Thực trạng về môi trường các KCN, KCX các tỉnh phía Bắc và bài học kinh nghiệm

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KCX mặc dù đã được chú trọng hơn, nhưng đa số các KCN, KCX trên phạm vi cả nước nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng còn chưa được cải th

Đánh giá thực trạng môi trường trong các KCN, KCX vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Theo báo cáo của Vụ Quản lý KCN&KCX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng lượng rác thải ước tính bình quân một ngày đêm của cả nước đã tăng từ 25.000 tấn (năm 1999) lên khoảng 30.000 tấn (năm 2005), trong đó, lượng rác thải công nghiệp chiếm khoảng 20%, phần lớn tập trung tại các KCN, KCX ở  vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam (chiếm khoảng 50%). Các KCN, KCX thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thải khoảng 15% trong tổng lượng rác thải công nghiệp cả nước.

Một thực tế đáng báo động là, hầu hết các KCN, KCX trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đều chưa xây dựng nơi đổ rác thải và xử lý rác thải. Việc thu gom và vận chuyển rác thải chỉ thực hiện trong phạm vi từng nhà máy, việc xử lý rác thải chủ yếu được thực hiện bằng những lò đốt tương đối đơn giản với vốn đầu tư khá khiêm tốn; rác thải ra khỏi nhà máy gần như chưa đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Đặc biệt là các nhà máy đều chưa phân loại rác thải ít gây ô nhiễm mới xử lý được, còn lại các rác thải công nghiệp nguy hại thì việc xử lý bằng hệ thống xử lý rác thải thông thường đều không có tác dụng. Các KCN ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc là nơi tập trung các nhà máy sản xuất bao bì, hóa chất, chất dẻo, cao su… do đó có số lượng rác thải nhiều nhất và là những chất khó phân huỷ, gây độc hại cho môi trường nước mặt, nước ngầm và đất. Ngoài ra, còn phải kể đến một lượng lớn rác thải xây dựng được thải ra trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KCX và xây dựng nhà xưởng để sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN, KCX.

Ô nhiễm về nước thải công nghiệp trong các KCN, KCX ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ước tính tổng lượng nước thải của các KCN, KCX ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bình quân khoảng 100.000-130.000 m3/ngày đêm. Đây thực sự là một khối lượng nước thải lớn và là một thách thức lớn đối với các KCN, KCX trong công tác xử lý. Hầu hết các nhà máy trong KCN, KCX thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đều có hệ thống xử lý nước thải riêng của mình, đối với nước thải thông thường, khi ra khỏi nhà máy đều đạt tiêu chuẩn loại C. Trong KCN, KCX đã vận hành, hệ thống đường ống thoát nước thải đều được xây dựng, tuy nhiên, chỉ có rất ít KCN, KCX đã xây dựng được công trình xử lý nước thải tập trung. Theo số liệu thống kê, trong số 22 KCN, KCX thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, chỉ có 4 KCN đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, 5 KCN, KCX đang xây dựng, số còn lại chưa có. ở các KCN đã có công trình xử lý nước thải tập trung, nước thải công nghiệp được xử lý cục bộ tại nhà máy, sau đó qua xử lý tại khu xử lý tập trung, nhìn chung đều đạt yêu cầu về mức độ đảm bảo môi trường trước khi thải ra ngoài. Tuy nhiên, tại các KCN, KCX còn lại, nước thải sau khi xử lý cục bộ đều thải trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, đất và ảnh hưởng tới dân cư xung quanh. ở một số KCN tập trung các ngành công nghiệp như dệt may, thuộc da, hóa chất… thì lượng nước thải đổ ra môi trường rất lớn và có tính độc hại cao, như các KCN ở Hưng Yên tập trung tương đối nhiều doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, lượng nước thải từ các doanh nghiệp thải ra lớn và không được xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng, mức độ ảnh hưởng còn đáng ngại hơn do các KCN ở Hưng Yên đều gần đường giao thông và không cách xa khu dân cư (tình trạng này sắp tới có thể được hạn chế đáng kể, khi công trình xử lý nước thải ở KCN Phố Nối đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất khá lớn 10.000 m3/ ngày đêm).

Ngoài ra, các KCN, KCX ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc còn có một loại ô nhiễm khó kiểm soát, đó là ô nhiễm không khí, bụi và tiếng ồn. Hệ thống lọc khí, bụi và hạn chế tiếng ồn từ các nhà máy trong các KCN, KCX, đặc biệt là các cơ sở trong nước rất sơ sài và mang tính hình thức. Khí thải do các cơ sở sản xuất thải ra chứa nhiều chất độc hại đều được xả trực tiếp vào môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân quanh vùng. Kết quả quan trắc nồng độ SO2, CO, NO2 trong KCN, KCX và các đô thị lân cận, nhìn chung chưa vượt tiêu chuẩn cho phép, nhưng tại các nút giao thông lớn gần KCN, KCX hoặc trong các KCN, KCX đang có chiều hướng gia tăng cục bộ. Nồng độ bụi tại ven các trục giao thông chính đều đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-6 lần. Nhiều nhà máy cơ khí, luyện kim, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến khoáng sản… trong KCN, KCX nồng độ bụi và khí độc hại (điển hình là khí SO2) trong không khí xung quanh đã vượt quá trị số tiêu chuẩn cho phép từ 2-5 lần.

Các KCN, KCX còn thải ra ngoài hàng ngàn m3/ngày đêm nước thải sinh hoạt của người lao động trong các doanh nghiệp.

Từ thực trạng môi trường trong KCN, KCX có thể nhận thấy, tác động tổng hợp của các loại chất thải đến môi trường là lớn và ngày càng nghiêm trọng. Các loại chất thải này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KCX mà tác hại hơn cả là ảnh hưởng tới môi trường và đời sống nhân dân ở các khu vực xung quanh KCN, KCX. Đặc điểm vị trí của nhiều KCN, KCX ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là gần sông. Theo các tài liệu về hiện trạng môi trường nước ở Việt Nam thì phần lớn sông của các tỉnh phía Bắc chỉ đạt tiêu chuẩn nước loại B. Cục bộ một số đoạn của sông Hồng, sông Cầu, sông Tam Bạc và sông Cấm, môi trường nước bị ô nhiễm hơn. Môi trường nước mặt sông hồ các đô thị đều bị ô nhiễm, có nơi đã bị ô nhiễm nặng. Các thông số ô nhiễm như nồng độ chất rắn lơ lửng, nitơrit, nitơrat, o xy sinh học… gấp từ hai lần trở lên so với tiêu chuẩn cho phép đối với nguồn nước loại B; Chỉ số Coli vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ngoài các chất ô nhiễm trên, ở một số nơi còn bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất độc hại khác. Các KCN, KCX có góp phần không nhỏ gia tăng mức độ ô nhiễm ở các nguồn nước ngầm và nước mặt nói trên. Cùng với những loại hình ô nhiễm tiếng ồn, bụi… tại một số KCN, KCX gần với khu vực dân cư, người dân ít nhiều đã chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ việc phát triển các KCN, KCX ở địa phương, sự ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sự thoái hóa về đất do những chất thải độc hại từ KCN, KCX…

Kinh nghiệm và giải pháp quản lý môi trường các KCN, KCX

- Cần có chế tài để buộc các nhà đầu tư phải thực hiện các cam kết của họ khi đầu tư vào các KCN, KCX. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Tuyển – Trưởng BQL các KCN Nam Định. Ông Tuyển bức xúc: “Thực tế cho thấy, các địa phương muốn thu hút đầu tư nên luôn đưa ra các ưu đãi, đơn giản mọi thủ tục cho các nhà đầu tư nên trong quá trình cấp phép đã thiếu kiểm tra xem xét, do vậy một số doanh nghiệp khi đầu tư vào đã không tuân thủ đầy đủ các công đoạn xử lý chất thải hoặc thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong KCN, KCX đổ rác thải sang hàng rào của nhau, hoặc đem đổ ra đường quốc lộ”. “Nếu vấn đề không được đặt ra hoặc được cảnh báo trước thì chúng ta sẽ phải đối đầu với thảm họa về ô nhiễm môi trường khi các KCN, KCX được lấp đầy” - ông Tuyển kết luận.

- Nên có hồ sơ mẫu để các nhà đầu tư tham khảo tìm ra mô hình phù hợp, tránh tình trạng xây lên đắp chiếu để đấy. Kinh nghiệm của KCN Thăng Long (một trong những KCN điển hình trong công tác quản lý môi trường) là: Lập một Ban chuyên trách về môi trường. Khi các nhà đầu tư đến KCN, Ban Môi trường sẽ nhận dạng các loại chất thải rắn có thể phát sinh. So sánh với khả năng xử lý hiện tại của các đơn vị chức năng để tư vấn cho các nhà đầu tư nhằm đảm bảo tất cả rác thải phát sinh sẽ được xử lý theo đúng qui định. Đồng thời kiểm tra bản vẽ thiết kế các nhà máy nhằm đảm bảo mỗi nhà máy đều có khu vực tách biệt để tập trung rác thải, có hệ thống nước thải tách riêng khỏi đường thoát nước mưa. Và cuối cùng là yêu cầu các nhà đầu tư ký hợp đồng thu gom và xử lý rác thải với các đơn vị có đủ chức năng.

- Đối với các KCN, KCX bắt buộc phải có khu xử lý chất thải tập trung, tránh tình trạng các doanh nghiệp khi đầu tư vào KCN, KCX không biết đổ chất thải đi đâu như ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối (KCN Phố Nối - Hưng Yên) phản ánh. Thực tế các doanh nghiệp khi đầu tư vào KCN đều muốn KCN phải có sẵn khu xử lý chất thải, nhưng KCN muốn xây dựng được khu xử lý chất thải thì phải có thông số sản xuất của các doanh nghiệp để chọn mô hình phù hợp. Để khắc phục tình trạng “quả trứng, con gà” này, ông Chử Văn Chừng – Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị (URENCO) khẳng định, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, KCX không nên ngại đầu tư khu xử lý chất thải, nhưng nên làm theo phương thức “nghiên cứu tổng thể, đầu tư phân kỳ”. Tức là vẫn thiết kế theo dự toán đầu tư, nhưng mới đầu xây dựng nhỏ, sau khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư và đi vào hoạt động sẽ nâng dần công suất lên theo từng công đoạn, từng thời kỳ, như vậy sẽ tránh được hiện tượng lãng phí, công suất lớn nhưng vận hành không đạt hiệu quả.

- Các KCN, KCX phải kết hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên – Môi trường tại các tỉnh để khi phát hiện vi phạm là báo cho Sở giải quyết (vì trách nhiệm xử lý không thuộc quyền hạn của tỉnh hay của KCN, KCX). Các doanh nghiệp cần thận trọng khi lựa chọn đối tác đầu tư - ông Chử Văn Chừng cảnh báo. Đối với các dự án liên quan đến dệt, nhuộm, giầy da cần hết sức chặt chẽ trong việc đòi hỏi các nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với ngành giầy da, khi đốt các phế thải, một hàm lượng rất lớn chất dioxin sẽ thoát vào khí thải nên rất cần được xử lý triệt để. 

Ngoài ra, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ về tài chính cho việc xây dựng các công trình xử lý chất thải tập trung đối với các địa phương không đủ điều kiện. Có thể xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung trong KCN, KCX, hoặc có thể nghiên cứu cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư KCN, KCX hoàn thành hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu trước khi thu hút đầu tư…

Tóm lại, việc bảo vệ môi trường trong KCN, KCX vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là trách nhiệm chung của các nhà quản lý KCN, KCX, của chủ đầu tư cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN, KCX. Để thực hiện được các giải pháp trên, điều quan trọng là phải thống nhất nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân quản lý và hoạt động trong KCN, KCX. Từ đó, mới có thể tạo được mối quan hệ phối hợp đồng bộ và hiệu quả, cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững KCN, KCX.

  • Tags: