Đỗ Kế - Người nghệ sỹ công nhân

Cách đây vài năm, tôi có được xem bộ phim về một người phụ nữ Nhật Bản, mãi hơn 80 tuổi mới cầm bút vẽ, vậy mà bà đã vẽ rất nhiều và rất đẹp, rồi mở nhiều triển lãm tranh gây ấn tượng. Đỗ Kế thì không

Sinh trưởng trong một gia đình không có ai làm nghệ sĩ, thế nhưng, ông Kế lại ham thích hội họa từ nhỏ và quyết tâm theo học trung cấp mỹ thuật, mặc dù ông tự nhận mình không có năng khiếu. Vào làm tại Nhà máy Cao su Sao Vàng, ông được đi học tiếp 5 năm đại học Mỹ thuật và về làm cán bộ công đoàn chuyên vẽ tranh tuyên truyền cổ động cho Nhà máy. Cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền đã cuốn phăng ông đi, thời gian chẳng chờ đợi ai, ngoảnh đầu nhìn lại đã 40 năm, ông Kế mới giật mình thảng thốt, ngoài những bức tranh vẽ từ thời còn đi học và rải rác một số tranh trong một vài cuộc thi gần đây, ông có quá ít tác phẩm trong đời họa sĩ của mình. Những khoảnh khắc quí giá của mấy chục năm gắn mình với sản xuất tại cơ sở đã qua đi không bao giờ lấy lại được. Mà để làm một triển lãm thì phải có nhiều tranh một chút. Thế là ông hối hả đi vẽ ở Sa Pa, Điện Biên, vào những bản làng người dân tộc ở để ghi lại những đổi thay của đất nước sau bao nhiêu năm mải miết với những panô, áp phích, với những trang trí gian hàng, hội chợ. Dẫn tôi đi xem một vòng phòng tranh từ tầng 1 lên tầng 3, ông Kế nói rất chân thành:

- Gọi là triển lãm tranh, chứ thực ra tôi chỉ dám coi đây là một triển lãm phác thảo và ký họa thôi.

- Sao tranh của ông lại có hai mảng mầu đối lập nhau gần như hoàn toàn vậy, gam màu trầm với bố cục đơn giản, gam màu mạnh lại có vẻ rực rỡ, bay bổng hơn – tôi hỏi.

Ông Kế cười thú nhận: - Những bức tranh gam trầm đấy tôi mới thực sự coi là tranh, bởi tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian cho nó, đó là những bức tôi vẽ từ hồi còn đi học và đều vẽ về những quang cảnh lao động trong Nhà máy. Còn những bức màu mạnh là tôi mới vẽ gần đây, cuộc sống thay đổi cần có sự thay đổi trong bố cục và màu sắc, mới thấy được sự tương phản của hai giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Nhưng thực sự, tôi lại coi đấy chỉ là những phác thảo vì tôi vẽ vội, vẽ để có đủ tranh trưng bày. Tôi thích nhất bức tranh khắc gỗ tốt nghiệp “Tổ sản xuất dây cao su” bởi tôi đã phải đi thực tập hơn 1 năm, sau đó mất hơn 3 tháng mới hoàn thành, đó thực sự là tâm huyết của tôi.

Bức tranh đó của ông Kế đã được gửi sang Đức và được treo trong Triển lãm tranh của Đức và có mặt trong Triển lãm tranh Hội mỹ thuật toàn quốc năm 1975. Một vài tranh sau này ông vẽ cũng đạt giải trong một số cuộc thi tuyên truyền cổ động, nhưng cũng không đều lắm, ông đã thực sự bị cuộc sống cuốn theo vòng xoáy của nó mà phải mất đến 40 năm, ông mới tỉnh ngộ. Hỏi ông sẽ làm gì sau triển lãm tranh lần này, ông Kế thoáng chút ưu tư. “Tôi đã bỏ phí mất 40 năm – khoảng thời gian thực tiễn quí báu mà không phải họa sĩ nào cũng có được. Bây giờ tôi đã có nhiều thời gian hơn để dành cho việc sáng tác, nhất định tôi sẽ vẽ thật nhiều để tranh thủ thời gian. Tôi dự định sẽ tổ chức một triển lãm nữa kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004) và nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ làm tiếp một triển lãm với đề tài “Người Hà Nội vẽ về Hà Nội” kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10/2004”.

Đúng là gọi cuộc triển lãm của ông Kế là triển lãm tranh thì hơi quá, nhưng nếu bảo đó chỉ là những bức phác thảo và ký họa thì cũng không hẳn. Chỉ có thể nói đó là sản phẩm của một người không chuyên nghiệp lắm, không thiện chiến lắm trong giới họa sĩ. Tranh của ông chân chất, mộc mạc như tâm hồn ông vậy. Nói ông ghi chép đời thường vào tranh thì đúng hơn. Thế nên, khi ông nói sẽ mở triển lãm tranh tại nhà, bạn bè đồng nghiệp ai cũng ủng hộ. Lần đầu tiên mở một triển lãm riêng cho mình, ông hồi hộp lắm. Ngày khai mạc, khách đến đông nghịt, dù cho nhà ông sâu tít trong ngõ Xã Đàn 3 chật hẹp. Ông phấn khởi lắm - đó là phần thưởng lớn nhất đối với tôi - ông bảo với tôi như vậy.

Ngẫm lại, thấy trong cuộc sống của thời kinh tế thị trường này, có một người không nghĩ cho mình mà lại hết mình cho những điều cao cả, đó mới thực sự là điều đáng quí. Giá như mỗi ngày, đều có những người mang cái “tâm” thánh thiện ấy đến với cuộc sống, thì cuộc sống của chúng ta sẽ càng có ý nghĩa biết bao.

  • Tags: