1. Nông, lâm, thủy sản
Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, trên cơ sở phát huy tốt nhất các tiềm năng về rừng, đất rừng, đất đai... Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, tạo ra nông sản phẩm có chất lượng cao phù hợp với lợi thế so sánh động với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. 

Dự kiến tốc độ tăng trưởng GTTT bình quân hàng năm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 8,7%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 7,9%/năm thời kỳ 2016-2020, trong đó thời kỳ 2011-2015 nông nghiệp tăng khoảng 9%/năm, lâm nghiệp tăng 4,8%/năm, thủy sản tăng 9,3%/năm; thời kỳ 2016-2020 nông nghiệp tăng 8,1%/năm, lâm nghiệp tăng 4,4%/năm, thủy sản tăng 8,0%/năm. 

a. Nông nghiệp
- Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt trong cơ cấu của ngành nông nghiệp; Trong giai đoạn đến năm 2015, cơ bản định hình sản xuất nông nghiệp (quy mô các loại cây trồng, con vật nuôi), sau năm 2015 tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, thâm canh tăng năng suất. Chú trọng phát triển chăn nuôi, nâng cao tỷ trọng của chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ; nội bộ ngành trồng trọt theo hướng tăng dần tỷ trọng của nhóm ngành cây công nghiệp dài ngày, như: cà phê, cao su, mía và cây ăn quả nhằm đáp ứng cho công nghiệp chế biến; nội bộ ngành chăn nuôi theo hướng tăng dần tỷ trọng của chăn nuôi gia súc. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, xây dựng các hợp tác xã theo hình thức tự nguyện ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục phát huy tính tích cực của các nông - lâm trường để trở thành chỗ dựa của các thành phần kinh tế khác tại địa bàn nông thôn. Gắn mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao dân trí và từng bước cải thiện đời sống nhân dân. 

Dự báo giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9%/năm giai đoạn 2011-2015 và 8,1%/năm giai đoạn 2016-2020; trong đó thời kỳ 2011-2015 trồng trọt tăng khoảng 9,1%/năm, chăn nuôi tăng 9,7%/năm, dịch vụ tăng 10,5%/năm; thời kỳ 2016-2020 trồng trọt tăng khoảng 8,2%/năm, chăn nuôi tăng 8,6%/năm, dịch vụ tăng 9,4%/năm. 

b. Thủy sản
Đến năm 2020 phấn đấu tổ chức nuôi trồng thủy sản trên 21.855,9 ha, trong đó: diện tích nuôi ao hồ nhỏ 881,5 ha, diện tích nuôi hồ chứa mặt nước lớn và vừa: 20.974,4 ha (gồm: Yaly, Pleikrông, Thượng Kon Tum, Sê San 3, 3A, Sê San 4...). 

Đối tượng nuôi trồng bao gồm các loại thuỷ đặc sản: cá tầm, cá hồi, cá lăng, cá chình, cá anh vũ, cá bống tượng... và các loài cá nước ngọt: chép, trắm, mè, trôi, rôphi đơn tính, diêu hồng, basa, tai tượng, cá lóc, cá chép lai nhiều máu... Đẩy mạnh nuôi thâm canh các đối tượng có khả năng xuất khẩu, như: cá tầm, cá hồi, cá rôphi, cá lóc, ba ba và các loài thuỷ đặc sản khác. 

c. Lâm nghiệp
Đẩy mạnh trồng rừng, phấn đấu nâng diện tích đất có rừng đạt trên 70% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có 30% diện tích rừng sản xuất đạt tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ rừng. Quản lý và bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có, đặc biệt là 622.976,6 ha rừng tự nhiên, đảm bảo chức năng phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp gỗ và lâm sản ổn định, lâu dài phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh. Tăng cường bảo vệ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên giầu tính đa dạng sinh học, như Ngọc linh, Chư Mom Rây... Bảo tồn các loài đặc hữu và phát triển du lịch sinh thái. 

Đến năm 2015 hoàn thành việc giao toàn bộ 93.517,1 ha rừng đặc dụng và 186.659,9 ha rừng phòng hộ cho các Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý theo quy chế quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng của Thủ tướng Chính phủ quy định, giao có thu tiền sử dụng rừng khoảng 200.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các công ty lâm trường quốc doanh. Đến năm 2020, số diện tích còn lại sẽ tiếp tục rà soát và giao cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và sử dụng theo các chương trình mục tiêu của Nhà nước, giao có thu tiền sử dụng rừng, cho thuê rừng, tổ chức, cá nhân, thuộc các thành phần kinh tế nhận, thuê để đầu tư sản xuất kinh doanh. 

2. Thương mại - Dịch vụ - Du lịch
a. Thương mại – Dịch vụ
Dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gấp 1,7 - 1,8 lần mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh (khoảng 24 - 25%/năm) thời kỳ 2011-2015 và 1,9 - 2,0 lần mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh (khoảng 26 -27%/năm) thời kỳ 2016-2020. Đẩy mạnh hoạt động thương mại, củng cố hệ thống phân phối chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Tổ chức tốt mạng lưới thương nghiệp vùng nông thôn, miền núi. Khu vực dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng (tính theo GDP) khoảng 16,0%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 15,6%/năm thời kỳ 2016 - 2020; thu hút khoảng 23-24% và 29% lao động trong các ngành kinh tế quốc dân vào năm 2015 và năm 2020. 

Về xuất, nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân 16-17%/năm thời kỳ 2011-2015, bình quân 18-19%/năm thời kỳ 2016-2020. Đến năm 2015, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 160-170 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 125-130 triệu USD; đến năm 2020 đạt 400-450 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 300-320 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực từ nay đến năm 2020 là sắn lát và tinh bột sắn; mủ cao su; cà phê; đồ gỗ; sản phẩm may mặc, sau năm 2020: các sản phẩm vật liệu xây dựng, súc sản... 

Xây dựng và phát triển mạng lưới chợ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, quy mô giao dịch, dòng vận động hàng hoá, điều kiện giao thông, nguồn lực và lịch sử, văn hoá, phong tục, truyền thống của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có 100%, phường, thị trấn đều có chợ; ở nông thôn: xác định chợ phiên nửa tháng một lần, tiến tới một tuần một lần khi có điều kiện, đến năm 2020, 100% xã khu vực II có chợ; 60-70% số xã khu vực III có chợ (ít ra là chợ phiên); xây dựng mạng lưới điểm bán hàng, cửa hàng buôn bán trên cơ sở hình thành các khu dân cư, các khu vực chế biến sản xuất, các khu vực chuyên canh. Xây dựng chợ đầu mối nông sản tại thành phố Kon Tum. Đầu tư nâng cấp chợ trung tâm thương mại Kon Tum, xây dựng thêm chợ ở thành phố và các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi. Xây dựng và phát triển chợ biên giới ở các xã Đăk Blô, Đăk Nhoong huyện Đăk Glei; các xã Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Sú, Bờ Y, Sa Loong của huyện Ngọc Hồi; các xã Mô Rai, Rơ Kơi của huyện Sa Thầy; chợ cửa khẩu ở Bờ Y- Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y. Nâng cấp cửa khẩu phụ ĐăkBlô thành cửa khẩu chính. Mở rộng giao lưu hàng hóa qua cửa khẩu phụ Đăk Long. Phối hợp với tỉnh Ratanakiri chuẩn bị các điều kiện cần thiết và kiến nghị Chính phủ 2 nước Việt Nam, Campuchia cho phép mở cửa khẩu phụ tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Việt Nam) – xã Nhang (huyện Dunmil, tỉnh Ratanakiri, vương quốc Cămpuchia) và thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại tại khu vực cửa khẩu. Phát triển thị trường và đại lý tiêu thụ: bảo đảm cho nông dân bán nông sản, mua vật tư phục vụ sản xuất, mua hàng hoá cho tiêu dùng thuận lợi. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực, như: cà phê, cao, su, sâm Ngọc Linh ra bên ngoài với thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, phát triển du lịch, trong đó vai trò của Nhà nước giữ vị trí chủ đạo; chú trọng việc liên doanh liên kết để phát triển du lịch. Tiến hành liên doanh, liên kết với các tổ chức thương mại, với các tỉnh trong vùng và cả nước để trao đổi hàng hoá, sản phẩm nhằm kích cầu cho sản xuất phát triển. 

b. Du lịch
Đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch sẵn có; phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch, huy động các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 đón 190 ngàn lượt khách, trong đó có 60 ngàn lượt khách quốc tế; năm 2020 đón 330 ngàn lượt khách, trong đó có 100 ngàn lượt khách du lịch quốc tế.
Đa dạng hoá các sản phẩm phục vụ du lịch và phát triển kinh doanh du lịch có hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, như: 

- Tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam, tham gia lễ hội, hành hương hướng về cội nguồn: Các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Việt và nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên, các lễ hội và sinh hoạt tâm linh, các di tích lịch sử cách mạng (ngục Kon Tum, ngục Đăglei, khu căn cứ Tỉnh uỷ...), các làng nghề truyền thống. 

- Tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học: Vườn quốc gia Chư Mon Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, khu du lịch Đăk Uy. 

- Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan: Khu nước khoáng Đăk Tô, vùng hồ Ya Ly, khu du lịch ĐăkBla, khu du lịch Măng Đen. 

- Chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; du lịch công vụ, hội nghị hội thảo; du lịch carnavan; du lịch cộng đồng.
Tích cực mở rộng và tham gia vào các tour, tuyến du lịch lữ hành nội địa, quốc tế. Hình thành và đưa vào khai thác khu du lịch Măng Đen, rừng đặc dụng Đăk Uy, lòng hồ thuỷ điện Ya Ly, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường Hồ Chí Minh và các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. 

- Các điểm du lịch quan trọng: Vườn quốc gia Chư Mom Ray; khu vực lòng hồ Ya Ly; khu du lịch bãi đá thiên nhiên km23; rừng thông Măng Đen (Kon Plong); suối nóng Đăk Tô - Thác Đăk Lung; rừng đặc dụng Đăk Uy; di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Ngục ĐăkGlei; di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; di tích lịch sử cách mạng điểm cao 601; nhà thờ gỗ Kon Tum; cầu treo KonKlor thuộc làng KonKlor, thành phố Kon Tum; nhà rông,... 

- Các tuyến du lịch:
Tuyến du lịch nội tỉnh: thành phố Kon Tum và phụ cận; Kon Tum - Sa Thầy - Chư Mom Ray; Kon Tum - Sa Thầy - Thủy điện Ya Ly; Kon Tum - Sa Thầy - Suối nước nóng YaMang - Mô Rai - Nhà máy Thủy điện Sê San; Kon Tum - Kon Rẫy - Làng văn hóa BaNaKonSkôi - Làng văn hóa Kon Du; Kon Tum - Đăk Hà - Rừng đặc dụng Đăk Uy – Hồ thủy điện PleiKrong; Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Tu Mơ Rông; Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - ĐăkGlei - Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Sa Thầy - Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Kon Tum - Kon Rẫy - KonPlong - Rừng thông Măng Đen. 

Các tuyến du lịch liên tỉnh: tuyến Kon Tum với các trung tâm du lịch cả nước, tuyến du lịch: "Con đường xanh Tây Nguyên" được nối vào "Con đường di sản" miền Trung và "Con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh" để hình thành nên một "Con đường du lịch xuyên quốc gia", tuyến "Con đường di sản" Việt Nam. 

Các tuyến du lịch quốc tế: Tuyến Kon Tum - Lào, Kon Tum - Pakse -Savanekhét - Vientian - Pakse - Kon Tum, tuyến Kon Tum - Lào - Thái Lan, Kon Tum - Pakse - Savanakhét - Pattaya - Noọng Khai - Vientian - Pakse - Kon Tum, tuyến "Con đường di sản Đông Dương", tuyến "Con đường du lịch hữu nghị" xuất phát từ Kon Tum qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến Lào, Thái Lan, Campuchia, nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) về Việt Nam. 

- Các vùng du lịch:
Vùng tiềm năng phát triển du lịch của Kon Tum bao gồm các huyện ĐăkGlei, Sa Thầy và Kon Rẫy. Đây là vùng có nhiều tài nguyên du lịch phong phú về sinh thái, văn hóa - lịch sử, di tích cách mạng gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. 

Các vùng ưu tiên phát triển du lịch: Cụm du lịch trung tâm thành phố Kon Tum và phụ cận; Cụm du lịch cửa khẩu quốc tế Bờ Y và phụ cận; Cụm du lịch sinh thái Măng Đen. 

3. Giáo dục - đào tạo
Thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện nội dung, phương pháp giáo dục ở tất cả các ngành học, bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; quan tâm chất lượng và hiệu quả giáo dục- đào tạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; 

a. Giáo dục mầm non
- Phấn đấu đến năm 2015, huy động trên 20% và năm 2020 trên 30% trẻ dưới 3 đến nhà trẻ; số trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ 80-85% vào năm 2015 và 90-95% vào năm 2020; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo trước khi vào tiểu học đạt tỷ lệ 99,8%. Nâng tỷ lệ học sinh nhà trẻ, mẫu giáo học bán trú hiện nay 35% lên 50%-60% vào năm 2020. 

- Nâng tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn lên 100%; 50% giáo viên mầm non trên chuẩn. 100% cán bộ quản lý ngành học mầm non qua chương trình đào tạo hoặc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chuyên ngành. 

- Xoá hết các phòng học mẫu giáo tạm bằng tranh tre hoặc xuống cấp. 100% số trường mầm non có công trình vệ sinh, nước sạch, có đủ đồ dùng đồ chơi, cảnh quan xanh, sạch đẹp; xây dựng được 25% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ xã, phường có trường, lớp mầm non đạt 100%. 

b. Giáo dục phổ thông
* Bậc Tiểu học
- Cải thiện cơ hội, điều kiện nhập học nhất là học sinh dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; huy động trẻ em 6 -11 tuổi học các lớp tiểu học đạt tỷ lệ 99% vào năm 2020, trong đó riêng trẻ 6 tuổi huy động vào học lớp 1 đạt tỷ lệ 99,8%. 

- Số trẻ 11 tuổi được công nhận hết bậc tiểu học đạt tỷ lệ 99% vào năm 2020; phấn đấu có từ 70% tỷ lệ học sinh được học tin học và ngoại ngữ. 

- Nâng số giáo viên tiểu học đạt chuẩn lên 100%, trên chuẩn 50% và 100% cán bộ quản lý qua chương trình đào tạo hoặc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và 100% thanh tra viên kiêm nhiệm được bồi dưỡng qua các lớp huấn luyện về nghiệp vụ thanh tra. 

- Cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị: Đến năm 2020 có 100% số phòng học đạt từ cấp 4 trở lên, trong đó 80% số phòng học kiên cố; 100% trường tiểu học có công trình vệ sinh, nước sạch và cảnh quan xanh, sạch, đẹp; 100% phòng học có đủ bàn, ghế, bảng đen đúng quy cách; về cơ bản đủ thiết bị học tập; 80% số trường có thư viện đạt chuẩn; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 50% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. 

- Tổ chức học 2 buổi/ngày và học bán trú đối với những nơi có điều kiện và nhu cầu. Phấn đấu năm 2020, 100% học sinh học trên 5 buổi/tuần, trong đó trên 80% học sinh học 2 buổi/ngày. 

- Quy hoạch các điểm trường lẻ đối với tiểu học.
* Cấp trung học cơ sở
- Số học sinh được công nhận hết bậc tiểu học hàng năm vào học các lớp THCS đạt tỷ lệ từ 99%; đối với những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt tỷ lệ từ 97% trở lên.
- Đảm bảo đủ số lượng giáo viên THCS và đồng bộ về cơ cấu các bộ môn; 100% giáo viên THCS đạt chuẩn, trong đó 85% trở lên giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn. Đến năm 2020, các trường THCS không còn phòng học tạm hoặc xuống cấp, trong đó có 80% trở lên số phòng học cao tầng; 90% số trường THCS có thư viện đạt chuẩn; 100% phòng học có đủ bàn ghế, bảng đen đúng quy cách; 24% số trường đạt chuẩn quốc gia. 100% học sinh được hướng nghiệp nghề; 100% học sinh được học các môn tự chọn; 50% học sinh được học 2 buổi/ngày; 100% số trường được trang bị phòng máy vi tính để 100% học sinh được học tin học và truy cập internet.
- Xây dựng các trường THCS ở các địa bàn chưa có trường THCS, tách các trường có nhiều cấp học thành các trường độc lập.
* Cấp trung học phổ thông
- Đưa chương trình dạy - học THPT vào nền nếp ổn định; thực hiện mạnh mẽ việc phân luồng học sinh sau cấp THCS, THPT; điều chỉnh dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT. Phấn đấu năm 2020 số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 tỷ lệ 75-80% (học hệ phổ thông và bổ túc văn hoá), số còn lại phân luồng khác (THCN, dạy nghề...); 100% giáo viên THPT đạt chuẩn trong đó 15% giáo viên THPT đạt trên chuẩn; 100% học sinh THPT học trên 6 buổi/tuần; 60% học 2 buổi/ngày.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục THPT, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học dưới 5% hàng năm.
- 100% học sinh THPT được học tin học và hướng nghiệp nghề.
- Mỗi huyện có ít nhất 01 trường THPT với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có phòng học các bộ môn, có sân chơi, bãi tập. 100% số trường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học; 33% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% số trường THPT có thư viện đạt chuẩn.
- Hoàn thiện việc hiện đại hóa trường THPT chuyên.
- 40% huyện, thành phố được công nhận phổ cập bậc trung học.
- Mở rộng quy mô các trường phổ thông. Đầu tư xây dựng Trường THPT phía Tây Nam thành phố Kon Tum; Trường THPT huyện mới Nam Sa Thầy (sau khi huyện mới thành lập).
c. Giáo dục thường xuyên
- Phát triển sâu rộng trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.
- Phấn đấu 100% các huyện, thành phố có trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động có hiệu quả và 100% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng.
d. Giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề
- Tập trung đầu tư, phát triển mạng lưới dạy nghề trên địa bàn theo quy hoạch; huy động năng lực dạy nghề trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp, làng nghề, hình thành mạng lưới dạy nghề với nhiều hệ thống, nhiều cấp độ để tăng nhanh quy mô dạy nghề,... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện dạy nghề theo nhu cầu thị trường,...
- Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng chuyên canh, vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế; dạy nghề nội trú cho thanh niên dân tộc thiểu số; phát triển dạy nghề lưu động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế được tham gia học nghề, tăng cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm...
- Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng cường thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ đến công tác tại tỉnh. Mở rộng đào tạo nghề, tăng quy mô và thực hiện đa ngành hoá, đa trình độ đào tạo ở các trường TCCN và cao đẳng.
- Ổn định và tăng hợp lý quy mô, số ngành nghề đào tạo cao đẳng một cách phù hợp trên địa bàn tỉnh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức lên khoảng 55% vào năm 2020.
- Ưu tiên tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường chuyên nghiệp, mở rộng các đối tượng cử tuyển, dự bị vào các bậc đào tạo.
- Kết hợp đào tạo trong nước với chọn học sinh giỏi, đạo đức tốt của tỉnh để gửi đi đào tạo nước ngoài thuộc một số ngành tiên tiến.
- Tăng cường chất lượng đào tạo cho trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Trường Trung học Y tế. Mở rộng quy mô đào tạo bằng cách đa dạng hoá các loại hình mở thêm nhiều mã ngành đào tạo, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng khu vực và Đại học Quốc gia. Nâng cao chất lượng hướng nghiệp đối với Trung tâm hướng nghiệp và kỹ thuật tổng hợp.
- Đầu tư xây dựng, phát triển Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum để vừa đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực, tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn Lào và Campuchia. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật giúp cho các nước bạn Lào và Campuchia.
e. Các nội dung khác
* Về giáo dục dân tộc
- Nâng cấp, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và rèn luyện toàn diện đối với học sinh. Thực hiện tuyển sinh đúng quy chế, tăng chỉ tiêu học sinh THPT, giảm học sinh THCS nhằm đáp ứng việc tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có 05 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia.
- Tăng cường khả năng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tổ chức dạy theo nhóm đặc biệt đối với những học sinh mất căn bản kiến thức ở các lớp dưới. Tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc tại chỗ cho cán bộ, giáo viên các trường thuộc Phòng Giáo dục quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú.
- Hoàn thiện và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp vùng dân tộc theo hướng đa nghề, đa cấp đào tạo. Tăng tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lên 10% vào năm 2020.
- Hình thành một số phân hiệu trường trung học phổ thông theo cụm xã vùng dân tộc thiểu số nơi có điều kiện và nhu cầu, như các xã phía Bắc huyện Ngọc Hồi và các xã phía Nam huyện Đăk Glei; các xã phía Bắc huyện Đăk Tô và phía Tây huyện Tu Mơ Rông; các xã Tây Nam huyện Kon Rẫy; Đông Bắc và Tây Nam thành phố Kon Tum. Mở rộng quy mô và tăng số lượng học sinh học tại các trường (lớp) nội trú bán trú xã, liên xã. Đảm bảo tốt việc học tập và nhu cầu sinh hoạt đối với học sinh.
- Xây dựng các ký túc xá tại các trung tâm huyện/thị cho học sinh dân tộc thiểu số cấp THPT (không thuộc diện hưởng chế độ nội trú) ở vùng sâu, vùng xa có nơi ở, sinh hoạt.
* Xã hội hoá giáo dục
- Tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách về xã hội hóa giáo dục.
- Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở tất cả các ngành học, bậc học. Huy động sự đóng góp của nhân dân từ nhiều nguồn để chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục và nâng cao dân trí.
- Vận động, phối hợp các lực lượng xã hội, khơi dậy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, hỗ trợ, chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung và đối với học sinh dân tộc thiểu số nói riêng.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các trường phổ thông (tư thục) chất lượng cao trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và huyện Đắk Hà. 

4. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Xây dựng hệ thống y tế tỉnh Kon Tum từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Đến năm 2015, có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra: phòng, chống dịch chủ động, tích cực, không để dịch lớn xảy ra; Dự báo, kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm và các tác nhân truyền nhiễm gây dịch, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh; phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tai nạn gây thương tích; khống chế số người nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và không tăng hơn trong các năm sau. Đầu tư, sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng theo hướng:
- Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư không phân biệt địa giới hành chính; các đơn vị chuyên môn y tế ở địa phương được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến.
- Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
- Từng bước thực hiện việc di chuyển các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra khu vực thích hợp.
- Các bệnh viện xây dựng mới phải phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bảo đảm đủ điều kiện xử lý chất thải y tế và khả năng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không ảnh hưởng tới người dân và môi trường sống.
- Đến năm 2015, số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 41,5 giường và đến năm 2020 là 46,3 giường.
- Xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, vừa làm cơ sở điều trị, vừa là cơ sở thực hành đào tạo cán bộ y tế.
(5) Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu thế mạnh của tỉnh. Củng cố và phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. 

5. Văn hóa, thể dục thể thao
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", đồng thời lồng ghép nội dung văn hóa vào hoạt động các phong trào hiện có ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và quần chúng nhân dân.
- Bảo tồn khai thác và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chú trọng duy trì và phát triển các đội cồng chiêng ở các làng. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, loại bỏ các hủ tục, hình thành nếp sống văn minh, sống và làm việc theo pháp luật.
- Xây dựng và phát triển các hoạt động VHTT cả về lực lượng và thiết chế từ tỉnh đến cơ sở.
- Tiếp tục điều tra sưu tầm nghiên cứu các loại hình văn hóa vật thể, văn hoá phi vật thể. Duy trì và phát triển các lễ hội (lịch sử, tôn giáo, dân gian, nghề nghiệp), các loại hình nghệ thuật, cồng chiêng.
- Tiếp tục nhân rộng các mô hình văn hóa ở cơ sở, như: câu lạc bộ gia đình văn hoá, làng văn hoá, xã văn hoá; làng văn hóa du lịch.
Phấn đấu đến năm 2015 có trên 70% số gia đình được xét công nhận gia đình văn hoá; mỗi huyện xây dựng 60% số làng văn hoá. Đến năm 2020, tỷ lệ này lần lượt là 80% và 70%. Số xã phường được công nhận là đơn vị văn hoá vào năm 2020 là 10 xã.
Đến năm 2015, số xã phường có nhà văn hóa là 80%, năm 2020 là 90%. Tỷ lệ thôn làng có thiết chế văn hóa vào năm 2015 là 60%, năm 2020 là 70%.
- Tăng cường quản lý nhà nước về văn hoá - văn nghệ, đẩy lùi một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị các huyện, thị trên toàn tỉnh.
- Giao lưu và giữ gìn mối quan hệ truyền thống với các tỉnh bạn trong vùng và các tỉnh Atôpư và Sê Kông (CHDCND Lào).
b) Thể dục thể thao
- Đẩy mạnh phong trào TDTT để nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tổ quốc.
- Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu:
+ Đến năm 2015 có 25%, năm 2020 có 30% dân số tập luyện TDTT thường xuyên. Trên 95% (năm 2015), 100% (năm 2020) số học sinh từ THCS trở lên và sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
+ Trên 95% (năm 2015), 100% (năm 2020) chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang đạt danh hiệu chiến sĩ khỏe. Trên 80% (năm 2015), 95% (năm 2020) thanh niên trong tỉnh đạt tiêu chuẩn thanh niên khỏe.
- Thể thao thành tích cao: Tập trung xây dựng đội bóng đá trở thành đội bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Xây dựng các đội: bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, điền kinh trở thành đội mạnh.

  • Tags: