Niềm mong ước bấy lâu…
Nếu ai đã từng đến KCN Sông Công thuộc xã Tân Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cách đây 3 năm và bây giờ trở lại, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi đến kỳ lạ của nó. Với diện tích 7 ha, bãi đất hoang vu ngày ấy, giờ đây đã là một nhà máy kẽm điện phân hiện đại vào bậc nhất Đông Dương, đứng thứ hai khu vực Đông Nam á sau Thái Lan. “Đến chúng tôi cũng không thể ngờ là cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành tâm nguyện của biết bao thế hệ lãnh đạo, CBCNV Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên”, ông Khai xúc động nói. Hơn 20 năm qua, trong quá trình khai thác tài nguyên đất nước, Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên đã nghĩ đến ngày, tự mình có thể sản xuất được kẽm thỏi, thay thế hàng nhập ngoại. Với sự nỗ lực hết mình trong thăm dò, khai thác và tính thuyết phục của dự án kinh tế, cuối năm 2003, nhà máy kẽm điện phân đầu tiên của Việt Nam đã được xây dựng tại KCN Sông Công, tỉnh Thái Nguyên với công suất 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 237 tỉ đồng.
Gần 3 năm qua, Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên đã dồn sức người, sức của, chắt chiu từng đồng vốn, từng chút kinh nghiệm, từng giọt mồ hôi, cùng với các nhà thầu trong nước và nước ngoài quyết tâm xây dựng nên nhà máy này, biến ước mơ của bao thế hệ thành sự thật. Và hôm nay, dưới ánh nắng thu vàng rực rỡ, chúng tôi được đến để chứng kiến và cảm nhận dòng kẽm đang chảy đầy sinh lực như dòng máu đang chảy trong huyết quản những người thợ nơi đây. Để cùng cảm nhận niềm tự hào trong sâu thẳm tâm hồn của những người lãnh đạo đương nhiệm Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên, những người đã từng ngày từng giờ trên công trường, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Nhà máy từ khi đặt viên gạch đầu tiên cho đến lúc Nhà máy đi vào vận hành. Chỉ vào đống nguyên liệu đang chuẩn bị vào lò luyện kẽm, ông Khai nói: “Chị biết không, từ viên quặng vô tri, vô giác được moi ra từ trong lòng đất, chúng tôi đã sản xuất thành những tấn kẽm thỏi đầu tiên với hàm lượng kẽm bốn con chín thay thế hàng nhập ngoại, điều này ý nghĩa lắm”. Đúng là ý nghĩa lắm khi kẽm thỏi rất cần trong các ngành công nghiệp như mạ kẽm cho ống dẫn nước, tấm lợp, sản xuất pin… Nhu cầu thì nhiều, nhưng nguồn cung không có, và bao nhiêu năm nay Việt Nam vẫn đang phải nhập kẽm thỏi từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vạn sự khởi đầu nan
Gần 3 năm xây dựng với 7 gói thầu, trong đó gói thầu quan trọng nhất là cung cấp thiết bị toàn bộ của Trung Quốc. Tháng 4/2006, Nhà máy Kẽm điện phân bắt đầu đi vào vận hành sản xuất thử. Theo thiết kế của Trung Quốc, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu lò thiêu lớp sôi khi khởi động phải dùng dầu diesel trộn mùn cưa và lưu huỳnh để nâng nhiệt trong lò đạt tiêu chuẩn trước khi cấp liệu vào lò. Vì vậy, ở nhiệt độ cao, lưu huỳnh bị oxy hóa thành SO2, bay ra môi trường làm ảnh hưởng tới những hộ dân xung quanh và cây xanh khô héo. Mặt khác, ở công đoạn sản xuất axit sunfuaric, do tháp hấp thụ không tốt nên cũng làm bay khí SO3 ra ngoài. Để khắc phục nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam đã yêu cầu các chuyên gia Trung Quốc thay đổi lại thiết kế cho phù hợp, nhưng phía Trung Quốc không thống nhất. Vì vậy, mỗi lần khởi động, chạy thử đều gây ra sự cố ô nhiễm môi trường. Loại bỏ nguyên nhân khách quan là qui hoạch KCN không có khoảng cách an toàn cho dân ở, thì nguyên nhân chủ quan đã rõ. Lãnh đạo Nhà máy và Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên đã ký cam kết với chính quyền và nhân dân địa phương cải thiện môi trường, khắc phục hậu quả.
Đầu tiên, Công ty tiến hành đền bù cho các hộ dân xung quanh những thiệt hại về vật chất. Tiếp đó, ngay khi chuyên gia Trung Quốc về nước, đội ngũ kỹ sư, công nhân Nhà máy đã quyết liệt cải tiến hai công đoạn gây ô nhiễm. Với công đoạn khởi động lò dùng dầu diesel trộn mùn cưa và lưu huỳnh được thay bằng hệ thống đốt phun dầu diesel. Còn tháp hấp thụ được tăng nhiệt độ hấp phụ SO3 thành H2SO4, nên khí thoát ra trong lành, không còn gây ô nhiễm. “Khi chúng tôi xử lý được hai công đoạn này, môi trường cơ bản được cải thiện, cây cối xanh tươi trở lại, bản thân chúng tôi cũng thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng”, ông Hoàng Khải Quốc Minh - Giám cho biết.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những khó khăn ban đầu đã dần được tháo gỡ. Nhưng với đội ngũ CBCNV trên 500 người, trong đó đến 90% mới ra trường, chỉ có 3 kỹ sư được đào tạo, thực tập công nghệ tại nước ngoài làm nòng cốt, vấn đề con người để vận hành máy móc thiết bị đang là một khó khăn lớn của Nhà máy. Hơn nữa, ở Việt Nam lại không có một nhà máy tương tự nào để họ có thể học tập, mà chỉ có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa tự học chính mình. Từ khi vận hành, đội ngũ lãnh đạo Nhà máy và các kỹ sư chủ chốt gần như bám trụ suốt ngày đêm trong các phân xưởng, chú ý tới từng chi tiết nhỏ trong dây chuyền sản xuất, sổ nhật ký giao ca được duy trì nghiêm túc, sau mỗi ca lại rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Bây giờ, sau hơn 5 tháng, sản xuất của Nhà máy đã dần ổn định, sản lượng đạt khoảng 60% so với công suất thiết kế. Theo kế hoạch của Dự án, năm đầu tiên Nhà máy đạt 50% công suất, năm thứ hai đạt 70%, năm thứ ba đạt 80% và năm thứ tư mới đạt 100% công suất thiết kế. Với đà sản xuất như hiện nay, lãnh đạo Nhà máy hy vọng sẽ thực hiện được lộ trình đề ra với kết quả khả quan.
Tạm biệt Nhà máy Kẽm điện phân khi nắng vàng rực rỡ đã chuyển sang gay gắt, Giám đốc Minh nói về công việc sắp tới: “Bên cạnh việc ổn định dây chuyền công nghệ, đảm bảo sản xuất liên tục, chúng tôi cũng đang tiến hành trồng cây xanh trong khuôn viên để tạo bóng mát và cũng để chứng minh rằng, Nhà máy của chúng tôi là một nhà máy sản xuất sạch và chúng tôi luôn ý thức việc bảo vệ môi trường cho cả cộng đồng dân cư xung quanh”.
Khi tôi đang viết bài báo này, cũng là lúc Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên chuẩn bị cho cuộc đấu thầu về giá bán kẽm kim loại. Chủ trương của Công ty là chọn một đối tác tiêu thụ có uy tín để Nhà máy được đảm bảo ổn định đầu ra, CBCNV yên tâm sản xuất. Chúc cho Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên, Nhà máy Kẽm điện phân sẽ thành công trong bước đường kinh doanh của mình. Để sản phẩm kẽm thương hiệu Việt Nam sẽ không chỉ phục vụ cho sản xuất của Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, nâng vị thế của công nghiệp Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.