Võ Xuân Thịnh trở thành an toàn vệ sinh viên xuất sắc như thế nào?

Trong danh sách An toàn - vệ sinh viên xuất sắc năm 2002 của Điện lực Bình Định, cái tên Võ Xuân Thịnh như có sức thu hút mạnh đối với mọi người. Không hẳn vì đây là lần thứ 3 Võ Xuân Thịnh liên tục

 Võ Xuân Thịnh hồi tưởng khá chi tiết về “cú nhảy” thứ nhất, mặc dù sự kiện này đã đi qua gần 7 năm rồi:

 Đó là một buổi chiều cuối năm 1996, trời đã bắt đầu hửng nắng sau cơn mưa nhẹ. Tổ xây lắp 2 của Võ Xuân Thịnh đang làm nhiệm vụ tháo dây trên một tuyến cũ sau khi đã xây dựng một đường dây hạ thế mới tại khu vực Trường Đại học sư phạm, dọc theo đường Nguyễn Huệ, Thành phố Quy Nhơn. Vốn có thân hình “nhỏ con” lại nhanh nhẹn, tháo vát, Võ Xuân Thịnh được phân công leo lên cắt dây trên cột thép Pylon cao 12m. “Chuyện nhỏ”, hơn nữa, đường dây không mang điện, nên Thịnh thao tác rất nhanh. Cắt xong một bên, anh tháo dây an toàn để chuyển sang cắt bên kia xà, vừa đảo người qua để chuẩn bị móc lại dây an toàn thì toàn thân trụ bỗng rung lên và nghiêng hẳn về phía đầu dây chưa cắt. Thịnh nghe rất rõ tiếng la lớn của anh em công nhân bên dưới “ngã trụ”!. Lập tức anh định thần xoay thoắt người lại tránh chiều nghiêng của trụ trong trạng thái chưa móc được dây an toàn, anh bám chặt vào trụ sắt... rồi buông tay, dùng 2 chân đạp mạnh vào trụ “búng” người ra rơi tự do khi trụ ngã còn cách mặt đất chứng 2 m, “Rầm” trụ sắt đập mạnh xuống nền đất rồi tung lên và ... bất động, cả tổ hốt hoảng chạy đến đỡ Thịnh. - An toàn - Hoan hô cú “nhảy mèo” đã cứu anh thoát khỏi sức đập của trụ Pylon nặng hàng tấn này!

 Ba năm sau, cũng vào một buổi chiều cuối Đông, một chuyện hy hữu lại xảy ra khi Phân xưởng Xây lắp đang thi công mới đường dây chuyển đổi cấp điện áp 22kV tại xã Nhơn Hạnh, Huyện An Nhơn. Lần này, Thịnh không leo cột, mà được phân công đứng hỗ trợ bên dưới cho Võ Văn Dũng leo lên cột căng dây bằng “tăng đơ”, căng đến dây thứ 2 thì bỗng “Phựt” một tiếng! Thịnh la lớn” Đứt néo”. Lập tức cột điện bê tông ly tâm cao 10,5m, gãy thành 3 khúc đổ xuống trong nháy mắt. Lần này Võ Văn Dũng còn dính dây an toàn vào trụ, nên theo trụ “hạ cánh”... an toàn xuống bãi bùn! Còn Võ Xuân Thịnh, lúc ấy thực hiện cú “nhảy ngang” ngoạn mục, tránh được đòn giáng của đỉnh trụ có treo Võ Xuân Dũng rơi xuống trong gang tấc!.

 Sau những lần như vậy, “Cái hậu” còn “mệt” hơn nhiều, nào là điều tra, nào là biên bản Tổ Xây lắp họp, rồi cả Phân xưởng họp, bao nhiều cái “giá như” được đưa ra, nào là: giá như ATVSV của Tổ, của Phân xưởng  có động tác khảo sát trước hiện trường thi công “Trụ Pylon này đã hàng chục năm rồi, nếu không mục chân thì cũng từ trong đế, “giá như ta thao  tác bằng xe gàu!” giá như ta kiểm tra kỹ chất lượng dây néo, chất lượng trụ bê tông !. Đau đầu lắm!... Những kinh nghiệm muộn màng này được rút ra, nhưng là những bài học quá cũ của toàn Điện lực.

Đối với Võ Xuân Thịnh, ai cũng tưởng rồi đây anh sẽ “dị ứng” với trụ điện, còn lâu mới “hoàn hồn” sau 2 trận “chết hụt” này. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra! Thay vì xin chuyển công tác khác, anh lại xung phong làm ATVSV của Tổ. Lý do của Thịnh thật đơn giản: “Nếu làm đúng chức trách của ATVSV, nếu mọi công nhân đều tuân thủ đúng Quy trình, quy phạm thì bảo đảm 99% an toàn, còn 1% rủi ro, bất khả kháng thì chúng ta phải chấp nhận để “ứng biến không sợ tai nạn”. Từ 2 bài học “xương máu” của Phân xưởng Xây lắp, phong trào chấp hành quy trình, quy phạm, phiếu công tác, phiếu thao tác được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Võ Xuân Thịnh trở thành “nhân vật số 1” trong phong trào này, bởi anh ta là “nhân chứng sống.. sót” không nghe anh thì nghe ai! Ra công trường, anh đi kiểm tra từng dây an toàn cho anh em công nhân, anh có mặt ở hiện trường trước lúc thi công, kiểm tra kỹ từng loại thiết bị và vật liệu, nhất là các trụ điện được anh “chăm sóc” rất kỹ!. Thấy anh cần mẫn với nhiệm vụ của một ATVSV, cả Tổ Xây  lắp 2 và cả Phân xưởng Xây lắp cùng “xắn tay áo” vào cuộc thực hiện tốt công tác ATVSVLĐ, ai cũng nhớ câu nói ví von của Võ Xuân Thịnh: “Chuẩn bị 99% để tránh 15 rủi ro và Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.

 Phân xưởng Xây lắp điện được mệnh danh là đội quân “thiện chiến” nhất của Điện lực Bình Định từ nhiều năm nay, đã có bề dày thành tích và kinh nghiệm “trận mạc” từ các công trình điện của địa phương. Trong thành tích chung đó, ánh lên sự nỗ lực thường xuyên, thực hiện tốt quy trình, quy phạm và các biện pháp an toàn trong lao động mà Võ Xuân Thịnh là một điển hình.
  • Tags: