Sau khi ký thỏa thuận về hàng dệt may Việt-Mỹ, các nhà sản xuất hàng dệt may Mỹ và các nhà xuất khẩu hàng dệt may ở châu Phi và vùng Caribê, vẫn được hưởng quy chế ưu đãi khi thâm nhập thị trường Mỹ, đã lên tiếng cảnh báo lo ngại trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu châu á, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Việt Nam, nơi giá lao động rẻ và hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Tờ “Miami Herald Tribune” có bài “Các nước châu á giành được phần lớn hơn trong thị trường quần áo toàn cầu”, cho rằng, các nước châu Phi và vùng Caribee phải cảnh giác vì Trung Quốc và Việt Nam đang chiếm thị phần ngày một lớn hơn.
Ngày 1/1/2005, khi Hiệp định về hàng đa sợi hết hiệu lực theo tuyên bố của chính quyền Mỹ, các hiệp định ưu đãi về hạn ngạch, thuế quan với hơn 100 nước mà Mỹ đã ký cũng sẽ hết hiệu lực theo. Lúc đó, tất cả các nước sẽ phải cạnh tranh trước hết là về giá thành và giá bán; yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá này là giá lao động vì các loại thuế nhập khẩu trong những năm gần đây không còn là yếu tố quyết định giá bán ở thị trường Mỹ nữa. Cái mới đối với thị trường nhập khẩu hàng dệt may Mỹ là sức tăng trưởng nhanh của hàng xuất khẩu Trung Quốc và Việt Nam, cho đến nay, vẫn phải chịu cả thuế lẫn hạn ngạch. Hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đã vượt Mêhicô, nước hoàn toàn không phải chịu thuế hay hạn ngạch nào với Mỹ. Thị phần hàng dệt may Việt Nam ở Mỹ vẫn còn rất nhỏ, nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2003, với 32 triệu chiếc quần dài, Việt Nam đã vượt bất kỳ một nước ở vùng Caribê vẫn xuất khẩu quần dài may sẵn vào Mỹ.
Năm 2001, Việt Nam hầu như không xuất hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Nhưng đến nay, hàng dệt may Việt Nam đã có vị trí sau Mêhicô. Ông Seth Bodner, từng là nhà đàm phán về các hiệp định dệt may Mỹ, nói: “Đây là lời cảnh báo trước những gì sẽ xảy ra với các nhà sản xuất ở vùng Caribee và châu phi khi hệ thống hạn ngạch không còn nữa”.
Các quan chức từ các nước đang phát triển cũng lo ngại rằng, Trung Quốc và Việt Nam, có giá lao động thấp nhất thế giới, sẽ đánh bật hàng xuất khẩu của các nước vùng Caribê và châu Phi ra khỏi thị trường Mỹ và nếu điều này xảy ra thì các cảng biển ở Nam Florida (Mỹ) cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Công lao động tối thiểu ở Việt Nam là 1,6 USD/ngày; Trung Quốc 1,75 USD/ngày. Haiti, nước nghèo nhất ở Tây Bán Cỗu, mới nâng ngày công tối thiểu lên 2 USD/ngày; còn ở Mêhicô là 4 USD/ngày.
Ông Peter Craig, đại diện thương mại của Đại sứ quán Môrixơ ở Oasinhtơn, nói: “Các nước châu Phi rất quan tâm đến vấn đề này. Việc Hiệp định hàng đa sợi hết hiệu lực sẽ buộc các ngành công nghiệp non trẻ của họ vào cuộc cạnh tranh trực diện với các nhà xuất khẩu hàng dệt may truyền thống lớn như Trung Quốc, ấn Độ, Pakistan và nay là Việt Nam”.
Theo Hiệp định hàng đa sợi, Mỹ đã ký hàng chục hiệp định thương mại song phương và khu vực. Ngoài “Sáng kiến vùng Caribee”, Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ-NAFTA”, Mỹ còn có đạo luật Cơ hội phát triển châu Phi”, Hiệp định tự do thương mại với Gióocđani; kết thúc đàm phán FTA với Xingapo và Chilê; các hiệp định mới sẽ được xúc tiến với Việt Nam và 5 nước Trung Mỹ.
Các hiệp định thương mại mới này đã ảnh hưởng nặng tới ngành công nghiệp Mỹ. Trong hơn 10 năm qua, Mỹ đã mất 740.000 việclàm trong ngành Dệt-May. Với tình hình hàng nhập mạnh như hiện nay, hiện tượng đóng cửa các nhà nhà máy ở Mỹ diễn ra hàng ngày, nhiều nhà sản xuất hàng dệt may đã phải tuyên bố phá sản hay đề nghị hỗ trợ để tránh bị phá sản.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ, thu lợi từ việc nhập hàng rẻ, lại không thông cảm với các nhà sản xuất, nói rằng, công nhân Mỹ không thích nghề may và ngành công nghiệp dệt Mỹ được bảo hộ quá mức.
Tờ “Thời báo Oasinhtơn có bài “Mỹ hạn chế hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam” dẫn lời một quan chức thương mại Mỹ cho rằng, thỏa thuận mới về hàng dệt may Việt-Mỹ sẽ hạn chế được khối lượng hàng ồ ạt, “hầu như không giới hạn” của Việt Nam nhập vào Mỹ. Bài báo viết: “Hàng dệt may Việt Nam bán tại Mỹ đã tăng đến chóng mặt từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ thương mại cuối năm 2001, biến nước này thành nguồn hàng lớn thứ 6 nhập vào Mỹ. Với mặt hàng này, Việt Nam hầu như có sức tăng trưởng không hạn chế, nhưng nay họ đã bị hạn chế như với các nước khác”. Các nhà sản xuất Mỹ đề nghị chính quyền Bush phải bảo hộ họ trước tốc độ hàng nhập từ Việt Nam tăng nhanh. Theo họ, có những mặt hàng dệt may đã tăng hơn 1000%. Còn các nhà nhập khẩu và bán lẻ lại mong muốn áp dụng tự do mậu dịch, nói rằng như thế người tiêu dùng Mỹ sẽ được lợi.
Nhìn tổng thể, giá trị hàng dệt may Việt Nam nhập vào Mỹ tăng vọt từ 49 triệu USD trong năm 2001 lên 952 triệu USD năm 2002.
Việt Nam không muốn Mỹ áp đặt hạn ngạch đối với mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ này. Theo thỏa thuận mới, 38 mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ phải chịu hạn ngạch. Như vậy trong 12 tháng tới, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ có thể đạt giá trị 1,65 tỷ USD; nếu không có hạn ngạch mới và với tốc độ như hiện nay, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ có thể đạt tổng giá trị 2 tỷ USD cùng thời gian.
Thỏa thuận này có thể sẽ được kéo dài sau khi hết hiệu lực vào năm 2004, cho phép tăng 7%/năm. Theo một quan chức thương mại Mỹ, trước khi có thỏa thuận mới, Việt Nam là nhà sản xuất hàng dệt may lớn duy nhất ở châu á không phải chịu hạn ngạch.
Phía Mỹ còn cáo buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất lậu hàng quần áo Trung Quốc dán mác “Made in Việt Nam – sản xuất tại Việt Nam”. Trong hiệp định mới, phía Mỹ sẽ được phép đưa nhân viên hải quan đến thanh tra các cơ sở sản xuất, các xí nghiệp may ở Việt Nam để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của hàng dệt may. Nếu tiếp tục phát hiện thấy các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất hàng Trung Quốc, phía Mỹ sẽ có quyền cắt giảm hạn ngạch đã thỏa thuận./.