Để giải quyết vấn đề thiếu điện, EVN cần có giải pháp hiệu quả hơn

Trong những tháng gần đây, dư luận rất bức xúc về việc các đơn vị ngành Điện thường cắt điện luận phiên, cắt trong thời gian dài, thậm chí cắt điện đột xuất không báo trước, gây thiệt hại không nhỏ ch

Nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu điện thì có nhiều, cả lý do chủ quan và khách quan. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu vấn đề đầu tư của ngành Điện và đề xuất một số giải pháp để EVN hoạt động hiệu quả hơn.

Về tổ chức bộ máy: Việc hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, với ngành Điện, thì mô hình này chưa được như mong muốn, bởi ở nước ngoài, đã là tập đoàn thì phải đồng bộ từ hoạt động tài chính, kinh doanh, sản xuất, đến các tổ chức doanh nghiệp... có sự tác động hỗ trợ lẫn nhau trong một guồng máy khép kín, khoa học. Còn ở EVN, bộ máy cán bộ điều hành tại các đơn vị thành viên ngày càng phình to, đồng nghĩa với việc bố trí cán bộ và quy hoạch cán bộ chưa hợp lý.

Vấn đề đầu tư: Trong các Quy hoạch phát triển điện IV, V, VI đều chỉ rõ từng thời hạn cụ thể sẽ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện, nhưng thật tiếc, đến nay, mới chỉ có phần lưới là đi trước một bước, song cũng đang gặp khó khăn do tình hình giá cả vật tư tăng đột biến, các nhà thầu phải dãn tiến độ, dẫn tới nhiều công trình thi công bị chậm, không hoàn thành đúng cam kết. Bên cạnh đó, nhiều năm rồi, ở nước ta chưa có lấy một công trình nào tầm cỡ Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Ialy... đưa vào hoạt động, mà chỉ hoàn thành một số dự án nguồn ngoài EVN ở các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, với chiến lược kinh doanh đa ngành, EVN lại tập trung đầu tư vào các lĩnh vực viễn thông, tài chính thương mại, bất động sản..., kể cả việc các công ty kinh doanh điện đang hoạt động đến từng địa phương, nhưng vẫn thành lập Công ty CP mua bán điện. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ trong Ngành cho biết, lĩnh vực viễn thông điện lực của EVN ra đời khá sớm, song chính thức hoạt động thì quá muộn, dẫn tới thị phần bị thu hẹp nên EVNTelecom đang khá vất vả với việc kinh doanh viễn thông.

 Đầu tư về lưới điện có khá hơn so với nguồn điện, nhưng những công trình lớn thì đã hoàn thành từ hàng chục năm qua, như đường dây và trạm 500 kV Bắc – Nam. Sau hơn 10 năm vận hành, nhiều sự cố lớn đã xảy ra do không quan tâm sửa chữa, nâng cấp, phát hiện, mà rõ nhất là sự cố cháy 3 máy biến áp 500 kV ở Nhà máy Thuỷ điện Ialy, cháy máy biến áp 500 kV tại Đà Nẵng, Trạm 500 kV Hoà Bình và ở khu vực các tỉnh phía Nam..., gây thiệt hại không nhỏ. 

Đầu tư cho kinh doanh thì chưa mang tính chiến lược, bởi từ đầu những 2000, đã có dự kiến xây dựng Trung tâm Thương mại Điện lực tại khu vực Nhà máy điện Yên Phụ. Hàng chục ngàn mét vuông đất tại đây được giải phóng chờ dự án, nhưng đến nay vẫn án binh, bất động. Trong khi đó, EVN lại muốn phá hết những thành quả trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng khu vực trụ sở Tập đoàn, các Công ty, doanh nghiệp của mình ở các phố Trần Nguyên Hãn, Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ để xây dựng Trung tâm Tài chính Thương mại. Hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại ở khu vực này nếu được đầu tư vào dự án nguồn điện, chắc sẽ góp phần “giảm nhiệt” do thiếu điện gây ra.

Về huy động vốn: Nhớ lại vài năm trước, khi cổ phần, cổ phiếu đang lên cao, EVN huy động trong Ngành, đã có nhiều đơn vị mua 100%, nhiều công nhân đăng ký mua từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Với số lượng hơn 80 ngàn lao động trong Tập đoàn mà đăng ký như thế thì không phải lo vốn đầu tư. Tiềm lực về tài chính để thu hút đầu tư chắc chắn sẽ không thiếu, nhưng không có đầu mối chính để huy động, kể cả việc phát hành trái phiếu... nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn. Thiếu điện, trước đây, đổ tại thiếu nước ở các hồ chứa thuỷ điện, bây giờ mưa nhiều, nước đầy, lỗi vẫn thuộc về thiếu vốn, thiếu nguồn.

Trước tình hình thiếu điện hiện nay, mới đây, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình cung ứng điện tại các doanh nghiệp thuộc EVN. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu EVN ngừng đầu tư vốn vào các lĩnh vực khác..., tập trung khắc phục tình trạng thiếu điện, thậm chí Phó Thủ tướng còn tỏ thái độ bức xúc và quyết liệt: “Đã là ngành Điện mà để thiếu điện là có lỗi, ngành Điện sinh ra là để cung cấp điện, vì bất cứ lý do gì mà không làm được là có lỗi”.

Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần công khai xin lỗi khách hàng, cắt giảm đầu tư hàng loạt các công trình xây dựng, cũng như những động thái mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua, nhưng như vậy không có nghĩa là khách hàng sẽ thông cảm. Chúng ta chia sẻ với ngành Điện về tình hình thiếu vốn đầu tư, về các dự án chậm tiến độ và khả năng không đáp ứng đủ nhu cầu nguồn điện, phải mua ngoài với giá cao, nhưng xã hội không chấp nhận những lỗi chủ quan từ phía ngành chủ quản. Vì vậy, EVN cần chú trọng hơn tới nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh điện năng; đồng thời, định hướng lại cơ cấu đầu tư, tập trung đầu tư có trọng điểm; chấn chỉnh lại hoạt động của các tổng B và nếu cần thì kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo tiến độ. Mặt khác, EVN cũng cần sớm rà soát lại bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều hành từ Tập đoàn tới cơ sở, sớm hình thành một bộ phận chuyên trách về quan hệ công chúng (PR - một trong những cầu nối quan trọng giữa EVN với khách hàng); đẩy mạnh giám sát công tác cải tạo, sửa chữa, đại tu thiết bị nguồn điện một cách chặt chẽ, khoa học; bố trí lịch cắt điện hợp lý và có thông báo cụ thể, rộng rãi tới người sử dụng điện... Có như vậy, EVN mới hy vọng lấy lại lòng tin, sự cảm thông từ khách hàng và nhân dân cả nước. 

  • Tags: