Núi Non Nước có nhiều khối đá hoa và đá cẩm thạch có nhiều vân hoa và nhiều màu sắc. Các thợ đá ở đây chuyên đẽo gọt cẩm thạch của núi này làm thành nhiều mặt hàng rất đẹp. Những khối đá mịn thì làm bia, làm cối xay lúa, cối giã gạo, còn những mảnh đá có vân nổi lên nhiều màu sắc thì đem cắt gọt mài bóng thành những mỹ phẩm giá trị như hình người, hình muông thú, thành bình cắm hoa, thành đĩa, thành chén hoa… Những tấm đá rộng lớn thì dùng làm mặt bàn, mặt ghế. Loại đá xanh trong, màu lục có vân trắng ngọc thạch thì rất hiếm, chỉ dùng làm đồ trang sức cho phụ nữ như mặt nhẫn, vòng tay, chuỗi hạt đeo cổ…
Đá nổi trên mặt đất, phơi ra mưa nắng lâu ngày thường có nhiều vết rạn, lại giòn, dễ vỡ. Muốn tạc một tượng lớn như tượng Phật, người thợ đã phải mất nhiều thời gian và công sức để đào sâu xuống lòng núi mới lấy được khối đá to, còn nguyên vẹn. Nghệ nhân cho rằng, khối đá núi như thế “mềm ngọt và trong”, ít khi có dịp kiếm tìm cho được.
Có nhiều phiến đá tìm kiếm công phu được cắt ra từng phiến. Có phiến mài xong đã nổi rõ ngũ sắc, trông như bức tranh màu. Có phiến lại trắng tuyền, trên mặt gợi lên những vân hoa tròn, nếu mài bóng, trông chẳng khác nào những đóa mai trắng. Nghệ nhân say sưa ngắm những bức tranh trên đá do bàn tay mình vừa tạo ra, tưởng chừng thấy trong đó nào núi cao, rừng sâu, thác reo, suối chảy… Được một tấm đá đẹp như thế chưa hẳn là do may rủi, mà còn phải do công khéo léo chọn lựa đá, chọn lựa chiều đá để cắt ra. Thực sự, phần lớn nhờ nghệ nhân giầu kinh nghiệm mới làm cho đá dễ “lên vân”.
Ngành nghệ thuật dân gian ở núi Ngũ Hành vẫn được gọi bằng cái tên xa xưa, mộc mạc là “nghề đá”. Và người thợ đá Non Nước luôn mang đến cho du khách mối tình cảm sâu xa và đầy cảm phục giữa non nước và tình người.
Theo bia đá ghi lại tại chùa Phổ Khánh, thì làng đá mỹ nghệ Non Nước xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 17, nghĩa là cách nay gần 400 năm. Người có công đem nghề đá từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng là cụ Huỳnh Bá Quát. Ban đầu chỉ có vài ba gia đình sống bằng nghề đẽo đá nằm dưới chân núi Non Nước và những mặt hàng làm ra chỉ là những tấm bia mộ, những cối xay lúa, cối giã gạo mà thôi. Những người thợ hành nghề xem đây chỉ là nghề phụ chỉ thực hiện vào lúc nông nhàn, mùa màng đã thu hoạch xong. Đến đầu thế kỷ 19, số gia đình làm nghề đá tăng lên đến vài chục, tập trung ở các ấp Tây, ấp Trung và ấp Đông Hải của xã Quán Khái. Về sau, ông Cửu Đàn đã từ Huế mang về nghề chạm ấm trà bằng đá rất đẹp. Thế là mặt hàng bộ đồ trà bằng đá cẩm thạch Non Nước xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19, đánh dấu sự phát triển nghề đá ở đây đạt đến độ điêu luyện. Nó báo hiệu sự ra đời ngành chạm trổ trên đá, từ bộ đồ trà đã có thêm nhiều mặt hàng khác như “long - lân - quy - phượng”, “phúc - lộc - thọ”…
Vào năm 1922, số mặt hàng mỹ nghệ Non Nước được đưa sang Pháp dự hội chợ Marseille như lọ cắm hoa, chén bát bằng đá hoa, đá trắng, chén đĩa độc ẩm… được khách hàng Pháp tán thưởng.
Về sau này, ông Nguyễn Chất là người mở đầu cho nghệ thuật chạm khắc chân dung trên đá. Ngoài những sản phẩm truyền thống, nhiều nghệ nhân đã tạc theo mô tuýp tượng danh nhân nước nhà, tượng Phật, tượng Chúa hoặc những tác phẩm nghệ thuật đương đại như Bà mẹ Việt Nam, tượng đài chiến thắng…
Hiện nay, sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã có nhiều cơ hội tiếp thị khách các địa phương trong nước và khách quốc tế. Hàng trăm mặt hàng được tung ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Giá cả thì rất đa dạng, tuỳ theo màu sắc, kích cỡ, độ tinh xảo của từng mặt hàng.
Nếu có dịp đến Đà Nẵng, du khách có thể đến tham quan các cửa hàng bán sản phẩm mỹ nghệ làm từ đá Non Nước. Đây là mặt hàng lưu niệm mang đặc trưng đất Quảng. Nhiều loại hàng, từ nhỏ nhắn như đồ nữ trang hoặc to lớn như các tượng Phật, tượng La Hán cao đến vài, ba mét. Ngoài ra, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng các phiên bản của các tác phẩm cổ điển hay đương đại châu Âu.
Sản phẩm bán chạy thì đời sống của làng nghề có thay đổi, gia đình nghệ nhân có khấm khá hơn. Một số nghệ nhân biết tính toán, làm ăn giỏi, tìm bắt được thị trường tiêu thụ thì phất lên nhanh chóng. Với việc mở rộng thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An và sự hình thành khu du lịch Ngũ Hành Sơn, chắc chắn làng nghề Non Nước sẽ có nhiều cơ hội thuận tiện để làm ăn và phát triển.
Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn
TCCT
Ngũ Hành Sơn còn gọi là núi Non Nước, một danh thắng nổi tiếng xưa nay của Quảng Ninh. Ngũ Hành Sơn gồm có năm ngọn là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nằm rải rác trên vùng cát trắng của xã Quán Khái, huyện