VEAM đồng hành cùng cơ giới hóa nông nghiệp

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghệ An là tỉnh đi đầu cả nước về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, công tác cơ giới hóa đạt mức cao, trên 50%; đất trồng cây hàng năm đạt 70%. Đó là kết luận
Chính sách hợp lòng dân
Nghệ An là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp và đất rừng rất lớn. Do sản xuất chủ yếu là thủ công, nên năng suất thấp. Trong khi đó, phần lớn hộ nông dân còn nghèo, thu nhập và tích lũy từ sản xuất nông nghiệp và ngành nghề thấp, do vậy, nông dân không đủ vốn để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhất là các loại máy có giá thành cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đồng ruộng nhiều nơi còn thấp kém, chưa được đầu tư đã hạn chế việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Nhận thức rõ vai trò của cơ giới hóa nông nghiệp, từ năm 1998, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư máy móc và sản xuất nông nghiệp. 

Điển hình là chính sách hỗ trợ nông dân vay 2/3 kinh phí mua máy nông nghiệp trong ba năm mà không phải trả lãi, được áp dụng từ năm 1999; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị cho nông dân; hỗ trợ 20% giá máy cho mua máy cày, máy cấy, máy gặt lúa, máy hái chè và 40% giá máy sấy cho các hộ nông dân ở địa bàn miền núi. Sau hơn 10 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, đến nay đã có hơn 4.000 máy cày đa chức năng, gần 130 máy gặt và 663 máy hái chè đã đến được tay bà con nông dân với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư lên đến 15.737 triệu đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh, từ năm 1999 đến tháng 6 năm 2011, Ngân hàng đã cho các hộ nông dân vay xấp xỉ gần 190 tỷ đồng để mua máy. Những kết quả đạt được cho thấy các chính sách của UBND tỉnh Nghệ An là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, được nông dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ và là một trong những biện pháp giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo nhanh nhất. 

Bên cạnh những chính sách của tỉnh Nghệ An thì từ năm 2009, Chính phủ cũng ban hành một số chính sách tại Quyết định số 497/2009/QĐ-TTG ngày 17/4/2009, Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 63/2010/QĐ-TTG ngày 15/10/2010. Theo đó, ngoài việc được hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư máy móc, thiết bị, vật tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người dân còn được hỗ trợ trong cả lĩnh vực chế biến, bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản… Do đó, Nghệ An càng có thêm điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. 

Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp
Tại hội nghị, các đại biểu đều có chung ý kiến: Chương trình chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp (giai đoạn 2000-2010) đã từng bước đi vào cuộc sống, có tính thiết thực cao, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế nông thôn của tỉnh. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghệ An là tỉnh đi đầu cả nước về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, công tác cơ giới hóa đạt mức cao (trên 50%), đất trồng cây hàng năm đạt 70%. Nhiều nơi, để thực hiện khâu cắt lúa, đã đầu tư trang bị máy gặt lúa rải hàng, máy gặt lúa liên hợp. Đây là các loại máy mới được thí điểm ở đồng ruộng Việt Nam, nhưng bước đầu đã có hiệu quả, đáp ứng thu hoạch kịp thời vụ. Chính sách cơ giới hóa nông nghiệp cũng góp phần quan trọng tăng năng suất cây trồng, giảm nhẹ lao động nặng nhọc cho người nông dân, chuyển dần nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động nông thôn, đổi mới lực lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả lao động, khai thác tiềm năng đất đai ở một số vùng trong tỉnh. 

Có được những thành công trong công tác cơ giới hóa nông nghiệp như trên là có sự đóng góp không nhỏ từ Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - đơn vị cung ứng chính thức máy nông nghiệp. Máy do VEAM sản xuất rất phù hợp với đồng đất Nghệ An, cho nên nông dân mua ngày càng nhiều, với hơn 10.000 hộ nông dân trang bị máy móc nông nghiệp. VEAM đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ NN& PTNT Nghệ An tuyên truyền, quảng bá chủ trương cùng các thủ tục vay vốn và chính sách của tỉnh. Song song với việc hỗ trợ lãi suất, trợ giá máy móc thiết bị, việc bảo trì bảo dưỡng máy móc, tư vấn lựa chọn máy phù hợp, giao máy tận địa phương, cung ứng kịp thời phụ tùng chính hiệu, xây dựng kế hoạch sản xuất… được VEAM đặc biệt coi trọng. Không chỉ vậy, VEAM còn tổ chức tập huấn kỹ thuật quản lý, sử dụng máy cơ giới nông nghiệp cho nông dân các huyện trong tỉnh với 158 điểm tập huấn, 237 lớp, 188 buổi thao diễn, trình diễn máy móc phục vụ nông nghiệp trên đồng ruộng. Nhờ làm tốt công tác dịch vụ chăm sóc sau bán hàng, chất lượng các sản phẩm của VEAM làm ra được nông dân tin tưởng và cạnh tranh được với thị trường máy móc của nước ngoài. 

Ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp cho biết, VEAM luôn đảm bảo cung cấp các loại máy nông nghiệp với những dịch vụ tốt nhất đến tay người nông dân. Tuy nhiên theo ông Quang, nếu chỉ có sự nỗ lực của doanh nghiệp thôi thì chưa đủ, mà rất cần sự quan tâm của các Bộ: Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc sớm có các chính sách hỗ trợ hơn nữa cho việc bán máy nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn và có cơ hội tiếp cận cơ giới hóa ngày càng nhiều. Thời gian tới, VEAM cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong tỉnh để phát triển hơn nữa sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách cơ giới hoá nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại trong quá trình thực hiện. Đó là, số lượng máy móc đưa vào phục vụ sản xuất theo chính sách hỗ trợ chưa nhiều so với nhu cầu thực tế sản xuất đòi hỏi; các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và thay thế phụ tùng máy móc thiết bị có nơi chưa được đáp ứng kịp thời, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, một số xã, huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách của tỉnh đến tận người dân, chưa tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay do thủ tục vay vốn ngân hàng chưa thật thuận lợi, còn phụ thuộc vào thời điểm (lúc nông dân cần vay thì ngân hàng không có tiền). Đây là những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, để các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh Nghệ An thực sự phát huy hết hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và cũng là mong mỏi của người nông dân bấy lâu nay là từng bước cơ giới hoá nông nghiệp để giải phóng sức lao động, mang lại những hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
  • Tags: