Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam

Năm 2005 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại. Cùng với tốc độ cổ phần hóa mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong Ngành, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã cùng với các TCty nghiên cứu, xây dựng các văn

 

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật về hoạt động của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam năm vừa qua.

TS. Đỗ Đăng Hiếu: Năm 2005 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2000 – 2010) do Đảng ta đề ra. 5 năm qua, đặc biệt là năm 2005 Công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng ổn định, nhiều công trình trọng điểm được khởi công xây dựng, việc chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện vượt tiến độ đề ra. Cùng với sự phát triển kinh tế, phong trào công nhân viên chức ngành Công nghiệp cũng đạt được những thành tích cơ bản đó là:

Ngay từ đầu năm, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Bộ Công nghiệp đã có Chỉ thị liên tịch số 01 ngày 7/1/2005 về tổ chức các phong trào thi đua trong năm 2005, nhờ đó các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua lao động giỏi – Lao động sáng tạo; Phong trào nữ CNVCLĐ giỏi việc nước, đảm việc nhà; Phong trào thi đua liên kết trên công trình xây dựng tổ hợp Đồng Sin Quyền; Phong trào thi đua chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành Công nghiệp năm 2005 và kỷ niệm 60 năm truyền thống đặc biệt là phong trào thi đua nước rút 60 ngày đêm hoàn thành kế hoạch năm 2005 và kế hoạch 5 năm 2001-2005 được CNVCLĐ nhiệt tình hưởng ứng đã tạo nên một khí thế lao động mới, góp phần vào việc ổn định sản xuất và tăng trưởng kinh tế của ngành.

Cùng với phong trào thi đua lao động sản xuất, lao động với chất lượng cao (tăng năng suất, giảm giá thành…), công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; xây dựng văn hoá doanh nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp cũng được triển khai và duy trì đều đặn đã giúp giảm thiểu tai nạn lao động, tạo môi trường làm việc văn minh, văn hoá.

Đời sống vật chất, tinh thần; sức khoẻ của người lao động được các cấp lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác.

PV: Năm 2005, ngành Công nghiệp đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết TW 3 và Nghị quyết TW 9 khoá IX về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Do chuyển đổi phương thức sở hữu DNNN nên hoạt động công đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy CĐCNVN đã có những giải pháp gì trong công tác tổ chức cũng như chỉ đạo hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi. Đặc biệt là làm thế nào để đảm bảo thực hiện được công tác phát triển đoàn viên?

TS. Đỗ Đăng Hiếu: Với sự chuyển đổi nhanh chóng của các doanh nghiệp trong những năm qua, nhất là trong năm 2005, hoạt động công đoàn  trong các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng do tổ chức bị xáo trộn, phương thức hoạt động cũ không còn phù hợp với mô hình mới. Đứng trước tình hình đó CĐCNVN đã cùng với các TCTy nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp tổ chức mô hình CĐ CTy mẹ – con, mô hình công đoàn trong tập đoàn kinh tế đồng thời kiến nghị với TLĐ sửa đổi bổ sung Quyết định 758/QĐ-TLĐ cho phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Về mặt chỉ đạo hoạt động, CĐCNVN tập trung chỉ đạo các cấp CĐ trong ngành bám sát chức năng, nhiệm vụ của công đoàn để hướng dẫn nội dung hoạt động cho các CĐ sau chuyển đổi; Chỉ đạo việc duy trì các phong trào thi đua, tổ chức đại hội CNVC, hội nghị người lao động, ký thoả ước lao động tập thể ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trong ngành; tham gia với chuyên môn trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh với tinh thần đảm bảo cao nhất quyền lợi của người lao động.

Về công tác phát triển đoàn viên, CĐCN Việt Nam đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở xây dựng chương trình phát triển đoàn viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động thấy rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và quyền lợi thiết thực của họ khi gia nhập tổ chức công đoàn. Nhờ những việc làm tích cực đó, năm 2005, các cấp CĐ trong ngành đã kết nạp được trên 14.000 đoàn viên mới. 80% công đoàn đạt công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.

PV: Hợp tác quốc tế là một hoạt động rất quan trọng của CĐCN Việt Nam trong thời gian qua và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Xin ông cho biết, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, định hướng hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của CĐCNVN có gì mới?

TS. Đỗ Đăng Hiếu: Hợp tác quốc tế là một trong những hoạt động có hiệu quả của CĐCNVN. Năm 2005, ngoài các tổ chức quốc tế truyền thống, CĐCNVN đã tích cực và chủ động mở rộng mối quan hệ với các công đoàn quốc tế khác, đón tiếp hàng chục CĐ và tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc, đồng thời cử nhiều đoàn đi tập huấn, dự hội thảo, hội nghị ở các nước. Thông qua mối quan hệ quốc tế, CĐCN Việt Nam đã từng bước nâng cao vị thế, trao đổi học tập nhiều kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, tranh thủ được sự ủng hộ về chuyên gia và phương tiện vật chất, kỹ thuật trong công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn. 

Năm 2006 và những năm tiếp theo, nền kinh tế VN sẽ hội nhập nhanh chóng với khu vực và quốc tế, bởi vậy hoạt động hợp tác quốc tế của CĐCNVN cũng sẽ mở rộng và đi vào chiều sâu. Bên cạnh các hoạt động mở rộng quan hệ, trao đổi đoàn, giúp đỡ đào tạo cán bộ, CĐCNVN sẽ có mối quan hệ trao đổi thông tin và phối hợp với công đoàn các nước có nhà đầu tư tại Việt Nam, nhằm có những tác động để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!
  • Tags: