Thị xã Vĩnh Yên bước tiến mới của một thị xã anh hùng

Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập (1997), Vĩnh Yên trở thành Thị xã, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Với vị trí đó, trong những năm qua, cùng với sự phát triển vư

 

Những kết quả đạt được

Giai đoạn 2001 - 2005, kinh tế Vĩnh Yên phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 18,7%/năm, tăng 6,3% so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Thị xã là: Công nghiệp - Xây dựng 36,5%; Thương mại - Dịch vụ 56,3%; Nông nghiệp 7,2%.

Ngành công nghiệp - xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng cao ở tất cả các thành phần kinh tế. Việc thực hiện các quy định về ưu đãi đầu tư trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp Thị xã tiếp tục phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế Thị xã. Năm 2005, giá trị SXCN đạt khoảng 1.531 tỷ đồng, đạt 129% so với kế hoạch, tăng 28,7% so với cùng kỳ. Trên địa bàn Thị xã hiện có 1.127 cơ sở SXCN, tăng 51 cơ sở, thu hút trên 13.300 lao động. Thị xã đã tập trung làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như: KCN Khai Quang có diện tích 275 ha và CCN Lai Sơn diện tích 63 ha, thu hút được 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 101,4 triệu USD, 12 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 352,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.

Cùng với sự phát triển của các KCN, Thị xã đã tập trung phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh theo cụm, điểm kinh tế - xã hội, khuyến khích các hộ đầu tư phát triển. Bước đầu đã hình thành điểm công nghiệp Tích Sơn và cụm kinh tế - xã hội phường Đồng Tâm, đã thu hút được 11 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, với số vốn đầu tư gần 23 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp đều có thị trường tiêu thụ tốt như: Gạch ốp lát, gạch xây dựng, thuốc ống, thuốc viên các loại, và một số sản phẩm cơ khí, sản phẩm may, len... đều tăng cao.

Hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 291 tỷ đồng (năm 2000) lên 842 tỷ đồng (năm 2005), tốc độ tăng bình quân 23,7%/năm. Nhiều loại hình dịch vụ được hình thành và phát triển, số cơ sở kinh doanh dịch vụ tăng từ 1.605 cơ sở (năm 2000) lên 2.931 cơ sở (năm 2005). Cùng với kết quả trên, các ngành dịch vụ vận tải, tín dụng, ngân hàng, điện lực, bưu chính viễn thông đều phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân. Hiện nay, 100% số hộ dân trong Thị xã có điện, 85% dân nội thị được cung cấp nước máy.

Ngành nông - lâm - thủy sản của Thị xã phát triển tương đối toàn diện và chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất tăng bình quân 4%/năm. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng giá trị chăn nuôi, thủy sản và các ngành nghề. Ngành nông nghiệp bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh như vùng rau an toàn Tích Sơn, Định Trung; vùng trồng hoa cây cảnh ở Đồng Tâm, Liên Bảo, Tích Sơn, Đống Đa; vùng sản xuất giống ở phường Hội Hợp... Năm 2005, giá trị sản xuất trồng trọt đạt khoảng 46,19 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch. Ngành chăn nuôi phát triển khá, năm 2005, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt khoảng 28,23 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 0,7%/năm, sản lượng tăng 5,05%/năm.

Công tác đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị được tăng cường, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế vào địa bàn. Tổng số vốn huy động trên địa bàn Thị xã liên tục tăng qua các năm, trong 5 năm đã huy động được 1.173 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội và khoa học công nghệ đều có những chuyển biến tích cực, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2004, Thị xã Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại III và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Phát triển nhanh, bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng trưởng đi đôi với ổn định và tiến bộ xã hội, đó là những thách thức mới đặt ra đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thị xã Vĩnh Yên phải vượt qua. Toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Yên phấn đấu tới năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 20%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 26,1%, dịch vụ tăng 17%, nông - lâm - thủy sản tăng 4,2%; cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 50%; công nghiệp - xây dựng 47%; nông - lâm - thủy sản 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.350 USD, gấp 1,7 lần so với năm 2005.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Vĩnh Yên tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, tăng bình quân trên 26,1%/năm. Phát triển công nghiệp theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại có hàm lượng chất xám cao. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm mũi nhọn như: Cơ khí chế tạo, điện, điện tử, tin học, công nghệ phần mềm, vật liệu mới... Mở rộng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Khai Quang, tăng cường và tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng CCN Lai Sơn và các cụm kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh nhằm phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài Thị xã; khuyến khích và có chọn lọc các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các cụm kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Song song với xu thế phát triển nhanh của công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ của Thị xã cũng được mở rộng hơn, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thị xã đã sớm hình thành, nâng cấp và xây dựng các trung tâm thương mại có sức hút mạnh như: Trung tâm thương mại Khai Quang, chợ trung tâm Vĩnh Yên, chợ Đồng Tâm... Phấn đấu đến năm 2010, cơ cấu ngành thương mại - du lịch - dịch vụ trong GDP đạt 50%, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 17%.

Bên cạnh đó, Thị xã Vĩnh Yên cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường, phục vụ đô thị. Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông nghiệp hàng hóa. Phấn đấu tới năm 2010, cơ cấu ngành nông nghiệp trong GDP là 3,0%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 4,2%.

Để tăng thu ngân sách bình quân hàng năm lên 28 - 30%, Thị xã cũng tập trung phát triển, nuôi dưỡng và khai thác các nguồn thu tại địa phương, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng tích luỹ để tạo vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dịch vụ và hạ tầng văn hóa, ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường nội thị, đường vào các KCN, các khu đô thị mới; nâng cấp, cải tạo hệ thống điện nước,

Cùng với phát triển kinh tế, Thị xã Vĩnh Yên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội. Phát triển giáo dục đào tạo nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng sự phát triển của Thị xã trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người cao tuổi, bà mẹ - trẻ em... Phấn đấu đến trước năm 2010 có 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%, 100% trẻ em được tiêm chủng đủ 6 loại vacxin, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giữ mức 1%/năm. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy truyền thống Thị xã Anh hùng và những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân Thị xã Vĩnh Yên đoàn kết một lòng, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng Thị xã giàu đẹp, văn minh, hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2010.
  • Tags: