Vùng các tỉnh miền Trung: Một số vấn đề về tiềm năng và hiện trạng phát triển công nghiệp

I. Vài nét về vị trí địa lý Vùng miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với diện tích tự nhiên là 95,76 nghìn km2; dân số năm 2001 là 18,5 triệu người, chiếm 29,1%

Vùng miền Trung có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các tỉnh trong nước, quốc tế bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào.

Miền Trung là lãnh thổ ven biển, kéo dài trên 10 độ vĩ tuyến (từ vĩ tuyến 10oB đến 20o20'B), hẹp ngang. Miền Trung có đặc điểm khác với các vùng khác của cả nước là các tỉnh trong vùng đều có biển, ven biển ở phía Đông, đồng bằng nhỏ hẹp và miền núi trung du phía Tây. Mặt khác, đây cũng thể hiện sự đa dạng về các điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, để các tỉnh trong vùng có thể phát triển đa dạng, kết hợp giữa phát triển kinh tế biển và kinh tế đất liền.

Trong vùng có nhiều bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Đá Nhảy, Lăng Cô, Thuận An, Non Nước, Mỹ Khê, Nha Trang,... nhiều danh lam thắng cảnh như đèo Ngang, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, núi Bà Nà..., nhiều di tích lịch sử gắn liền với bề dày dựng nước và giữ nước như Khe Sanh, Lao Bảo, Cửa Việt, Vĩnh Mốc, cảng Đà Nẵng, di tích Sơn Mỹ, Vạn Tường, Chu Lai, Ba Tơ... Đó là những tiềm lực du lịch biển gắn liền với du lịch núi và du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng,... tạo cho miền Trung trở thành một vùng du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch và đưa ngành du lịch đang dần trở thành một ngành mũi nhọn, có ý nghĩa với cả nước.

Miền Trung có nhiều nơi có thể làm cảng như Nghi Sơn, Vũng áng, Hòn La, Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Dung Quất, Kỳ Hà, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh... Những nơi này đã có những nghiên cứu và có nơi đã hình thành cảng như Cửa Việt, Tiên Sa, Liên Chiểu, Dung Quất, Quy Nhơn, Nha Trang.

Miền Trung có những dải đất ven biển gần đường sắt, đường bộ và đường điện quốc gia; hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng khu công nghiệp lọc hóa dầu, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và hình thành các đô thị mới. Trong tương lai không xa, gắn liền với khu công nghiệp Chân Mây sẽ hình thành một thành phố Chân Mây với quy mô 10-12 vạn dân, gắn với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sẽ có một đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và với Dung Quất là thành phố Vạn Tường 12 vạn dân. Ngoài ra phải kể đến một số khu kinh tế đặc biệt đã và đang được nghiên cứu quy hoạch để đầu tư phát triển như khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp cảng Vũng áng, khu kinh tế Hòn La, khu kinh tế Nhơn Hội... Cùng với các khu kinh tế này là những đô thị mới ven biển.

Dải phía tây của Vùng là khu vực miền núi, chiếm tới 4/5 diện tích lãnh thổ. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng khoáng sản, tuy quy mô không lớn, song đa dạng, phong phú. Một số tài nguyên có giá trị kinh tế lớn như: 61,3% trữ lượng quặng sắt, 100% cromit, 40% đá vôi so với toàn quốc, vật liệu xây dựng bentonit, graphit, titan, đá granit, vàng...

II. Một số thành tựu

Thời gian qua, kinh tế miền Trung đã có sự tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 1996 - 2000 đạt 6,7% (xấp xỉ mức bình quân cả nước 7% cùng kỳ), trong đó mức tăng trung bình của công nghiệp là 10,9%, của nông, lâm nghiệp là 4,5%, của dịch vụ là 6,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, từ 448,4 triệu USD năm 1995 lên 660 triệu USD năm 2002. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 34 USD/người. GDP bình quân đầu người từ 181 USD năm 1995 tăng lên 270 USD năm 2000.

Đến năm 2001, vùng miền Trung đóng góp khoảng 15,6% GDP, 22,7% giá trị sản xuất ngành thủy sản, 27% sản lượng thủy sản của cả nước.

Cùng với sự nỗ lực của từng tỉnh trong vùng, miền Trung đã được sự quan tâm lớn của Nhà nước, đã hình thành những vùng kinh tế trọng điểm, một số khu công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu và vùng nông, lâm, ngư nghiệp hàng hóa.

Giai đoạn 1996 - 2000, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn miền Trung khoảng 74.785 tỷ đồng (khoảng 11,83% tổng vốn đầu tư cả nước, cùng thời kỳ). Trong tổng vốn đầu tư xã hội, tỷ lệ đầu tư cho công nghiệp 36%, cho nông lâm nghiệp thủy lợi 15%, cho dịch vụ, kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội 41%. Cũng trong thời kỳ 1996 - 2000, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho miền Trung khoảng 16 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 34% vốn đầu tư xã hội của vùng và 21,5% vốn đầu tư từ ngân sách của cả nước. Do đó, kinh tế - xã hội vùng có chuyển biến rõ rệt trong sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đô thị hóa có bước phát triển khá.

Nếu như trước năm 1995, chỉ có khu chế xuất Đà Nẵng được hình thành thì đến năm 2002, trên vùng đã có 14 KCN tại 11 tỉnh, thành phố (không kể Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai) gồm KCN Lễ Môn (Thanh Hóa), KCN Bắc Vinh (Nghệ An), KCN Vũng áng I (Hà Tĩnh), KCN Phú Bài (Thừa Thiên Huế), KCN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú (Quảng Ngãi), KCN Phú Tài (Bình Định), KCN Hòa Hiệp (Phú Yên), KCN Suối Dầu (Khánh Hoà) và KCN Phan Thiết (Bình Thuận). Tổng diện tích của các khu công nghiệp đã được thành lập là 1.800 ha, trong đó đất công nghiệp trên 1.200 ha.

Tính đến năm 2002, không kể Khu kinh tế Dung Quất có diện tích 9.700 ha, có 2 dự án liên doanh có số vốn 1,32 tỷ USD, các KCN thuộc miền Trung thu hút được 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 272,2 triệu USD và 283 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư 2914 tỷ đồng. Tổng diện tích đất các dự án đã thuê là 723 ha, bằng 58% diện tích đất công nghiệp của vùng, cao hơn tỷ lệ chiếm đất chung của các KCN cả nước (45%), trong đó, nhiều KCN đạt tỷ lệ cho thuê đất cao như KCN Phú Bài (Thừa Thiên Huế), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Quảng Phú (Quảng Ngãi).

Ngoài các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các KCN đã có trong quy hoạch tổng thể giai đoạn 2000 - 2010, một số địa phương còn quy hoạch KCN tại từng địa phương, đó là Thanh Hóa (3 KCN), Nghệ An (5 KCN), Quảng Bình (5 KCN), Quảng Trị (4 KCN), Thừa Thiên Huế (6 KCN), Đà Nẵng (1 KCN), Quảng Nam (5 KCN), Quảng Ngãi (3 KCN), Bình Định (6 KCN), Khánh Hòa (4 KCN), Phú Yên (6 KCN), Bình Thuận (5 KCN).

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên và là một thành tựu đáng kể trong phát triển vùng. Từ 1988 đến 2001, toàn vùng đã thu hút được 263 dự án với tổng số vốn đăng ký 3845,9 triệu USD, chiếm 7,2% số dự án và 9,9% tổng vốn đăng ký cả nước.

Riêng 4 tỉnh (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 87 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.834 triệu USD, chiếm 2,4% về số dự án và 4,7% về vốn đăng ký so với cả nước. Vốn FDI tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng với 48 dự án có tổng vốn hơn 1.619,9 triệu USD (chiếm 55% về số dự án và 88,32% về vốn đăng ký). Tổng số vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm đến đầu tháng 12/2002 là 318 triệu USD, đạt hơn 16% so với tổng vốn đăng ký, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung trên cả nước. Hiện có 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào kinh doanh trên địa bàn, thu hút hơn 13 nghìn lao động, chiếm 4,5% tổng số lao động, trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cả nước.

Nhiều ngành kinh tế mà vùng có lợi thế như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp hàng tiêu dùng, du lịch, nuôi trồng thủy sản và những ngành sản xuất truyền thống của vùng được phát triển tạo thế và lực cho phát triển trong thời gian tới.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng năm 2001 đạt 14.100 tỷ đồng (theo giá 94), tương ứng với nhịp tăng 11,6% bình quân năm cho thời kỳ 1996 - 2000 (cả nước thời kỳ này tăng khoảng 11%), công nghiệp địa phương tăng 9,8%.

Qua quá trình phát triển, trên địa bàn vùng đã và đang hình thành một số ngành công nghiệp quan trọng, có ý nghĩa lớn với vùng và cả nước:

Toàn vùng hiện có 4 nhà máy thủy điện đã xây dựng xong và đang hoạt động với tổng công suất 855 MW (Hàm Thuận - Đa Mi 475 MW; Vĩnh Sơn 150 MW, Đa Nhim 160 MW, Sông Hinh 70 MW).

Công nghiệp đóng tàu của vùng có Nhà máy Tàu biển Huyndai (liên doanh với Hàn Quốc). Năng lực gồm 1 ụ khô 400.000 ngàn tấn dùng cho sửa chữa tàu, 1 ụ khô 80.000 tấn dùng cho đóng mới tàu 80.000 tấn; cơ sở sửa chữa, phá dỡ tàu ở Kỳ Hà.

Công nghiệp luyện kim với 5 cơ sở sản xuất thép có công suất 97 nghìn tấn/năm (mới huy động khoảng 43,6% công suất), sản xuất khoảng 4,0% sản lượng thép cả nước. Trong đó nhà máy kéo cán thép Liên Chiểu công suất 20 nghìn tấn/năm; công ty thép Đà Nẵng có công suất sản xuất thép tròn xây dựng 40 nghìn tấn/năm.

Công nghiệp lắp ráp ôtô có tổng công suất 55 ngàn xe/năm (4 cơ sở trong nước), sản xuất hơn chục nghìn ôtô các loại, chiếm 1/3 sản lượng ôtô sản xuất của cả nước.

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng với 23 cơ sở sản xuất, chiếm 50% về năng lực sản xuất và 24,8% về sản lượng xi măng cả nước. Sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh và khai thác đá granit làm đá ốp lát được phát triển.

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển khá. Đến nay, trên địa bàn có 20 nhà máy đường, phân bố ở hầu hết các tỉnh trong vùng với tổng công suất là 32.550 tấn mía/ngày, chiếm 53,6% tổng công suất và 42,4% sản lượng đường của cả nước. Toàn vùng có 12 cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu, tập trung ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Chế biến truyền thống chủ yếu là nước mắm (48-50 triệu lít/năm chiếm 31% sản lượng nước mắm cả nước), mắm cá (40 tấn/năm), cá khô (5.000 - 6.000 tấn/năm), moi khô (75 tấn/năm), tôm khô (291 tấn/năm), mực khô (900-1.000 tấn/năm), bột cá chăn nuôi (1.000 tấn/năm). Công nghiệp sản xuất đồ uống như bia, nước khoáng, nước giải khát phát triển rải khắp các tỉnh trong vùng.

Công nghiệp hàng tiêu dùng với các ngành Dệt kim, công nghiệp May, Da - Giày ở Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và một số tỉnh với tổng công suất dệt vải 11 triệu mét, chiếm 1,38 sản lượng cả nước; ngành may có công suất 55 triệu sản phẩm may, 10,13% công suất cả nước; công nghiệp kéo sợi chiếm 56% sản lượng sợi cả nước.

Công nghiệp giấy có công suất 45 nghìn tấn/năm, chiếm 12% sản lượng giấy toàn ngành với chủng loại giấy chủ yếu cấp thấp.

III. Một số hạn chế

So với mục tiêu quy hoạch của vùng và các tỉnh thì mức độ đạt được còn khiêm tốn. Các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế theo GDP cũng như tăng trưởng các ngành đạt khoảng 50-60%; GDP/người ước đạt 80%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm về chất, chưa tạo được đà cho tăng tốc phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định. Khả năng hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế còn yếu đang là thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế vùng. Tuy đã hình thành được vùng kinh tế trọng điểm, nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động nên chưa thể hiện rõ vai trò động lực. Thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng còn ít so với các vùng khác. Nền kinh tế chưa có tích lũy (trừ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa). Vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc đặt ra cần giải quyết.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do ảnh hưởng của một số yếu tố khách quan và chủ quan như: địa hình dốc, sông suối ngắn, rừng bị tàn phá nặng nề, thiên tai khắc nghiệt, bão, lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra, hệ thống sinh thái rất mỏng manh và dễ bị phá vỡ. Nguồn nội lực trong vùng đã yếu kém so với các vùng khác của cả nước, lại bị hạn chế rất lớn về khả năng thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Công nghệ, thiết bị của ngành phần lớn lạc hậu (trừ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mới đầu tư) làm cho chi phí sản xuất cao, sản xuất công nghiệp phần lớn có năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao, tính cạnh tranh thấp; thiếu nhiều yếu tố và cơ sở cho phát triển bền vững, hội nhập và không đủ sức cạnh tranh ngay cả trên thị trường trong tỉnh. Chất lượng nguồn lao động trong công nghiệp còn thấp.

Cơ sở hạ tầng yếu kém, nền kinh tế còn mang nhiều yếu tố chưa ổn định, thiên tai xảy ra liên tiếp, sức mua của dân cư thấp.

Khó khăn trở ngại lớn nhất trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng là chưa có một cơ chế chỉ huy phối hợp điều hành cụ thể, thiếu các chương trình hành động có phối hợp trong phạm vi toàn vùng. Chưa tạo được một cơ chế hợp lực các tỉnh trong vùng.Do đó, các mối quan hệ kinh tế trong vùng chủ yếu phát sinh do quan hệ tự nhiên về kinh tế giữa các chủ thể kinh tế.

Trong quá trình thực hiện triển khai quy hoạch, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành với nhau, giữa ngành với các địa phương và giữa các địa phương trong vùng với nhau để thực hiện một quy hoạch chung. Những định hướng và mục tiêu của vùng đề ra trong quy hoạch tổng thể chưa được tập trung chỉ đạo thống nhất, thiếu sự phân công phối hợp và xử lý tổng hợp trên quy mô toàn vùng. Mục tiêu và định hướng phát triển của các tỉnh trong vùng tương tự nhau, chưa thấy rõ sự phân công theo chức năng và lợi thế so sánh của từng tỉnh. Tỉnh nào cũng muốn phát triển đầy đủ các ngành, muốn kéo dự án đầu tư về tỉnh mình, dẫn đến sự đầu tư trùng lắp, bất hợp lý, cạnh tranh gây bất lợi lẫn nhau, lãng phí không hiệu quả trong đầu tư xây dựng hạ tầng. Các quy hoạch phát triển của các ngành chưa gắn được kinh tế trung ương với kinh tế địa phương. Các quy hoạch chi tiết về hệ thống đô thị trong toàn vùng, quy hoạch cụ thể về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống cảng, quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp... được xây dựng chậm trễ, gây lúng túng trong việc định hướng và kêu gọi đầu tư.

Nói tóm lại, việc điểm qua những nét lớn về tiềm năng và hiện trạng phát triển công nghiệp các tỉnh vùng miền Trung đã làm nổi cộm một vấn đề hết sức quan trọng là phải có quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp cho toàn Vùng. Dù ở tầm định hướng và có tính chiến lược, quy hoạch phải đáp ứng được yêu cầu phối hợp theo chiều dọc (Trung ương – Vùng – Tỉnh) và theo chiều ngang (Công nghiệp – Nông lâm ngư – Dịch vụ) trên địa bàn, đồng thời phải có sự hài hòa hợp lý giữa các Tỉnh trong Vùng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất, không chỉ trên từng tỉnh mà còn cho toàn Vùng và cả nước./.


  • Tags: