Lần đầu tiên tôi gặp lại chị sau những năm xa cách, đó cũng là lúc Công ty Đường Biên Hoà đang đứng bên bờ vực của sự mất còn. Năm 1985, chị Sum được phân công về Công ty. Trong trăm ngàn cái khó khăn, thì khó khăn nhất vẫn là việc lo sao cho người lao động có việc làm và có thu nhập. Thời gian ấy, tình cờ tôi nghe được câu chuyện từ một số anh chị em công nhân: Có năm, khi Tết đến Xuân về mà Công ty không biết lấy đâu tiền để chi cho công nhân ăn Tết. Vét quỹ còn một ít, chị Sum quyết định chia đều cho mỗi người 30.000 đồng, không ai được hơn (kể cả Giám đốc). Việc làm đó đã khiến toàn thể cán bộ công nhân trong công ty xúc động và đã tạo dựng được lòng tin trong họ. Trong những năm đầu mới nhận chức, chị Phạm Thị Sum đã phải giải quyết nhiều việc vô cùng nan giải, đó là việc người lao động ở Công ty hầu hết là thanh niên, là lao động chính trong gia đình. Nếu không có thu nhập thì họ và gia đình sẽ tồn tại bằng cách nào? Tiếp quản một cơ sở vật chất mà cái gì cũng quá đát, cũ kỹ, nguyên liệu làm đường thì thiếu, bao đay sản xuất ra thì không cạnh tranh nổi với thị trường bao đay của Trung Quốc... Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ tôi đã viết một bài báo về vấn đề tìm đầu ra cho nguyên liệu mía và thị trường bao đay. Nhưng rồi sản phẩm bao đay của Công ty Đường Biên Hoà cũng bị mai một, nhường chỗ cho những mặt hàng có giá trị hơn. Chị Sum kể rằng: Trong một chuyến đi công tác, do mệt mỏi, chị đã phải mua một gói kẹo để ăn, cầm gói kẹo trong tay, chị nghĩ : “Tại sao người ta không có đường lại sản xuất được kẹo, còn mình có đường trong tay, lại để công nhân không có việc làm?”... Phân xưởng bánh kẹo của Công ty Đường Biên Hoà ra đời chính từ những suy nghĩ đó. Những năm đầu tiên là những năm cam go nhất trong việc tìm thị trường. “Hữu xạ tự nhiên hương”, sau khi đã được nếm thử bánh kẹo của Công ty Đường Biên Hoà thì rất nhiều thương gia, kể cả những công ty kinh doanh của Nhà nước cũng xin làm đại lý tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Đường Biên hoà. Từ những gói đường sạch, bánh kẹo ngon, tên người nữ Giám đốc Phạm Thị Sum ngày càng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên chị Sum thì vẫn thế, vẫn là một người phụ nữ khiêm tốn, không thích khoa trương ồn ĩ mặc dù chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
Trong một chuyến đi công tác với chị về một vùng nguyên liệu mía của Công ty năm ấy, tôi mới thấy hết bản lĩnh của người nữ giám đốc nhỏ nhắn mà đầy ý chí đó. Tôi ngồi trên ô tô, đi trên mênh mang ruộng mía, rồi nghe chị kể vì sao Công ty có một vùng nguyên liệu như vậy. Chị Sum kể rằng, trước khi có vùng nguyên liệu này, Công ty chị đã được UBND tỉnh Tây Ninh cho mua một khu đất khác, đẹp hơn, song không hiểu vì lý do gì, tỉnh lại không bán cho Công ty Đường Biên Hoà khu đất tốt ấy nữa. Thế là chị Sum cùng với tập thể lãnh đạo Công ty bàn tính, xin mua một khu đất khác, đó là khu đất sình lầy thuộc xã Thành Long - một trong 4 xã biên giới nghèo nhất của huyện Châu Thành (mà bây giờ gọi là huyện Dương Minh Châu) tỉnh Tây Ninh, ở sát biên giới với Cămpuchia. Đất sình lầy lại đầy bom mìn, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo Công ty cùng anh chị em công nhân, khu đất rộng trên 1.100 ha, “găm” ở dưới là hàng tấn bom mìn được thuê rà phá, khai hoang, rồi đào mương dẫn nước vào nội đồng, tạo những bờ bao. Đúng là “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vùng nguyên liệu mía đã hình thành và mang lại nhiều thành công cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà sau này. Khi vùng đất trồng mía được qui hoạch, Công ty đường Biên Hoà chỉ giữ lại một diện tích vừa đủ để vừa trồng mía, vừa nhân những giống mới, còn lại giao cho các hộ nông dân, cho họ vay vốn sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường thô của Công ty tại Tây Ninh. Chỉ có vài ba năm mà khu đất ấy trông đã rất bề thế, đầy triển vọng. Ghi công đầu với vùng nguyên liệu ấy, không ai khác, chính là nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thị Sum. Tôi đã mấy lần chứng kiến chị đến với vùng nguyên liệu trong sự đón tiếp của bà con nông dân, với họ chị như người thân đi xa về. Bà con nhận đất thường nói về chị: “Chị Sum đối với chúng tôi rất tình nghĩa chẳng bao giờ để chúng tôi bị thiệt thòi cả”. Đã có một vài vụ thu hoạch mía, Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà không đủ tiền trả cho bà con, mà bà con vẫn vui vẻ bán hết nguyên liệu cho Nhà máy đường thô Tây Ninh, vì họ biết rằng, người nữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị ấy sẽ chỉ nợ họ một thời gian rất ngắn, rồi sẽ tìm mọi cách để chạy tiền trả cho bà con.
Một điều thú vị nữa, mà có lẽ ít ai biết về người nữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị này, đó là bao giờ chị cũng thân chinh đi tìm thị trường để tiêu thụ các sản phẩm cho Công ty! Trước kia ngoài mặt hàng đường, chị còn phải lo thị trường tiêu thụ bánh, kẹo, còn bây giờ sau khi đã cổ phần hoá và tách bánh kẹo riêng biệt, thì Công ty chỉ còn lo mặt hàng đường. Đường lại là mặt hàng giá cả không ổn định, vậy mà có thời gian Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà không đủ đường để bán cho các bạn hàng. Tôi đã từng được tham dự một hội nghị khách hàng của Công ty, trong nhiều ý kiến ghi nhận từ bạn hàng, tôi tâm đắc nhất là ý kiến của một khách hàng quân đội, khi cho rằng chỉ có 2 tháng anh không nhập được đường của Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà nên phải nhập loại đường khác, thế mà người tiêu dùng ăn đã tẩy chay không nhận đường, bởi đó không phải là đường sạch do Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà sản xuất. Họ nói với ông: “Chúng tôi chỉ sử dụng đường Biên Hoà mà thôi, bởi đó là đường sạch”.
Từ khi Công ty Đường Biên Hòa cổ phần hóa, vui nhất là những nông dân trồng mía. Bà con thường xuyên được bán nguyên liệu cho Công ty, mua cổ phiếu ưu đãi, giảm 30% so với mệnh giá ghi trên cổ phiếu của Công ty. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nông dân trồng mía bán nguyên liệu cho Công ty tại xã Tân Bình, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, đã thay mặt bà con được mua cổ phiếu ưu đãi xúc động bày tỏ sự biết ơn Công ty. Tình cảm và suy nghĩ của chị Hoa cũng chính là của những người trồng mía đối với Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà nói chung và với nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị, chiến sĩ thi đua toàn quốc, Phạm Thị Sum nói riêng.