông Chinh phó giám đốc đang gọi điện ra cảng chuẩn bị mọi thủ tục để tàu Bến Thuỷ vào ăn hàng. Có lẽ ông Chinh biết chúng tôi tò mò chuyện Ti tan, nên ông  từ  chối khéo với lý do bận việc đột xuất. 
Chúng tôi vào xã Ngư Thuỷ thuộc huyện Lệ Thuỷ. Ngư Thuỷ là xã nghèo vùng cát, nơi một thời nổi danh trung đội pháo binh của 37 nữ dân quân bắn cháy tàu chiến Mỹ trong cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua. Ngư Thuỷ hôm nay có khác chăng là trên mỗi con đường cát, đã được đổ một lớp sỏi cho ô tô, xe máy dễ đi, còn đa phần vẫn là những mái nhà tranh nghèo của ngư dân quanh năm gió lùa thống thoác. Tôi lội suốt chiều dài 4 thôn Liên Tiến, Nam Tiến, Liên Bắc, Liên Nam của xã Ngư Thuỷ, có tới 3 cụm vít tuyển Ti tan đang đua nhau đào bới, thuộc Công ty Thương mại Quảng Bình. Vẫn là phương thức tuyển quặng thô đem bán. Cả một vùng làng cát đã nghèo, thì nay dọc biển còn bị đào bới đến thậm tệ. Tôi hỏi một công nhân đang trực ca tại cụm vít tuyển thôn Liên Bắc là mỗi ca được bao nhiêu? Anh cho biết: “Khoảng 3 tấn, mỗi ngày chúng em làm 3 ca.” Tôi nhẩm tính cụm vít tuyển này đã hoạt động được gần 2 tháng, lấy tròn số có 500 tấn quặng thô, vậy đã 2 năm nay, hàng chục ngàn tấn quặng đã được “rút” từ lòng cát Ngư Thuỷ – một xã Anh hùng – nhưng có lẽ là nghèo nhất Việt Nam.
Nhưng Ngư Thuỷ được hưởng lợi gì? Tôi hỏi chuyện anh ngư dân Lê Văn T. (xin được dấu tên ) và một số bà con đang phơi lưới. Anh T.  cho biết: “Có 2 người Trung Quốc thỉnh thoảng qua lại. Nghe nói là hợp tác đầu tư chi đó. Quặng thì thuê mấy mụ đàn bà dân bầy tui đi bốc buổi đêm, chở ra ngoài cảng sông Gianh, 25 ngàn đồng tiền công 1 xe 10 tấn. Mụ vợ nhà tui làm cả tháng ni chưa được thanh toán. Đền bù cho dân thì rẻ mạt, dân đề nghị 8000đ/m2, họ chỉ đền 2.200đ/m2, đến nay chưa thấy chi.” Tôi hỏi lại anh T. và bà con: “Sao không đề nghị với Uỷ ban xã?’’ Mấy người đồng thanh: “Đề nghị mấy lần, nhưng cán bộ xã “nạt” cho thì “ miềng “(mình) khó ở !” Phận người dân là vậy.
Lần xuống cụm vít  tuyển thôn Liên Nam thì vẫn là cái cảnh như Liên Bắc. Tôi gặp bác Lê Văn Vọi tuổi đã ngoài 70. Có lẽ ở cái tuổi gần đất xa trời như bác thì chẳng cần dấu tên như anh ngư dân T. làm gì. Cụm vít tuyển này đang đào bới sát cồn cát nhà bác Vọi, bác cho biết: “Năm trước, giá đền bù là 500đ/m2, nhà bác có sào đất 500m2(sào Trung bộ) được đền 250 ngàn đồng. Đào bới xong, họ kéo máy đi không hoàn thổ cho dân, bác phải thuê 3 công san lấp mất 75 ngàn đồng mới có đất trồng khoai lang.’’ Bác Tỳ vác cuốc đi qua, thấy tôi ghi chép, bác tưởng là cán bộ địa chính nên bác kiến nghị: “Mấy ông xem cát thải cứ đùn từng cồn cao ra biển, phía trong thì đào khoét, không chịu hoàn thổ, không trồng cây, cát bay lấp hết ruộng dân, mấy ông đo đạc lại cho dân bầy tui đỡ thiệt.’’
Bờ biển Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận, nơi mà thứ cát trắng có chứa một thứ quặng màu đen được gọi là Ti tan, đã có quá nhiều các doanh nghiệp đua nhau khai thác theo kiểu “ thổ phỉ ‘’ với danh nghĩa khai thác tận thu thì làm sao giữ được nguồn tài nguyên quý giá này ?
Thay lời kết
Ông Võ Kim Cự, Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh dành cho chúng tôi trong khoảng thời gian rất ngắn cuối ngày, sau khi đã tiếp xong 3 đoàn khách: Văn phòng Quốc hội, Bộ Công nghiệp Lào và đoàn thương gia Hàn Quốc. Tác phong làm việc nhanh, quyết đoán và bản lĩnh của một người từng trải qua thử thách, ông thông báo:
- Năm 2003, Tổng Công ty đạt  tăng trưởng 38 %, doanh thu hơn 300 tỷ đồng, xuất khẩu được 15 triệu USD (bằng 50 % thu nhập cả tỉnh Hà Tĩnh) nộp ngân sách 14,2 tỷ đồng, lương bình quân 1,25 triệu đồng/người/tháng, đang xây dựng khu du lịch Vũ Quang, mở rộng khách sạn thiên ý 2 đạt 3 sao, đủ 100 phòng, đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc.. tất cả từ quặng Ti tan mà ra. Đó là sự thật, là cái được, là đứng trên đôi chân của chính mình.
Tôi cứ suy nghĩ mãi bài  học xót xa  đã được rút ra từ  khai thác “ thổ phỉ” của than, đá đỏ, vàng... chẳng nhẽ với Ti tan đến bây giờ vẫn còn lặp lại nữa sao? Xin được trích Công văn số 23/ CV-CLH ngày 2/1/2004 của Bộ Công nghiệp, trước vấn đề bức xúc này: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản Ilmenit, chủ trì tổng kiểm tra tình hình khai thác và chế biến, cương quyết thu hồi giấy phép khai thác và chế biến quặng Ti tan của các tổ chức vi phạm Luật pháp để thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đối với quặng Ti tan.”. q
Tháng 1/2004
Bùi xuân vinh

 

  • Tags: