Hội thi Tay nghề ASEAN V đã kết thúc được hơn 3 tháng, nhưng Sơn vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lâng lâng khi biết mình có tên trong danh sách những thí sinh đoạt Huy chương Vàng. Chiếc huy chương vàng mà Sơn mới chỉ dám “thầm mơ ước” thôi, đã được trao cho em sau 3 ngày thi căng thẳng, hồi hộp và là thành quả của những chuỗi ngày Sơn nỗ lực khổ luyện.
Lê Thái Sơn “ra nhập” đội hình của Khoa Thời trang trường Trung học kỹ thuật May và Thời trang I cách đây 3 năm. Lúc đó, bạn bè và rất nhiều người quen của gia đình Sơn biết tin, đã ngạc nhiên trước quyết định Sơn lựa chọn theo học nghề May và Thời trang, một nghề có lẽ hợp với phái nữ hơn. Sơn chỉ cười, còn bố mẹ Sơn thì nói: “chúng tôi tôn trọng sở thích của cháu”. Sơn may mắn có được ông bố và bà mẹ rất hiểu con trai mình, họ biết vì sao Sơn lựa chọn nghề may và thầm mong cậu con trai út ít của mình sẽ khôn lớn, trưởng thành bằng chính khả năng và sự nỗ lực của bản thân.
Trường cách nhà gần 20 cây số, Sơn phải vào ở trong ký túc xá. Lần đầu tiên cái cảm giác xa nhà, xa bàn tay chăm chút của người mẹ và cái nhìn nghiêm khắc của người cha khiến cho cậu trằn trọc cả đêm không ngủ được. Rồi nỗi nhớ nhà cũng dần nguôi ngoai theo mỗi buổi lên lớp. Những hình vẽ, với những con số cộng, trừ đã cuốn hút Sơn. Ngày nhỏ, Sơn là một cậu bé nhút nhát nhưng lại rất tình cảm. Lớn lên, Sơn vẫn vậy, hồn nhiên như chính bản năng của mình. Vì vậy mà những “tài lẻ” của Sơn ít có dịp thể hiện để mọi người biết tới. Chỉ có người mẹ luôn âm thầm theo dõi bước đi của con mình mới biết Sơn có một sự tinh tế và nhạy cảm riêng với những công việc xưa nay người ta vẫn quan niệm chỉ dành riêng cho phái “chân yếu tay mềm”. Lần đầu tiên nhìn thấy con trai tự khâu đôi giày Adidas đã sờn rách, bà vô cùng ngạc nhiên vì thấy Sơn khâu thật khéo. Những đường khâu đều và thẳng của một cậu học sinh lớp 9 đã khiến cho đôi giày trông lành lặn tinh tươm như chưa hề bị rách. Nhìn đứa con háo hức đi thử đôi giày vừa được khâu lại, bà chạnh lòng cám cảnh trước sự nhọc nhằn, nghèo khó của gia đình, nhưng cũng cảm thấy yên tâm hơn về đứa con trai út. Cho đến một hôm, các bạn gái học cùng lớp đến tận nhà nhờ Sơn thêu hộ chiếc khăn và khen Sơn thêu “cừ” nhất lớp, bà biết, con mình bắt đầu thể hiện năng khiếu riêng.
Tháng đầu tiên vào học trường Trung học Kỹ thuật May và Thời trang I, Sơn được nhận học bổng. Số tiền 120 nghìn đồng tuy ít ỏi, nhưng với Sơn nó trị giá gấp nhiều lần hơn thế, bởi đây là lần đầu Sơn được cầm những đồng tiền có được do sự cố gắng nỗ lực của bản thân. Điều đó thôi thúc Sơn phải quyết tâm học tập trở thành một người thợ giỏi tay nghề, thực hiện mong ước bao lâu nay hằng ấp ủ, đó là có một nghề nghiệp vững chắc để giúp cha mẹ. Vì vậy, mà sức học của Sơn luôn vượt trội hơn hẳn 17 bạn trong lớp. Sơn được Nhà trường chọn đi thi Hội thi tay nghề toàn quốc và được miễn thi các vòng sơ tuyển do Trường và Bộ Công nghiệp tổ chức. Các thầy cô đã đặt trọn niềm tin vào cậu học trò khéo tay và sáng dạ này. Không phụ lòng các thầy cô, Sơn đã thực hiện bài thi một cách xuất sắc và dành được giải nhất. Tiếp đó là những ngày lao vào ôn luyện chuẩn bị cho Hội thi Tay nghề ASEAN tổ chức vào cuối tháng 9/2004. Sơn được các thầy cô cũng như các chuyên gia nhiều kinh nghệm tận tình dạy bảo. Nhờ đó, giúp Sơn có thêm sự tự tin, bình tĩnh trước khi bước vào cuộc thi.
Ngày đầu tiên thi, cảm giác run và hồi hộp không tránh khỏi, nhưng rồi những tấm vải, cây kim, sợi chỉ.... đã cuốn hút Sơn với một niềm đam mê mà chỉ có ở những người hết lòng yêu nghề mới có. Với sự cảm nhận tinh tế và bàn tay khéo léo, Sơn như thả hồn vào từng nhát kéo, từng đường kim, để cho mỗi chiếc áo hay chiếc váy mình may xong phải thật đẹp. Và bên cạnh tiêu chí đẹp, những sản phẩm đó còn phải đạt những tiêu chuẩn Ban giám khảo yêu cầu, đó là phải cắt, may sao cho chính xác theo những thông số, đúng phom dáng và đảm bảo kỹ thuật may. Kết thúc 3 ngày thi, Sơn lại sống trong những giây phút hồi hộp chờ đợi Ban giám khảo công bố kết quả. Trong buổi Lễ bế mạc hội thi, tên của Sơn đã vang lên sau khi người dẫn chương trình công bố những thí sinh đoạt huy chương vàng. Niềm vui đến bất ngờ, nhưng thật trọn vẹn. Sơn đã thực hiện được niềm mong mỏi của cha mẹ, thầy cô và bạn bè, đồng nghiệp.
Với Lê Thái Sơn, những thành công của ngày hôm qua mới chỉ là khúc dạo đầu trên con đường khởi nghiệp. Phía trước Sơn còn nhiều thử thách đang chờ đón. Chúc Sơn sẽ càng vững vàng, tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn./.