Cuộc sống của hàng triệu người dân trên khắp cả nước đang bị xáo trộn vì bị cắt điện liên miên để nhường điện cho các DN công nghiệp và xuất khẩu, được coi là “con cưng” của nền kinh tế, là người làm ra GDP cho quốc gia.
7 ngày mất điện, dân sống kiểu gì?
40 ngày nay, những người dân ở xóm Cuối, làng Linh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phải triền miên sống trong cảnh đèn dầu.
“Liên tục ngày nào cũng bị mất điện từ 7h sáng đến tận 10h hoặc 11h đêm mới có điện trở lại, kể ngày Thứ 7, Chủ nhật. Làng chúng tôi vào buổi tối thì u ám, tối thui như hũ nút, còn ban ngày thì nóng nực không chịu nổi. Thật mệt mỏi khi cứ phải sống trong cảnh này”, ông Tạ Quang Ngãi, người dân làng này bức xúc phản ánh với VietNamNet.
Sinh hoạt đảo lộn vì mất điện (ảnh: VNN)
Ông than thở: “Người già đau ốm vì mất điện đã đành. Khổ nhất là trẻ em, là các cháu học sinh đang bước vào mùa thi cuối kỳ 2”.
Không có điện, cháu ngoại của ông Ngãi, học sinh lớp 5 trường tiểu học Việt Đức cả tháng nay phải châm đèn dầu để có ánh sáng học bài. Buổi trưa, ông phải đổ nước ra nền nhà để vớt vát chút hơi mát. Cả làng ông, mấy ai có máy phát điện, quạt tích điện cơ chứ!
Thật khó mà thống kê được, trên khắp cả nước, có bao nhiêu làng xã đang bị ngành điện "hành" như vậy, bởi “nguyên tắc ưu tiên phụ tải công nghiệp và xuất khẩu trong điều kiện thiếu điện”.
Không chỉ những “dân đen” như ông Ngãi, mà người đứng đầu Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, ông Phạm Mạnh Thắng cũng lắc đầu “chào thua” kiểu cắt cúp của ngành điện hiện nay.
Tại cuộc họp giao ban đầu tuần của Bộ Công Thương mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng đã lên tiếng chỉ trích EVN: “Điện sinh hoạt nông thôn bị cắt nhiều nhất, gần như 7 ngày/tuần. Liệu EVN cắt giảm như vậy có đúng chủ trương của Chính phủ cho phép hay không?”
Ông cũng không ngại khi “tố thẳng” với Bộ rằng: “Thực tế ở một số địa phương như Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu... thì việc tiết giảm điện không phải là 6% sản lượng như EVN công bố. Ví dụ ở Bình Dương, lượng điện cắt giảm lên đến 18-20% và hầu hết tập trung ở điện sinh hoạt.”
“Theo đánh giá của chúng tôi, EVN đã vận hành không thật sự đảm bảo an ninh cung cấp điện”, ông Cục trưởng nhấn mạnh.
Bớt xén mãi điện sinh hoạt là không hiệu quả
Ngành Điện cần xem xét lại cách thức cắt điện hiện nay (ảnh: theo dddn)
Dẫu biết nguyên tắc tiết giảm điện từ nhiều năm nay là khi thiếu điện, cần phải ưu tiên số 1 cho sản xuất và xuất khẩu, nhưng cái cách mà ngành điện đang thực hiện tiết giảm hiện nay xem ra rất đáng báo động và cần phải điều chỉnh lại.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam cũng thừa nhận: "Lượng điện phân bổ chỉ có thế. Nhưng nếu cứ cắt sâu ở khu vực sinh hoạt, nông thôn, vừa không tiết giảm được bao nhiêu, mà lại ảnh hưởng quá nặng nề đời sống dân sinh.""Ví dụ, với cơ cấu phụ tải công nghiệp ở Bình Dương là tới 80%, ở Đồng Nai là 85% và nếu tỉnh bị tiết giảm 15-20% sản lượng điện thì coi như, dân không có điện để dùng", ông Hợp nói.
Toàn Tổng công ty điện lực miền Nam có tới 56% là phụ tải công nghiệp. Tháng 5 này, Tổng công ty chỉ được phép dùng 64- 65 triệu kWh/ngày, thiếu khoảng 10- 12 triệu kWh/ngày.
Với nguyên tắc tiết giảm trên, 44% phụ tải ngoài công nghiệp, trong đó, “nông thôn, sinh hoạt” vốn được coi là thứ yếu sẽ phải chịu toàn bộ lượng điện thiếu tới 10 triệu kWh/ngày cho toàn Tổng công ty.
Như vậy, phụ tải sinh hoạt của 21 tỉnh miền Nam sẽ bị cắt tới 30% so với nhu cầu. Tính toán tương tự, phụ tải sinh hoạt miền Bắc, sau khi xin thêm 1 triệu kWh/ngày thì tới nay, cũng sẽ bị “dồn cắt” tới 48-50%.
Trước tình trạng bị dư luận kêu ca về thời gian cắt điện cả tối, ông Hợp bày tỏ: “Chúng tôi cũng đang kiểm tra lại việc tiết giảm điện. Điện sinh hoạt sẽ phải tính toán lại để làm sao, đến 6h tối có điện cho việc học tập của học sinh…”
Cũng theo vị lãnh đạo này, so với cùng kỳ năm trước, phụ tải sinh hoạt quí I chỉ tăng 9% trong khi, phụ tải công nghiệp tăng tới 20%. Nếu phải tiết giảm điện thì tiết giảm ở chính các doanh nghiệp công nghiệp mới là hiệu quả.
Một nhà máy xi măng Hà Tiên ở Kiên Giang đã "ngốn" tới 30% sản lượng điện toàn tỉnh. Khi nhà máy này đăng ký giảm 8-10% sản lượng tiêu thụ thì coi như, không cần cắt luận phiên ở sinh hoạt, cũng đã đạt chỉ tiêu về mức ăn đong điện.
Một đại diện của Tổng công ty điện lực miền Bắc phân tích: “Nhà máy xi măng Cẩm phả dùng hết 90.000kWh/tấn xi măng, thì các doanh nghiệp xi măng khác lại tiêu hao tới 120.000-125.000kWh/tấn xi măng.”
“Giả dụ, nhưng doanh nghiệp này làm tốt như xi măng Cẩm phả, là đã giảm được đáng kể lượng điện rồi, tới 28% sản lượng”, vị đại diện này nói.
Nếu thêm được 1 triệu kWh/ngày cho điện nông thôn là rất quí, đỡ đi được bao nhiêu nỗi khổ cho dân trong khi, các doanh nghiệp chỉ cần xem lại công nghệ, điều chỉnh hoạt động dây chuyền là có thể giảm sản lượng vừa đủ mức tiết giảm chung của địa phương, ông Hợp chia sẻ.
Tuy nhiên, bài toán cắt điện ở đâu để không ảnh hưởng dân sinh như hiện nay, mà vẫn tuyệt đối ưu tiên cho sản xuất thì có lẽ, phải hỏi ngược lên EVN hoặc… Chính phủ, ông Hợp nói.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực: EVN vận hành hệ thống điện theo tiêu chí giảm lỗ
Bộ Công Thương có chỉ thị EVN phải chạy hết nguồn điện hiện có, kể cả nguồn nhiệt điện dầu.
Tuy nhiên, EVN lại giảm sản lượng nhiệt điện dầu. Tháng 3, nhiệt điện dầu là 18 triệu kWh/ngày, tháng 4 chỉ còn 2-3 triệu kWh/ngày. EVN đã vận hành không thật sự đảm bảo an ninh cung cấp điện mà theo tiêu chí đảm bảo giảm lỗ bởi giá thành nhiệt điện dầu cao.
Nếu EVN vẫn vận hành chạy dầu như tháng 3 thì việc tiết giảm điện sẽ giảm rất nhiều.
Về nguyên tắc tiết giảm điện, tại các nước, khi thiếu điện, cũng đều áp dụng ưu tiên phụ tải công nghiệp trước, rồi mới tới sinh hoạt.
Chỉ có điều là, mỗi tuần, EVN báo cáo chúng tôi chỉ vỏn vẹn có một trang A4 về tình hình thực hiện tiết giảm điện trên 63 tỉnh thành, đều bảo là tốt cả.
EVN không báo cáo về việc vận hành từng nhà máy mặc dù có yêu cầu, không báo cáo kế hoạch tiết giảm điện của từng tổng công ty và từng tỉnh như chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Thực hư thế nào, cắt điện hợp lý hay không thì chỉ có EVN là tự biết. Chúng tôi không thể đánh giá nổi.