Hưng yên tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Nằm ở trung tâm đồng bằng Châu thổ sông Hồng, Hưng Yên được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh dưỡng nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Mảnh đất này còn được biết đến bởi những làng nghề truyề

 

Lịch sử của phố Hiến đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng dấu ấn của mảnh đất có nền văn hoá lịch sử lâu đời vẫn còn lưu giữ cho tới ngày nay và đang tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời đại mới - thời đại của CNH và HĐH đất nước.

Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 1/1997), Hưng Yên chủ yếu vẫn là tỉnh thuần nông, công nghiệp hầu như không đáng kể. Để đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển, Tỉnh uỷ và ủy ban nhân dân Tỉnh đã thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, hoan nghênh và khuyến khích mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn Tỉnh; ưu tiên các dự án có công nghệ cao; dự án nuôi trồng và chế biến nông sản; dự án có mức đóng góp lớn cho ngân sách; dự án sử dụng nhiều lao động; dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp; dự án phát triển dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Để hoàn thiện môi trường đầu tư, ngày 31/10/2001, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU về đẩy mạnh hợp tác đầu tư giai đoạn 2001-2005, tiếp tục khẳng định đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh ngoài là yếu tố quan trọng để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo điều kiện phát triển và chủ động hội nhập kinh tế, quốc tế.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, đưa thu nhập bình quân đầu người trên mức bình quân của cả nước, Hưng Yên đã từng bước xây dựng được mạng lưới công nghiệp đa ngành, có quy mô và trình độ công nghệ cao với các loại hình: Công nghiệp quốc doanh, công nghiệp ngoài quốc doanh và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã quy hoạch xây dựng 5 khu công nghiệp tập trung gồm Khu CN Như Quỳnh A và B, Khu CN Phố Nối A, Khu CN Phố Nối B, Khu CN thị xã Hưng Yên, Khu CN Minh Đức. Các khu CN của Tỉnh đang được lấp đầy, nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2005, toàn tỉnh đã có hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, luyện kim, cán thép, sành sứ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, nhựa, hoá chất,... với hàng trăm loại sản phẩm khác nhau phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Có thể nói, công nghiệp Hưng Yên giai đoạn từ 1997-2005 đã giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, đạt 40,71%/năm (giai đoạn 1997 - 2000: 60,17%/năm; giai đoạn 2001 - 2005: 26,7%/năm); năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.678 tỷ đồng (gấp 21,6 lần năm 1997), đạt 100,9% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp trung ương là 804 tỷ, tăng 36,4%; công nghiệp địa phương 4,050 tỷ đồng, tăng 35,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 2,846 tỷ đồng, tăng 20,8%. Nói chung, công nghiệp có sự tăng trưởng đều ở các khu vực do phát huy những kết quả từ chính sách thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước được Tỉnh áp dụng trong nhiều năm qua.

Những thành công trong phát triển công nghiệp ở phía bắc Tỉnh đã là động lực mạnh mẽ để Hưng Yên tiếp tục quy hoạch, triển khai các khu công nghiệp phía Nam tỉnh. Đây là bước đi hợp lý, kịp thời “đón đầu” những cơ hội đầu tư mới, nhất là sau khi cầu Yên Lệnh được khánh thành và sắp tới là cầu Thanh Trì được đưa vào sử dụng. Đón trước những cơ hội đó, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Sở Công nghiệp lập Quy hoạch các KCN tập trung nhằm xây dựng ở mỗi huyện một KCN, Tỉnh chủ trương dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp ở các huyện phía Nam (Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ). Đây là điều kiện thuận lợi để các huyện phía Nam của tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo thế phát triển cân bằng, bền vững trong phạm vi toàn Tỉnh.

Khôi phục và phát triển làng nghề trong những năm qua cũng là một vấn đề trọng tâm được Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh hết sức quan tâm, đầu tư và nhân rộng tại nhiều xã trong Tỉnh. Hiện, Hưng Yên có trên 60 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 14 làng nghề truyền thống. Để khôi phục lại các làng nghề bị mai một, các cấp chính quyền đã chủ động cùng người dân tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề mở rộng và phát triển. Lãnh đạo các xã, huyện, Liên minh HTX và Sở Công nghiệp Tỉnh đã trực tiếp hoặc cử cán bộ đến các tỉnh, thành phố trong cả nước học hỏi kinh nghiệm, mở lớp đào tạo tay nghề cho người lao động, mua nguyên vật liệu, xây dựng nhà xưởng cho các hộ dân trong xã. Các hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, tìm bạn hàng và tổ chức cho các xã viên đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu nhu cầu thị trường. Bản thân các làng nghề cũng năng động, nhạy bén hơn trước cơ chế thị trường, chủ động huy động hàng trăm tỷ đồng vốn cho sản xuất - kinh doanh, trong đó chủ yếu là vốn tự có, còn lại là vốn ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục xây dựng 10 khu CN làng nghề, mỗi khu có diện tích 10-20 ha, tạo điều kiện cho các làng nghề có điều kiện mở rộng sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời thực hiện chủ trương hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng để làng nghề có thể vào khu CN sản xuất và kinh doanh.

Có thể nói, sau 9 năm tái lập Tỉnh, kinh tế - xã hội của Hưng Yên đã có bước phát triển nhanh và toàn diện. Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV, giá trị SXCN của Hưng Yên đạt mức tăng trưởng bình quân 26,67%/năm, giá trị tăng thêm đạt 21,3%/năm, tạo việc làm cho 46.000 lao động công nghiệp và hàng vạn lao động TTCN.     

Từ nay đến 2010, Hưng Yên phấn đấu đạt mục tiêu, giá trị SXCN tăng bình quân 25%/năm, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng là 47%, nông nghiệp 20%, dịch vụ 33%; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 18,6 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17%/năm, đạt trên 450 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị thu nội địa từ 1.800 - 2.000 tỷ đồng.

Công nghiệp vẫn được chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành, sản phẩm, vùng và thành phần kinh tế, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, cơ khí, luyện thép, ô tô, xe máy, dệt may, chế biến; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, bổ sung cơ chế, tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án lớn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; tích cực huy động các thành phần kinh tế trong nước và xúc tiến đầu tư nước ngoài. Phấn đấu 5 năm tới, Hưng Yên thu hút được hơn 300 dự án, với số vốn đăng ký khoảng 1.240 triệu USD. Đến năm 2010, tổng số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn sẽ đạt khoảng 750 dự án (có 630 dự án trong nước và 120 dự án nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.460 triệu USD, quy hoạch và xây dựng thêm từ 3-5 khu công nghiệp, phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 1 khu công nghiệp tập trung với quy mô phù hợp. Cùng với phát triển các khu công nghiệp tập trung, Hưng Yên sẽ chú trọng phát triển, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp làng nghề, có cơ chế chính sách thích hợp với mỗi loại hình làng nghề. Đến 2010, hoàn thành xây dựng và sử dụng cơ bản diện tích đất trong các khu công nghiệp làng nghề, phát triển thêm nhiều làng nghề mới.

Vị thế của Hưng Yên đang được khẳng định và nâng cao, là điều kiện thuận lợi để Thị xã Hưng Yên thực hiện mục tiêu trở thành Thành phố thuộc Tỉnh và Phố Nối trở thành thị xã công nghiệp dịch vụ trong một ngày gần đây.

  • Tags: